Có thể đâu đó chúng ta bắt gặp những câu chuyện ba mẹ thờ ơ với việc dành thời gian cho con cái và trông chúng rất đơn độc và tội nghiệp. Tuy nhiên, những trường hợp như vậy không liên quan tới việc giáo dục con cái tự lập và hoàn toàn không phải là hậu quả của xu hướng giáo dục này.
Thực ra có một lằn ranh rất rõ giữa việc dạy cho con cái trở nên độc lập và việc cứ để mặc chúng lớn lên trải nghiệm "sự đời". Đó chính là giáo dục.
Cách thức thực hành phương pháp giáo dục này trong mỗi điều kiện có thể khác nhau nhưng để dạy cho con trở nên tự chủ hơn tiêu tốn đòi hỏi thời gian của cha mẹ và hệ thống giáo dục nhiều hơn là bạn tưởng. Tuy cha mẹ có thể không làm thay hoặc chơi chung với con, nhưng họ luôn quan sát để có những chỉ dẫn hoặc giúp đỡ kịp thời và trường học cũng rất dày công chỉ dạy rất nhiều kỹ năng khác nhau trước khi các em tự lập. Nó khác hoàn toàn với việc bỏ mặt để cho con có ra sao thì ra.
Để nhìn rõ nét hơn về sự tương phản này, hãy nhìn vào xã hội Nhật Bản, nơi mà xu hướng giáo dục con cái trở nên độc lập luôn được đề cao. Cũng chính nơi đó, người ta có thể bắt gặp cảnh những đứa trẻ tự làm mọi thứ, tự chơi và đôi khi trông có vẻ cô đơn.
Trẻ em ở Nhật Bản khó dựa dẫm vào cha mẹ
Xét về mặt giáo dục thì giáo dục con cái trở nên độc lập có vẻ là một lựa chọn trong nhiều sự chọn, nhưng thực ra đó gần như là yêu cầu bắt buộc trong một xã hội công nghiệp như ở Nhật Bản. Trẻ em ở đây gần như có ít cơ hội để dựa dẫm lâu vào sự bảo bọc của người lớn như anh chị, cha mẹ hay ông bà bởi vì mỗi người đều có một công việc và hoạt động riêng.
>> Bài viết cùng tác giả: Trẻ em Nhật thực hành tiết kiệm như thế nào?
Chúng sẽ tự đến trường khi chỉ mới 6 tuổi. Nếu trường học ở gần, các em sẽ tự đi bộ tới trường. Nếu trường ở xa, các em sẽ học cách bắt xe buýt, tàu điện ngầm, taxi ... để đi đến trường và tự về nhà.
Không những thế, giờ tan trường vào khoảng 3 đến 5h chiều trong khi những cha mẹ người Nhật lại thường về nhà muộn hơn. Chúng sẽ ở nhà chờ cha mẹ khoảng vài tiếng đồng hồ, hoặc sẽ tự nấu ăn và tự chơi trong nhiều giờ liền nếu cha mẹ về nhà trễ. Đó là điều rất bình thường trong cuộc sống ở Nhật Bản. Cũng có những em thì thích la cà một số nơi như công viên, siêu thị, nhà sách hoặc một nơi công cộng nào đó.
Trong khoảng thời gian mấy tiếng ở một mình đó có thể làm cho nhiều người lo lắng bởi vì sợ đứa trẻ có thể sẽ cảm thấy cô đơn hoặc dễ sa ngã vào một thói quen xấu nào đó bởi vì không có người lớn giám sát. Tuy nhiên, phần đông các em học sinh sẽ tham gia vào một lớp học ngoại khoá (after school) cho tới khi cha mẹ tới đón về. Những em có thể ở nhà một mình thường là những em có khả năng độc lập hơn các em khác và có thể tự làm một số việc mà không cần sự có mặt của cha mẹ.
