Một năm quay cuồng vì Covid, nhiều người bạn của tôi thở dài thườn thượt: "Năm nay chắc không có Tết". Bất chợt, tôi nghĩ bụng: "Sao không nhân thời điểm này để thử nghiệm gộp Tết cổ truyền?". Thực ra, đây là ý kiến đã được nhiều chuyên gia đưa ra, mổ xẻ thiệt hơn trong suốt nhiều năm qua. Có ý kiến cho rằng, Tết là truyền thống văn hóa, phải được giữ gìn, bởi chúng ta luôn khẳng định rằng "chỉ hòa nhập chứ không hòa tan".
Nhưng cũng có nhiều ý kiến khác đã đưa ra nhiều luận điểm chứng minh rằng, việc bỏ Tết cổ truyền sẽ mang lại rất nhiều lợi ích với đất nước. Lợi - hại như thế nào, đã có nhiều ý kiến phân tích, trong khuôn khổ bài viết này, tôi sẽ không nói thêm nữa. Cá nhân tôi hoàn toàn ủng hộ phương án gộp Tết cổ truyền vào Tết dương lịch như hầu hết người dân trên thế giới.
Ở đây, điều đó chỉ có nghĩa là chúng ta không ăn Tết Âm lịch nữa, mà có thể dời toàn bộ nhưng phong tục tập quán của Tết Nguyên đán sang dương lịch. Nói cách khác, chúng ta sẽ vẫn đi chúc Tết, vẫn lì xì cho trẻ nhỏ, vẫn vui chơi như bình thường, chỉ có điều sẽ vào đúng ngày 1/1 dương lịch, thay vì đâu đó ở tháng hai như mọi năm. Điều này vừa giúp bảo tồn truyền thống văn hóa ngàn năm của dân tộc, vừa giúp hòa nhập sâu hơn với thế giới.
Tất nhiên, việc gộp Tết cổ truyền sẽ có những bỡ ngỡ ban đầu, nhiều người sẽ cảm thấy khó chấp nhận hoặc nuối tiếc. Nhưng hãy nhớ, bảo thủ như người Nhật mà họ cũng đã bỏ Tết cổ truyền từ năm 1872, bởi họ nhìn ra được hàng loạt vấn đề khi đón tết Âm lịch. Và theo tôi, đây cũng là một trong những nguyên nhân giúp Nhật Bản vươn mình thành một cường quốc kinh tế.
>> Gộp Tết để sống 'bình thường mới'
Nhìn gần hơn, ngay tại Việt Nam, cái Tết năm 1994-1995 từng bị đánh giá là "buồn bã, vô vị" nhất trong tất cả những cái Tết từng diễn ra. Bởi đó là năm đầu tiên cấm đốt pháo. Giao thừa năm đó, cả nước như chìm vào im lặng. Tôi còn nhớ những nét đăm chiêu, tiếc nuối trên khuôn mặt những người lớn tuổi vào lúc đó. Thế nhưng, hơn 25 năm sau, mấy ai còn tiếc, còn buồn khi Tết không còn tiếng pháo? Thậm chí, bây giờ, ai đốt pháo vào buổi giao thừa còn bị coi là cá biệt.
Suốt một năm nay, Covid-19 đã tàn phá nền kinh tế thế giới nói chung và Việt nói riêng. Trong khi nhiều nước đã tính đến chuyện khôi phục sản xuất để phát triển kinh tế trong năm 2022, thì gần 100 triệu người Việt vẫn đang loay hoay tính toán cách nào để về quê đón Tết, tiền đâu để ăn Tết, chơi Tết? Và khi thế giới đã bắt nhịp lại với nhịp sản xuất mới, chúng ta lại nghỉ chín ngày để ăn Tết.
Nếu đơn giản, đón Tết theo dương lịch, thì có lẽ giờ này mọi người đã chuẩn bị về quê, đoàn viên, cùng lúc với thế giới. Vài ba ngày sau, tất cả sẽ trở lại nơi làm việc và yên tâm lao động trong 12 tháng tiếp theo, như hàng tỷ người khác trên toàn thế giới.
Tết Nguyên đán, đơn giản chỉ là một ngày nào đó trong năm. Nó đặc biệt bởi là ngày đoàn viên, và có những truyền thống từ hàng ngàn năm trước. Nếu vẫn là đoàn viên, và vẫn những truyền thống đó, nhưng được diễn ra vào một ngày nào đó khác, tôi tin đó vẫn là Tết mà thôi. Tại sao chúng ta không mạnh dạn thay đổi khi bản thân những người thuộc thế hê 8x như chúng tôi, mấy ai còn nhớ hôm nay là ngày mấy âm lịch?
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.