(Bài viết Ý Kiến không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.)
Cung không đủ cầu, nhất là vào cao điểm mùa du lịch hè, nên đã xảy ra hiện tượng thương lái "xé rào", nhập dâu tây Trung Quốc về Đà Lạt để trà trộn với dâu tây Đà Lạt, cung ứng cho thị trường. Tất nhiên, hình thức kinh doanh gian dối này chỉ là của một số ít kẻ gian thương hám lợi. Phần đông những người trồng dâu chân chính hay những tổ hợp tác, HTX ký bao tiêu sản phẩm dâu tây với nông dân đều vô cùng bức xúc khi gian thương phá hoại thương hiệu dâu tây Đà Lạt mà bao nhiêu người nơi đây đang dày công xây dựng.
Tôi chợt nhớ câu chuyện làng Kawakami Mura, huyện Minamisaka, tỉnh Nagano nằm ở phía tây thủ đô Tokyo, Nhật Bản được người dân đất nước mặt trời mọc gọi là làng "thần kỳ’’. Lý do là bởi Kawakami từ một ngôi làng nghèo khổ nhất Nhật Bản, nhưng do sự đồng lòng trong sản xuất, người dân trong làng đã biến nơi đây trở thành làng giàu có nhất nước Nhật. Thu nhập bình quân hộ gia đình hiện nay tại làng Kawakami đạt 250.000 USD/năm.
Vào thập niên 60-70 của thế kỷ 20, làng Kawakami là một ngôi làng nghèo nhất nước Nhật, người dân chủ yếu làm nông nghiệp với việc canh tác lúa nhưng lương thực làm ra không đủ nuôi sống gia đình. Vùng đất này rất khắc nghiệt, mỗi năm chỉ canh tác được bốn tháng, tám tháng còn lại băng giá bao phủ, nhiệt độ có lúc xuống âm 20 độ C.
Năm 1980, vị trưởng làng Kawakami nhận thấy đất của làng khô và thời tiết lạnh rất thích hợp cho việc canh tác cây xà lách nên kêu gọi dân làng cùng nhau trồng để cung ứng cho thị trường. Một quy trình rất nghiêm ngặt đã được đề ra, ban đầu là lấy mẫu đất, nước của từng khoảnh ruộng của các nông hộ. Tiếp đến là kỹ thuật canh tác, chế độ nước, phân và khâu bảo quản sau thu hoạch. Sau 20 năm, làng Kawakami đã ra được quy trình canh tác cây xà lách theo chuẩn riêng của mình, không theo bất cứ tiêu chuẩn nào trên thế giới, nhưng bảo đảm sản phẩm của các nông hộ đồng nhất tuyệt đối với nhau.
Điều đáng nói, sản phẩm xà lách của làng có giá cao hơn gấp năm lần so với sản phẩm cùng loại ở Nhật Bản nhưng người tiêu dùng vẫn chấp nhận. Tính kỷ luật trong sản xuất của người làng Kawakami rất cao, nếu nông hộ nào làm sai sẽ bị cấm canh tác trong một thời gian và những sản phẩm làm sai đó sẽ bị tiêu hủy ngay tại làng mà không cho phép đưa ra thị trường dưới mọi hình thức. Làng có hẳn một kênh truyền hình để thông tin về thị trường, giới thiệu quy trình canh tác, kế hoạch gieo trồng...
Tất cả sản phẩm xà lách của làng Kawakami đều được thu hoạch một giờ cố định trong ngày là từ 3-7h sáng, sau đó rau xà lách được đem vào bảo quản lạnh ở chế độ tương đương giờ thu hoạch để đảm bảo sản phẩm chất lượng, đồng nhất. Những nông hộ nào thu hoạch rau xa lách ngoài khung giờ nói trên đều không được chấp nhận và sản phẩm sẽ bị tiêu hủy. Sự thành công của dân làng Kawakami đã giữ chân và lôi kéo những người trẻ của làng bỏ cuộc sống ở các thành phố lớn để về lại quê hương làm nông nghiệp với công việc là trồng xà lách.
>> Thực phẩm không hóa chất - giấc mơ xa vời
Từ câu chuyện của ngôi làng "thần kỳ’’ở Nhật Bản với sản phẩm rau xà lách, tôi nghĩ tới trái dâu tây của nông dân Đà Lạt tại Việt Nam. Cây dâu tây được người Pháp đưa tới canh tác thử nghiệm ở Đà Lạt từ cuối thế kỷ 19 tại một trang trại chuyên thử nghiệm các loại cây trồng, được thiết lập ở vùng Đan Kia - Suối Vàng ngày nay. Khi người Pháp đặt chân đến Đà Lạt, vùng đất này thậm chí còn chưa thiết lập với cả hệ thống hành chính. Vào những năm cuối thập niên 30 và đầu thập niên 40, những ngôi làng người Việt đầu tiên được hình thành ở Đà Lạt như ấp Hà Đông, ấp Nghệ Tĩnh... Bà con đã được người Pháp chuyển giao kỹ thuật canh tác dâu tây, hoa hồng và một số loại rau củ để cung cấp tại chỗ cho Pháp kiều đang làm việc, sinh sống tại Việt Nam.
