Theo quan niệm ''trẻ cậy cha, già cậy con'', gửi cha mẹ tới trung tâm dưỡng lão đồng nghĩa với việc rũ bỏ trách nhiệm của con cái, nhiều người coi là hành vi bất hiếu. Tuy nhiên, Việt Nam đang trải qua nhiều thay đổi, kinh tế ngày càng cạnh tranh, con cái phải làm ngày càng nhiều giờ, các cháu có xu hướng học xa nhà, nhiều người không thể chăm sóc đầy đủ cho cha mẹ. Kết quả là người già có thể buồn chán, cô đơn tại nhà, thậm chí khó hòa hợp với người thân.
Bàn về chữ "hiếu" trong câu chuyện "đưa cha mẹ già vào viện dưỡng lão", độc giả Nguyễn nêu quan điểm: "Tôi nghĩ rằng mọi người hiện nay sẽ không quá nặng nề với quan điểm 'bất hiếu' hay 'có hiếu' khi quyết định đưa cha mẹ, ông bà vào nhà dưỡng lão. Ngay cả với những người đang đi vào tuổi xế chiều, rất nhiều người cũng nhận thức được đây là chuyện cần thiết và tất yếu.
Nhiều bạn bè của tôi - cũng đồng lứa nghỉ hưu, đều rất mong muốn có một trung tâm dưỡng lão đủ tốt để khoảng dăm năm nữa có thể làm nơi gửi gắm những năm tháng cuối đời của mình, nhưng xem ra mong ước đó hiện tại vẫn khó thành hiện thực. Vấn đề đặt ra là chúng ta có hay chưa các nhà dưỡng lão, trung tâm nuôi dưỡng, chăm sóc người cao tuổi đảm bảo chất lượng sống và vừa tầm với thu nhập ở mức lương hưu ở các địa phương trong cả nước?".
Đồng quan điểm, bạn đọc Tuân Hầm chỉ ra sai lầm khi dùng chữ "hiếu" để đánh giá khi con cái đưa cha mẹ vào viện dưỡng lão: "Nước chảy xuôi chứ chẳng bao giờ chảy ngược. Khi bàn đến chuyện dưỡng lão như thế nào tức là người ta nghĩ sau này mình già sẽ ở đâu, chứ không phải con cái "bỏ" cha mẹ ở chỗ nào.
Con cái không thể áp đặt cha mẹ được và ngược lại. Cha mẹ muốn vào viện mà con không cho hay con muốn "tống" hai ông bà đi dù ông bà không muốn, đấy mới là bất hiếu.
Nhiều người trong chúng ta đa phần lấy chữ "hiếu" của bản thân để áp đặt quan điểm lên người khác. Thực chất, con cái đều sẽ có cuộc sống riêng. Không phải cha mẹ nào cũng muốn được con cái chăm sóc lúc tuổi già. Cha mẹ tôi quán triệt từ nhỏ là không thừa kế, không sống chung, nên tôi cũng khó mà nói được con cái chăm sóc cha mẹ có ưu, nhược điểm thế nào so với viện dưỡng lão?
Theo góc nhìn của tôi, các thế hệ khác nhau rất khó hòa hợp về quan điểm, và cũng khó sống chung, kể cả ruột thịt, nên tốt nhất là tách nhau ra. Hơn nữa, khi còn minh mẫn, bạn không nên làm phiền người khác, còn khi đã không tỉnh táo thì nên nhờ đến can thiệp chuyên khoa, tức bác sĩ và viện dưỡng lão.
Đời sống của người già cũng có nhiều điều thú vị chứ không phải chỉ là mấy bức tường bê tông và chờ con cháu tối ngày đi làm, đi học. Nếu các bạn để ý, các cụ cũng có rất nhiều chuyện muốn giao tiếp với người cùng lứa tuổi, nhưng lại khó nói chuyện với con cháu".
>> 'Buông tha' con cái để tận hưởng tuổi già
Nhấn mạnh tư tưởng không bắt con phải là người đồng hành đến cuối đời, độc giả Họ Và Tên khẳng định: "Rồi sẽ tới một ngày, ba mẹ sẽ không còn theo kịp tôi nữa, cũng như tới một ngày tôi không theo kịp các con nữa. Vậy nên: kiếp này tôi sẽ phụng dưỡng cha mẹ mình, nhưng đến lúc già, tôi sẽ sống một mình. Tôi không chịu được cảnh phải ngồi nhà đợi con đi làm, hay ghì tụi nhỏ lại chỉ vì mình sợ cô đơn, sợ chết.
Tôi sẽ có cuộc phiêu lưu riêng cho vợ chồng mình lúc cuối đời. Các bạn nên nhớ, cha mẹ có thể là người đồng hành cùng con, nhưng con không nhất thiết phải đồng hành cùng bạn. Người đồng hành cùng bạn chính là người nắm tay bạn bước lên thánh đường".
"Vào Viện dưỡng lão, sống độc lập hay sống cùng con cái theo tôi phải do chính các bạn quyết định. Phần đông, người già nếu còn khỏe đều không thích ở cùng con cái vì bất tiện, vì khác biệt trong sinh hoạt. Còn khi các cụ yếu, không tự chăm sóc được thì cũng tùy hoàn cảnh mà thu xếp sao cho tốt nhất trong khả năng của mình. Phải xác định, nếu để cha mẹ già vào nhà dưỡng lão thì đó phải là ý nguyện của chính họ.
Sau này già, tôi sẽ thuê người giúp việc riêng hoặc (nếu dư dả) vào nhà dưỡng lão, vì: nếu ở với con cái, nhà chỉ có một phòng khách, tôi sẽ chiếm cả ngày; ăn uống cũng ngại yêu cầu vì con cái đi làm cả ngày về mệt mỏi, có ăn không hợp cũng đành cho qua, không thể bắt chúng nấu ăn hai chế độ riêng được. Thỉnh thoảng (có khi thường xuyên), tôi 'bĩnh' ra quần, cũng rất ngại nói con cái dọn rửa...
Mà giai đoạn đau yếu đó đâu có ngắn, có khi kéo dài 10-15 năm hoặc lâu hơn nữa. Cho nên, vào nhà dưỡng lão hoặc ở riêng và thuê người giúp, con cái chỉ phải chạy qua chạy lại thăm non, không có gì là bất hiếu", bạn đọc Phan Thị Nam nói thêm.
Trong khi đó, nhìn nhận dưới một góc độ khác, độc giả Nguyễn Thanh Bình cho rằng viện dưỡng lão thậm chí có thể là một cứu cánh để giữ hạnh phúc gia đình với người già: "Cổ nhân có câu: 'Một mẹ nuôi được mười con, nhưng mười con không nuôi nổi một mẹ'. Và người làm cha, làm mẹ đều thấm thía 'nước mắt chảy xuôi' để tự an ủi khi các con có điều gì khiến mình không đẹp lòng. Chuyện các con phân chia nuôi mẹ theo từng tháng, hết tháng lại bàn giao, rồi so đo cân nặng của cụ để rồi cãi vã... không hề ít trong thực tế.
Chưa kể chuyện cha mẹ thành người thừa, người dưng, để rồi bị chính con mình ghẻ lạnh, bị ruồng bỏ... Ở những tình cảnh éo le này, vào trại dưỡng lão có khi lại trở thành cứu cánh, giải pháp trong mơ với nhiều người".
>> Bạn nghĩ sao về việc con cái gửi cha mẹ già vào viện dưỡng lão? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.