Chia sẻ xung quanh câu chuyện "Bế tắc khi mua nhà 'lướt sóng' mùa dịch Covid", độc giả TRAN Quang Minh ủng hộ quan điểm bán cắt lỗ sớm thay vì ôm bất động sản chờ tăng giá:
Những người làm ăn kinh doanh, tạo giá trị thặng dư cho xã hội, tạo công ăn việc làm cho người lao động, tạo sản phẩm sáng tạo cho cộng đồng. Nhưng người "lướt sóng" bất động sản tạo ra áp lực chi phí mặt bằng cho người kinh doanh. Chưa kể, nếu cứ cổ súy cho việc đầu cơ bất động sản, chúng ta sẽ có nguy cơ xuất hiện những nhóm người không sáng tạo, chỉ mua đi bán lại nhà đất để ăn chênh lệch, đẩy chi phí công cụ sản xuất (bất động sản) cho người có nhu cầu thật.
Trở lại với chuyện đầu tư bất động sản, lúc kinh tế đi lên, giai đoạn khoảng 6-7 năm vừa qua, bạn nhắm mắt mua đất cũng lời. Tuy nhiên, giờ đây, chúng ta đang bước vào chu kỳ kinh tế biến động, tiềm ẩn nhiều rủi ro, tín dụng ngân hàng vào bất động sản rất lớn. Nếu hiện giờ kinh tế vĩ mô thế giới xuất hiện rủi ro hệ thống (khả năng cao vì giai đoạn vừa qua đã tăng nóng) hoặc phi hệ thống (giống như mùa dịch Covid) thì các loại tài sản này dễ xảy ra biến động lớn.
Nếu bạn không có thu nhập cố định cao, trong khi lại đi vay ngân hàng để mua nhà đất, tôi nghĩ bạn nên mạnh dạn bán cắt lỗ khi còn có thể. Giờ tiền ngoài thị trường đứng im không ít, nhưng giá tài sản như hiện nay lại chưa hấp dẫn. Đặc biệt là với mức sinh lời của bất động sản như hiện tại (bỏ 1,5 tỷ đồng mua nhà để lấy hai triệu/ tháng cho thuê). Trong khi đó, tiềm năng tăng giá bất động sản cũng rất mờ mịt với GDP tăng trưởng vĩ mô thấp.
Bất động sản không phải bao giờ cũng tăng giá mãi, đặc biệt trong thời buổi tiền nóng và ra vào nhanh như chu kỳ kinh tế chục năm nay. Bạn hãy nhìn các cuộc khủng hoảng 1998-1999, 2009-2010 để hình dung giá bất động sản giai đoạn đó giảm ra sao? Khủng hoảng có giai đoạn, với bất động sản, giá phải "lao dốc" rồi "đóng băng" vài năm, không có chuyện lên lại ngay được.
>> Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.