(Bài viết Ý kiến không nhất thiết trùng quan điểm của VnExpress.net)
Số là nhằm đúng những ngày đầu xuân thì ở làng tôi có đám tang của một người bị ung thư đại tràng đã vài năm, đầu năm nay thì mất. Đám tang đã buồn rồi, đám tang của người trẻ còn buồn hơn.
Ngày xuân mưa rét cộng với tiếng kèn trống, than khóc nỉ non thì còn gì là không khí xuân nữa. Đám tang của anh cũng như các đám tang trong vùng là được tổ chức hoành tráng, ăn uống linh đình, tốn kém, mất nhiều thời gian...
Chứng kiến đám tang của anh và nhiều đám tang khác ở nhiều vùng quê, tôi nhận thấy hiện nay rất nhiều người mong muốn thay đổi nhiều hủ tục để làm cho cuộc sống trở nên văn minh hơn. Một số điều mà mọi người mong muốn cần phải thay đổi trong đám tang là:
- Ăn uống nên hạn chế. Khi người chết đang còn nằm đấy, nếu là người chết trẻ, bệnh tật mà lại ngồi ăn uống thì thật khó mà nuốt trôi được. Đáng mừng là nhiều vùng quê giờ đã không tổ chức ăn uống trong tang lễ. Khi có việc tang thì họ hàng, làng xóm vẫn đến giúp đỡ, chia buồn bình thường nhưng đến bữa thì ai về nhà đấy, gia chủ không phải làm cỗ vất vả, nhiêu khê.
Có chăng gia chủ chỉ làm vài ba mâm cho người ruột thịt hoặc khách ở xa mà thôi. Việc tổ chức ăn uống (nếu có) thì được tổ chức vào dịp 49 hoặc 100 ngày. Dịch Covid -19 này càng cho thấy điều này là rất đúng, nên trở thành nếp văn hóa của mỗi vùng quê.
- Thay vì đội nhạc hiếu nỉ non, bật loa hết công suất ảnh hưởng đến làng xóm là những bản nhạc hiếu được thu vào USB, thẻ nhớ... Nhiều nơi đã thực hiện được điều này, rất là văn minh.
- Tổ chức tang lễ không nên hoành tráng, tốn kém. Mới đây có người chia sẻ rằng dịp dịch Covid-19 này anh được chứng kiến 2 đám tang. Đám tang mùa dịch hiu hắt thật đấy nhưng nó bớt hình thức, thay vào đó là tình cảm được sẻ chia một cách chân thực. Ngoài ra, đám tang cũng không nên kéo dài, bởi sẽ càng làm cho người thân thêm đau buồn. Tang lễ đã kéo dài rồi lại tuần rằm, mồng Một, 49 ngày, 100 ngày, giỗ đầu, rồi cải táng nữa rất là vất vả, khổ sở mà người sống phải gánh chịu.
Ngoài ra nếu kéo dài thì không khí đau buồn của tang lễ sẽ ảnh hưởng rất lớn đến mọi người, làm tâm lý mọi người u hoài, năng suất lao động giảm sút. Theo Luật lao động thì khi Tứ thân phụ mẫu mất người lao động sẽ được nghỉ 3 ngày. Tuy vậy nhiều đám tang ở quê có nhiều thủ tục nhiêu khê làm con cháu của người đã khuất rất mệt mỏi, rất khó có thể đi làm ngay sau 3 ngày nghỉ lo tang lễ đó.
Nhiều chủ sử dụng lao động người Nhật, Hàn... đã nhiều lần lên tiếng phàn nàn về vấn đề này.
- Nên hỏa táng thay vì chôn cất rồi cải táng. Đáng mừng là hiện nay nhiều vùng quê đã thay việc chôn cất bằng hỏa táng. Tuy nhiên có một vấn đề là khi hỏa táng xong thì thường lại xây mộ (dù to hay nhỏ) tốn đất trong khi quỹ đất của các vùng không thể là vô hạn. Bởi vậy nên chăng hỏa táng xong đem rải tro cốt xuống sông, xuống biển vừa mát mẻ lại vừa không tốn đất. Đó chính là hình thức Thụ táng. Thụ táng còn gọi là lộ thiên táng, là đem tro xương của người chết chôn dưới gốc cây hoặc rải lên một khoảnh đất nào đó rồi trồng lên chỗ ấy một cây làm kỷ niệm. Thụ táng không có huyệt mộ, không có bia mộ, chỉ có một phiến đá đặt dưới gốc cây hay một miếng kim loại treo lên thân cây ghi họ tên, năm sinh, năm mất của người chết. Hiện nay thụ táng được xem là một trong những hình thức mai táng hiện đại trên thế giới, một xu hướng mai táng của tương lai.
Xem xét những điều mà nhiều người mong muốn đám tang ở các vùng quê hiện nay cần thay đổi ở trên chúng ta thấy rằng đó cũng chính là nhiều điều đang diễn ra ở đa số các đám tang ở thành phố: gọn nhẹ, không ăn uống, không kèn trống, hỏa thiêu thay vì chôn cất.
Đó cũng chính là những điều mà nhiều người ở quê cũng mong muốn đám tang ở quê cũng được tổ chức như vậy. Đặc biệt hơn nữa là: tại sao đám ma ở quê lại không tổ chức ở nhà tang lễ thay vì tổ chức ở nhà.
Để làm được điều này thì cần quy hoạch để mỗi một đơn vị hành chính ở mỗi vùng quê (một huyện chẳng hạn) đều có một nhà tang lễ cộng đồng (NTLCĐ), việc tang lễ nên tổ chức ở đây. Việc quy hoạch này nghe có vẻ là lạ. Điều này nó giống như chuyện trong quy hoạch thì mỗi khu dân cư phải có một khu xử lý nước thải trước khi thải ra môi trường - thực sự cần thiết. Nhưng trước kia nghe có vẻ cũng kỳ kỳ như vậy đến bây giờ chúng ta mới nhận ra. "Sinh, lão, bệnh, tử" là quy luật ở đời, hiển nhiên việc tang lễ là quan trọng nhưng quan trọng hơn là khi sống thì đã được sống như thế nào.
Chúng ta thường nói: chết là hết. Người chết đã chết rồi. Những người thân, họ hàng đang còn sống của người chết thì vẫn phải sống. Không nên vì lo đám tang hoành tráng cho người chết mà để người sống phải vất vả quá, "chết dở". Ở các vùng quê cũng cần có NTLCĐ để tang lễ người chết được tổ chức ở đây. Việc này làm cho việc tổ chức tang lễ cho người chết ở các vùng quê sẽ văn minh vì: trang trọng, tiết kiệm, không ảnh hưởng đến hàng xóm... Điều này cũng chính là để góp phần làm cho cuộc sống trở nên văn minh hơn.
>>Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.
Anh Phạm