Cây dâu tây ở Đà Lạt được duy trì liên tục từ thời đó đến nay, nhưng diện tích luôn không quá lớn so với tổng quỹ đất nông nghiệp của Đà Lạt. Do là loại cây trái quý phái, chỉ dùng để ăn chơi, thưởng thức nên vào những năm kinh tế tập trung, bao cấp, diện tích dâu tây giảm mạnh do không phải là cây lương thực hay thực phẩm thiết yếu.
Từ vài chục năm nay, cây dâu tây đã được nhà vườn Đà Lạt chú ý phát triển, nhưng diện tích hiện tại cũng chỉ ở mức trên dưới 130 hecta với sản lượng khoảng 1.500 tấn mỗi năm.
Một thời gian dài ở Việt Nam, khi nói đến trái dâu tây, mọi người đều nhắc tới Đà Lạt vì kinh tế chưa mở cửa, giao thương với Trung Quốc và các nước chưa nhiều nên không có dâu tây nhập khẩu. Hiện nay, dâu tây cũng được canh tác ở SaPa hay một vài vùng ở Tây Nguyên nhưng diện tích ít và nhỏ lẻ, sản lượng không đáng kể bởi loại cây trồng này đòi hỏi nhiều vào yêu tố thiên nhiên, thời tiết để có sản phẩm chất lương. Vậy nên, khi nói đến dâu tây, người tiêu dùng vẫn nhắc tới Đà Lạt.
Là loại trái cây nhanh hỏng, khó vận chuyển, nên dâu tây phát triển mạnh khi du lịch Đà Lạt được biết đến rộng rãi. Ngoài phục vụ tại chỗ, khách du lịch có thể mua và tự tay mang về, hoặc những đường bay được kết nối với Đà Lạt cũng giúp trái dâu tây được đi xa hơn do thời gian vận chuyển ngắn.
Cây dâu tây đang được Đà Lạt chú ý phát triển và xây dựng thương hiệu. Hiện nay, ở Đà Lạt có hàng chục vườn, trang trại dâu tây kết hợp làm du lịch bằng việc cho khách tham quan và mua sản phẩm. Dâu tây nằm trong nhóm sản phẩm nông nghiệp "Đà Lạt kết tinh kỳ diệu từ đất lành’’. Tháng 6/2020, trái dâu tây Đà Lạt đã được Cục sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học Công nghệ trao chứng nhận nhãn hiệu độc quyền. Nhờ việc xây dựng bộ tiêu chí nhận diện, truy xuất nguồn gốc... nên dâu tây Đà Lạt được nhiều người biết đến, tìm mua trong các chuyến du lịch đến xứ sở này.
>> Nông sản sạch thiếu đất sống vì 'vàng thau lẫn lộn'
Là một người sống lâu năm ở Đà Lạt, tôi cho rằng, về lâu dài, để giữ thương hiệu cho dâu tây Đà Lạt, người dân và chính quyền sở tại cần có hàng rào nghiêm ngặt với những nguồn dâu tây nhập từ bên ngoài. Bên cạnh đó, cũng cần hoàn thiện hơn nữa quy trình sản xuất, mẫu mã sản phẩm, bao bì và có những cam kết cụ thể về chất lượng, xử lý nghiêm những người làm giả dâu tây Đà Lạt như thực trạng đang xảy ra.
Không thể cấm dâu tây Trung Quốc hay ở một quốc gia nào khác vào Việt Nam nếu nó được nhập khẩu chính ngạch và qua các khâu kiểm định an toàn. Gía cả hay giá trị sản phẩm do thương hiệu và chất lượng quyết định. Qua khảo sát thực tế, những lô dâu tây Trung Quốc được nhập về Đà Lạt những ngày qua có mẫu mã đẹp hơn dâu tây Đà Lạt, tuy chất lượng, mùi vị không bằng. Một yếu tố quan trọng là loại dâu tây này rất lâu hỏng trong khi dâu tây Đà Lạt chỉ để môi trường tự nhiên khoảng hai ngày và bảo quản đúng cách cũng không quá một tuần.
>> Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.
Quốc Dũng