Người Nhật xem nước Nhật đủ an toàn để khuyến khích con cái độc lập
Có rất nhiều câu chuyện tương tự nhau được chia sẻ lại của những gia đình Nhật Bản di cư ra nước ngoài sống. Họ nói rằng họ có thể cho con cái tự làm mọi thứ và cha mẹ chỉ giám sát và ít làm thay con khi họ còn sống ở Nhật bời vì họ tin vào trật tự trong xã hội Nhật. Tuy nhiên, họ không lựa chọn cách tương tự khi sống ở nước khác bởi vì có rất ít lý do để họ tin rằng nơi đó an toàn cho con họ.
Điều đó cho thấy rằng, những cha mẹ người Nhật biết quan sát và đánh giá lúc nào là cần thiết để con tự làm và lúc nào họ cần can thiệp để tạo điều kiện cho con. Cách dạy con trong gia đình và hệ thống giáo dục của Nhật từ khi các em vừa được sinh ra sẽ cho thấy điều đó rõ hơn.
Kể từ một tuổi các em đã được hướng dẫn để tự dọn dẹp, được hướng dẫn cách ngồi lắng nghe và vận động đúng cách. Từ ba tuổi các em được dạy hát, dạy vẽ, dạy chơi các loại nhạc cụ, chơi thể thao... Tới khi các em bắt đầu dần rời xa sự bảo bọc trực tiếp của cha mẹ là khi bước vào trường tiểu học các em đã biết rất nhiều kỹ năng khác nhau để có thể tự tiêu khiển hoặc hoà mình vào cộng đồng. Kỹ năng giá trị nhất giúp các em thích nghi nhanh chóng vào cuộc sống bên ngoài đó là tính kỷ luật.
>>Làm thể nào để tinh hoa của cha mẹ truyền sang con cái?
Xã hội bên ngoài trường học ở Nhật cũng là môi trường an toàn hơn so với phần đông các nước khác trên thế giới. Hệ thống giao thông công cộng của họ rất hoàn chỉnh, đặc biệt có tính kết nối cao tới những cơ sở công cộng như trường học, thư viện, nhà sách, công viên... Ngoài ra, những tiện ích công cộng khác luôn dành sự ưu tiên cho trẻ em. Các em có lối đi riêng hoặc có những biển báo chỉ dẫn để người khác nhận thức về sự hiện diện của các em.
Chiếc cặp của các em cũng khá đặc biệt. Đó là một chiếc cặp khá lớn đựng được rất nhiều đồ trong đó. Các em mang theo đồ dùng cá nhân, truyện, đồ chơi hơn là các dụng cụ học tập bởi vì các em thường để sách vở lại trên trường. Bề mặt của chiếc cặp có ánh dạ quang để giúp người lái xe có thể tránh các em vào buổi tối. Nó cũng có chuông báo động trong những trường hợp nguy hiểm.
Việc bỏ lơ con cái có xảy ra ở Nhật Bản không?
Theo như báo chí đăng tin thì đúng là có. Có thể có những gia đình vì đặc thù công việc của họ mà thời gian dành cho con rất ít ỏi. Hoặc có những gia đình điều kiện tài chính khó khăn hơn thì không thể cho con cái tham gia các lớp học ngoại khoá cho tới khi cha mẹ đi làm về nhà. Thậm chí nhiều người đi làm cả ngày cuối tuần vì thế gần như không có thời gian để chơi với con. Nhiều trẻ em trong số các em có điều kiện gia đình như vậy chắc hẳn sẽ cảm thấy rất cô đơn và thiệt thòi hơn so với các bạn đồng lứa.
Nhưng một điều rất rõ ràng là những trường hợp này không phải là hệ quả của xu hướng giáo dục giúp con cái tự lập. Nó xảy ra như một mặt của xã hội mà bạn có thể tìm thấy ở bất kỳ nơi đâu trên thế giới này. Việc giáo dục cho con cái độc lập tốn rất nhiều thời gian và công sức của cả gia đình và xã hội trong khi đó việc bỏ lơ con cái tự lớn thì hoàn toàn ngược lại. Đó là hai điều hoàn toàn tách biệt nên rất quy kết sự liên quan với nhau.
>> Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.
Ce Phan