Trong các tác phẩm văn học Việt Nam, tôi có ấn tượng nhất với truyện ngắn Lão Hạc của Nam Cao. Bỏ qua bối cảnh xã hội trong tác phẩm mà nhân vật sinh sống, tôi thấy vừa giận, vừa thương lão Hạc.
Lão Hạc sống côi cút, cô đơn vì người con trai đã vào Nam làm đồn điền cao su. Hằng ngày lão chỉ có chú chó mang tên cậu Vàng làm kẻ bầu bạn. Lão Hạc rất thương con trai. Lão bòn vườn, tích luỹ từng xu, từng hào chỉ để mong có tiền cưới vợ và để lại của cải cho con trai. Mảnh vườn be bé, lão cũng chăm chút, trông nom để lại cho con.
Lão không dám ăn, không dám mặc, hạn chế chi tiêu. Thậm chí, khi khổ quá, lão đã uống bả chó tự tử mong để lại tài sản cho con một cách trọn vẹn nhất. Đến lúc gần chết, lão còn căn dặn ông Giáo hãy ngó chừng, trông nom tài sản, vì sợ bị người khác cướp mất, khi cậu con trai trở về thì không còn tài sản gì nữa.
Đó là tác phẩm văn học. Ngoài đời, không thiếu những bậc cha mẹ thương con kiểu lão hạc như thế. Tôi tự hỏi đó là tính hy sinh vì con hay thương con kiểu mù quáng?
Tôi có một người bạn, đã ngoài 35 tuổi nhưng chưa sinh con, mặc dù kết hôn đã khá lâu. Ai cũng đốc thúc thì hai vợ chồng vui vẻ trả lời: "Tụi em còn muốn nhiều thời gian dành cho nhau, hai vợ chồng còn chưa đi du lịch nhiều, chưa tận hưởng cuộc sống nhiều".
Rồi anh ta đặt câu hỏi vặn ngược lại: "Anh chị không thấy làm cha làm mẹ ở mình rất mệt mỏi sao? Cuộc sống của vợ chồng đã kết thúc từ lúc sinh con ra hay sao?". Kết thúc ở đây là không còn ý nghĩ chăm lo riêng cho bản thân hay đời sống vợ chồng nữa mà chỉ biết cắm đầu lo cho con.
Ngẫm nghĩ tôi thấy cũng đúng. Bao nhiêu năm sinh con ra thì ngần ấy lo lắng, hy sinh cho con cái. Đó cũng là cái vòng xoáy mà người Việt nào cũng bị cuốn vào.
Khi con còn trong bụng mẹ thì hồi hộp, lo lắng. Khi con đi mẫu giáo thì bồn chồn, không biết con mình có bị bạn đánh, giành giật đồ chơi không? Con có học ngoan không? Khi con sắp lên lớp một thì có nên cho con học chữ trước không? Cho con học quốc tế hay trường công? Thầy cô giáo có quan tâm con không?
Khi con học cấp hai, cấp ba thì lo con yêu sớm, bỏ bê học hành. Lo con có đậu đại học không, nếu rớt thì sao? Nếu đậu thì nuôi tiếp 4 năm đại học. Thậm chí khi con ra trườngthì phải lo tìm việc cho. Con đến tuổi cập kê thì lo tìm mai mối, lo của hồi môn, lo tiền vàng đi hỏi vợ cho con, lo mua nhà đất cho con.
Nhìn lại, đó là cả quá trình mấy chục năm hy sinh, lo lắng. Tôi thấy người Việt phần đông quá thương con, hy sinh cho con mà quên lãng đi thời gian cho riêng mình. Đến khi con cứng cáp thì cũng đã tuổi xế chiều, tuổi già ập đến, bệnh tật quanh mình.
Tôi không dám khuyên là hãy để đời cua cua máy, đời cáy cáy đào như một bạn đã nêu ý kiến. Lo lắng, hy sinh cho con là đặc tính của người Việt, mang tính kế thừa. Tuy nhiên, các bậc cha mẹ cũng nên quan tâm mình, lo lắng, hy sinh có chừng có mực, đừng học theo lão Hạc.
>> Bài viết cùng tác giả:
'Làm 5 năm vẫn kiếm dưới 15 triệu đồng thì không nên trụ lại Sài Gòn'
>> Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.
Lê Trung Bảo