Bài viết Chồng 35 tuổi nhưng tâm hồn thiếu niên nói lên thực trạng nhiều cha mẹ chăm chút, nuông chiều con từ nhỏ đến lớn, thậm chí can thiệp vào đời sống khi con cái đã kết hôn, khiến những người này như những đứa trẻ lớn tuổi. Sau bài viết, độc giả Nguyệt chia sẻ:
Em tôi kết hôn, ở riêng cách nhà bố mẹ chồng tầm 60km. Mẹ chồng thường xuyên gọi điện nhắc con dâu phải chăm sóc chồng.
- Chồng con lười ăn rau lắm, con phải để ý, bắt nó ăn nhiều rau vào.
- Sao tủ lạnh còn nhiều hoa quả thế? Mẹ gửi lên mấy hôm rồi mà ăn chưa hết à? Con phải gọt vỏ, bày sẵn ra đĩa cho chồng con ăn chứ. Để nguyên trong tủ lạnh sao nó ăn được.
- Trời lạnh rồi đấy, con phải dặn chồng ra ngoài nhớ quàng khăn, đeo khẩu trang nhé. Không nhắc là nó quên đấy rồi lại bị ốm.
- Mẹ thấy dạo này chồng con gầy đi. Con phải chịu khó nấu nướng tẩm bổ cho nó. Nhắc nó ngủ sớm nữa, đừng làm việc vất vả quá, thiếu tiền thì bảo mẹ, mẹ cho.
Cứ 20h hằng ngày bà gọi điện cho con dâu để hỏi xem hai vợ chồng tối nay ăn gì, vợ có nấu ăn ở nhà không hay ăn bên ngoài. Nếu đi ăn bên ngoài, tiếp khách, gặp gỡ bạn bè thì đến 9h bà sẽ gọi lần nữa để xem đã về nhà chưa. Chưa về thì nhắc là về đi và sau đó 15 phút gọi một lần để giục đi về. Em tôi nhận thấy không phải là lấy chồng mà là nhận nuôi một đứa con trai.
Độc giả yen nguyen kể câu chuyện của mình:
Mẹ chồng tôi cũng chăm con như vậy, dù nhà không giàu và chồng tôi đã 37 tuổi. Bố chồng tôi thường trách mẹ không cho con bơi trong sông thì làm sao có thể ra biển lớn.
Chính vì vậy, sau khi thất bại ở hai cuộc hôn nhân, anh lại quay về sống trong sự bao bọc của mẹ, cả về vật chất lẫn tình cảm và không bao giờ thấy mình sai. Cho đến khi tôi gặp anh và lôi anh xa khỏi vòng tay của mẹ, bắt anh phải lớn và tự chịu trách nhiệm về cuộc đời của mình.
Cũng may tôi mạnh mẽ và không sống chung với gia đình chồng nên đã đào tạo thành công một đứa trẻ 37 tuổi thành một người đàn ông trưởng thành, cả về thể chất, tinh thần, lối sống lẫn trách nhiệm. Giờ mỗi lần về nhà chồng, tôi thường yêu cầu anh phải xây cái nọ, sửa cái kia cho bố mẹ và phải tự làm chứ không được thuê. Mẹ anh xót con lắm nhưng phải chịu thôi.
Trong khi đó, một số độc giả đưa ra lời khuyên:
Một trong những việc khó khăn nhất trong nhiệm vụ làm cha mẹ là tập buông tay. Bản năng cha mẹ ôm đứa con trong lòng và chỉ muốn ôm ấp như thế cả đời. Nhưng bạn thì chẳng thể ở bên con suốt đời nó được, cũng chẳng thể cưới vợ, chồng cho con chỉ để có người bao bọc mới.
Vậy thì, cũng như ngày bạn thả con xuống đất tập bò, tập đi, sẽ tới ngày phải thả tay để con tự lo việc cá nhân. Học hành, làm bài tập, ăn uống, tắm rửa, chọn nghề nghiệp, có người yêu... đều để con tự giác ở độ tuổi phù hợp. Sẽ khá đau lòng nhưng bạn phải chấp nhận, vì đó là vòng đời.
Bây giờ ta cứ chấm một dấu chấm làm tâm, rồi vẽ thành vòng tròn xoắn như lò xo thì ta sẽ thấy cứ lớn mãi không bao giờ bị ngừng lại. Ông bà nuôi cha mẹ, cha mẹ nuôi con, con nuôi cháu, cứ thế mà kéo dài theo thời gian. Vì vậy không ai phải phiền hà, không trách móc tại sao nuôi con lớn, rồi con bỏ rơi bố mẹ.
Vậy ai nuôi ông bà hay các cụ? Trách nhiệm của mỗi thành viên trong gia đình là phải biết vâng lời, hiếu thảo, giúp đỡ chia sẻ thời gian nhất định. Còn khi trưởng thành lập gia đình thì họ phải lo vào một vòng tua khác để bảo vệ hạnh phúc, lo kinh tế để duy trì nòi giống tiếp theo.
Vì vậy mong những ai là cha là mẹ, nên để con cái trưởng thành thì cứ để họ tạo lập, cứ bơi dù sông hay biển rộng, để con mình không phải chết đuổi.
Hữu Nghị tổng hợp
>>Ý kiến không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.