Đọc bài viết "Tôi dị ứng với thói quen ăn chung của nhiều người Việt", tôi không hoàn toàn đồng tình với quan điểm của tác giả Lafano. Thực ra, những cái mà các bạn đang liệt kê như nhai mở miệng, phát ra tiếng kêu, gặp thức ăn cho nhau, dùng tăm không che miệng... là những lý thuyết ăn uống lịch sự trong nhà hàng hoặc nơi công cộng. Chứ nếu đòi hỏi ở trong bữa cơm gia đình cũng phải áp dụng hết thì có phần hơi quá.
Tôi không quan tâm đến phong cách ăn uống của người khác đẹp hay sạch sẽ thế nào vì mỗi người mỗi thói quen, sở thích khác nhau. Bạn không thích điều này, điều kia, nhưng cũng không thể bắt người khác cũng phải như mình. Khái niệm ăn uống đẹp mắt, tế nhị không nhất thiết cứ phải là kiểu thanh tao như trong nhà hàng hạng sang. Nhiều người tri thức, là dân kinh doanh, khi đến nhà hàng, họ đều rất thanh tao, nhưng vẫn hòa hợp với bữa cơm gia đình theo kiểu thoải mái hơn, vậy họ cũng thiếu văn minh sao?
Bạn không thích gắp thức ăn cho nhau, không uống rượu bia thì tôi cũng không lạ vì nhiều người Việt cũng như vậy, họ sợ dính nước miếng của người khác. Nhưng văn hóa bữa cơm gia đình mỗi một quốc gia đều có sự khác biệt nhất định: Bên Âu - Mỹ, người ta múc chung một đĩa (mỗi người một đĩa riêng cho món chính, nhưng các món phụ họ vẫn dùng chung, kể cả gắp chung), còn người Việt, Hàn hay Nhật lại bày biện vô số món ăn chung lên bàn, nên vấn đề ăn chung hay riêng không thuộc phạm trù văn hóa của nước nào cả.
>> 'Người Việt ăn chung đĩa, gắp cho nhau là thiếu văn minh'
Tôi không chắc có ai có thể ăn riêng tuyệt đối 100% không? Đơn giản như trong quá trình nấu ăn, có khi vợ của bạn đã dùng môi để nếm thức ăn rồi. Hay như trong bữa ăn gia đình, chẳng lẽ không ai nói với ai lời nào vì nếu nói chuyện cũng sẽ vô tình làm rơi giọt bắn vào nhau đấy thôi?
Tôi dùng món với người Ấn Độ, họ bày biện cho riêng vợ chồng tôi thìa, đũa rất lịch sự, nhưng họ vẫn bốc tay, thậm chí họ chỉ ăn một tay. Các món phải dùng hai tay như lột vỏ tôm, họ còn nhờ chúng tôi làm giúp, và họ vẫn ăn rất ngon lành. Và đừng ai chê họ thiếu văn minh vì họ toàn là kỹ sư, bác sĩ có trình độ học vấn cao. Đó đơn giản chỉ là sự tôn trọng văn hóa khác biệt của mỗi quốc gia.
Tóm lại, gia đình là nơi thoải mái, tự do với các thành viên, không việc gì phải khuôn phép, khép nép như đi gặp khách hàng, nơi công cộng. Hãy phân biệt rõ hoàn cảnh và không gian cụ thể để áp dụng những phép tắc ăn uống phù hợp. Quan trọng nhất, hãy bớt phiến diện và tôn trọng văn hóa khác biệt của từng vùng, từng quốc gia.
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.