Sáng nay, đi đưa đám tang người quen quá cố, tôi tình cờ thấy thân nhân của người mất vừa rải tiền vàng mã, vừa rải tiền thật mệnh giá 1.000 và 2.000 đồng lẫn lộn rất nhiều trên đoạn đường từ nhà đến nghĩa trang (khoảng cách hơn ba km). Nếu trước đây, theo tập tục, người ta chỉ rải tiền vàng mã trên đường để cúng cô hồn, làm lộ phí đưa tang. Nhưng nay, những đồng tiền mệnh giá nhỏ, ít giá trị sử dụng cũng bị nhiều người đêm đi rải dọc đường để cúng cô hồn. Bản thân tôi chưa bao giờ thấy ở đâu có tập tục rải tiền thật khi đưa tang như vậy cả.
Tục rải tiền vàng mã trong đám ma từ lâu đã phổ biến trong phong tục của nhiều người Việt ở khắp nơi. Tục lệ này xuất phát từ quan niệm rằng ở nơi ngã ba, ngã tư đường, nơi cầu cống, đình, đền, chùa thường có vong linh chưa được siêu thoát, không ai thờ cúng, nên họ rất đói khát, cần được bố thí, giúp đỡ. Do đó, khi đi qua đây, chúng ta rải tiền vàng mã và gạo, muối để mong họ sẽ không quấy nhiễu cuộc sống người ở trên dương thế.
Thực tế, đạo Phật không khuyến khích sử dụng vàng mã, vứt tiền hay bày vẽ lễ lạt tốn kém. Hơn nữa, âm - dương cách biệt, cho dù chúng ta đưa tiền thật thì với thế giới người âm cũng đâu thể sử dụng được, chỉ gây phung phí, ô nhiễm môi trường. Cứ hình dung tiền bị rải đầy đường, gió thổi bay lung tung rất mất vệ sinh và gây nguy hiểm cho người đi đường nếu nó làm cản trở tầm nhìn hoặc khiến họ giật mình.
Có thể nói, đây không phải là tập tục của người xưa mà là sự "bày vẽ" của những người thời hiện đại do "phú quý sinh lễ nghĩa", sau đó người ta bắt chước làm theo và tin rằng nó là văn hóa xuất phát từ xa xưa. Hơn nữa, đây chỉ là một biện pháp trấn an về mặt tâm lý chứ không có một ý nghĩa nào. Đồng tiền là thước đo giá trị sức lao động. Tiễn người chết ra nghĩa trang mà rải tiền chẳng khác nào coi thường sức lao động của mình.
>> Giật cô hồn - 'đừng giữ truyền thống theo kiểu không văn minh'
Tôi biết có một trường hợp xảy ra ở Huế, gia đình khi đưa tang đã rải tiền thật. Lúc đó, cả những người đang khiêng quan tài cũng dừng lại dùng chân để lượm tiền. Kết quả là quan tài chao đảo và suýt bị quăng xuống đất. Nhiều người đi đường khác cũng lao ra nhặt tiền, gây nguy hiểm cho các phương tiện xung quanh và chính họ.
Việc rải tiền không chỉ đang vô tình gây lãng phí mà còn khiến người đi đường gặp nguy hiểm, gây mất mỹ quan đô thị vì những tờ tiền thật, tiền giả bị rải trên đường trông như rác được vứt ra. Từ chỗ rải tiền vàng mã đến rải luôn tiền thật trong các đám tang là hành động coi nhẹ đồng tiền được pháp luật bảo hộ. Không có quy định nào của pháp luật cho phép người dân rải tiền thật trong đám tang. Vì thế hành động này cũng có thể xem là vi phạm pháp luật. Đó là tội "cố ý hủy hoại tiền tệ".
Tiền dù là đang nằm trong túi của ai đi chăng nữa cũng là tài sản quốc gia. Hành vi hủy hoại tiền tệ, ngoài việc gây lãng phí và phản cảm, nếu diễn ra trên diện rộng và quy mô lớn còn có thể gây bất ổn tài chính, tạo tâm lý thiếu niềm tin vào đồng nội tệ. Trên thế giới, từng có nhiều người bị kết tội này. Thế nên, dù là tiền có mệnh giá nhỏ, nhưng cũng không vì thế mà chúng ta có thể dễ dàng ném đi ở dọc đường như vậy.
Tóm lại, những hủ tục như thế này, ngày nay đã không còn hợp với xã hội văn minh, trong đó có Việt Nam. Tiền có in hình quốc huy, hình lãnh tụ và là một trong những biểu tượng cho đất nước, nên việc rải tiền ra đường như vậy rõ ràng là rất phản cảm, cần phải được chấn chỉnh. Thay vì rải tiền, tại sao ta không mang tiền đến chùa cầu siêu cho người đã khuất, lại làm công đức luôn. Chắc chắn vong linh của họ sẽ thanh thản hơn nhiều.
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.