Luật sư Khanh Huỳnh, đang sống ở Mỹ, chia sẻ với độc giả VnExpress bài viết sau những ồn ào về bức tượng Nữ thần Tự do ở Sapa:
Việc tác phẩm nhái "Nữ thần Tự do" ở Sapa đã gây ra nhiều tranh cãi. Một trong vấn đề được nêu ra là liệu tác phẩm nhái này có vi phạm bản quyền hay không? Nhân đây tôi xin được chia sẻ một số vấn đề cơ bản xung quanh luật bản quyền dựa trên luật Mỹ.
Trước hết, luật bản quyền (copyright) được áp dụng cho các tác phẩm sáng tạo nghệ thuật. Các ví dụ bao gồm âm nhạc, các tác phẩm ghi âm, phim ảnh, sách vở, thơ ca, điêu khắc, hội họa, các tác phẩm nghệ thuật đương đại, kiểu như trái chuối được dán vào tường...
Các loại đồ dùng máy móc hay các thương hiệu được bảo vệ bằng phát minh sáng chế (patent) và thương hiệu (trademark). Tượng Nữ thần tự do không thuộc vào loại này, nó là một tác phẩm nghệ thuật điêu khắc.
>> Cùng tác giả: 'Ném bùn' trên Facebook
Khả năng bảo vệ bản quyền cũng chỉ có thời hạn nhất định. Luật Mỹ hiện bảo về bản quyền trong suốt đời tác giả cộng thêm 75 năm. Đối với các tác phẩm được "đặt hàng", tức là một công ty thuê nhạc sĩ viết bài hát rồi trả tiền cho nhạc sĩ mua trọn bản quyền thì thời hạn là 95 năm từ ngày phát hành cho công chúng hay 120 năm từ ngày tác phẩm được tạo ra, tùy cái nào tới sớm hơn.
Các tác phẩm như tượng Nữ thần Tự do thì đã quá cũ, nếu có bản quyền đi chăng nữa thì cũng đã hết thời hạn bảo hộ, nên cứ tha hồ mà sao chép, không sợ bị kiện. Đó cũng chính là lý do các tác phẩm văn học cổ điển được dịch ra và bán ở Việt Nam mà không có rắc rối gì, còn truyện Harry Potter thì phải có ký kết bản quyền, có nhà xuất bản được cấp quyền...
Đối với các tác phẩm còn thời hạn bảo hộ thì thế nào là vi phạm bản quyền cũng có một số "phép thử" khác nhau. Trước hết là các trường hợp "bê nguyên xi" tác phẩm gốc và bị kiện.
Trường hợp này thường do những nhân vật ít tiền gây ra, kiểu như là lén vào rạp chiếu phim để quay một phim mới ra và tung lên YouTube cho thiên hạ xem. Chủ sở hữu bản quyền thường chỉ kiện với mục đích "dạy cho một bài học". Trường hợp này cũng hay xảy ra ở các nước đang phát triển, khi các bộ phim, bài hát nước ngoài bị đem ra dùng mà không trả tiền cho bên sở hữu bản quyền.
Sau đó là các trường hợp "sao chép nhưng không giống lắm". Một ví dụ ở Việt Nam là bài hát Tình thôi xót xa bị một tác giả Nhật nói là giống bài hát của ông ta. Sau một thời gian lùm xùm trên báo thì người ta bỗng phát hiện ra rằng cả hai bài đều hơi giống bài I've never been to me của Charlene. Thế là vụ việc coi như chìm xuồng.
Vậy hai tác phẩm đó có giống bài hát của bà Charlene hay không? Điều này thì phải ra tòa mới biết được. Tòa án có nhiều phép thử khác nhau cho các tác phẩm nghệ thuật thuộc các loại khác nhau và các phán quyết không phải là thuật toán. Nghệ thuật thuyết phục của các luật sư vì vậy rất cần thiết.
>> Nhà ống, 'chuồng cọp' và vườn trên sân thượng
Bài hát "Girlfriend" của ca sĩ Avril Lavigne cũng từng bị kiện. Rubinoos, một nhóm nhạc sĩ đã kiện với cáo buộc là bài này giống bài "I wanna be your boyfriend" của họ. Hai bài cũng có một số đoạn giống nhau nhưng không hoàn toàn giống. Sau cùng thì hai bên đạt được thỏa thuận hòa giải, tức là hai bên có trao đổi tiền bạc vật chất gì đó rồi bãi bỏ đơn kiện. Đây là một ví dụ về cáo buộc vi phạm bản quyền nhưng tác phẩm gốc và nhái không hoàn toàn giống nhau.
Ngoài ra thì có một số trường hợp mà người dùng có thể sử dụng các tác phẩm còn hạn bảo hộ bản quyền mà không phải trả tiền (fair use). Đây là các trường hợp dùng trong giáo dục, bình luận, chế nhạo, nghiên cứu, đưa tin. Vì vậy sách giáo khoa có thể dạy các tác phẩm còn bản quyền, các nhà bình luận sách có thể viết bài và trích dẫn nội dung sách, phóng viên có thể đưa tin về bộ phim mới ra lò...
"Dùng để chế nhạo" là một vấn đề hơi khó khăn để phân biệt. Việc "đạo" một tác phẩm nhằm chế nhạo chính tác phẩm đó (parody) thì thuộc vào loại "fair use". Dòng phim Spoof Movie là một ví dụ. Như là bộ phim "Năm mươi sắc thái của Black" được làm ra để chế nhạo phim "Năm mươi sắc thái của Grey". Nhân vật chính trong phim chế nhạo tên là Christain Black. Anh cũng quen với một sinh viên trẻ tuổi, cũng dẫn cô ấy vào một mối quan hệ đầy dục cảm... nhưng anh Grey trong nguyên tác sành sỏi bao nhiêu thì anh Black lại gây ra đủ thứ rắc rối khiến khán giả cười. Các nhân vật phụ cũng được chế biến lại với mục đích chế giễu phim nguyên bản. Các tác phẩm này không bị xem là vi phạm bản quyền.
Việc "đạo" một tác phẩm để chế nhạo một cái gì khác hơn là tác phẩm nguyên tác thì lại là việc khác. Ví dụ như các bài hát bị viết lại lời để chế nhạo một chính trị gia thì người nắm bản quyền bài hát có thể kiện. Cách giải quyết là người viết lại lời có thể mua bản quyền phần nhạc và được người nắm bản quyền cho phép phần lời chẳng hạn.
Ở Mỹ, việc này phổ biến, các bên thuận mua vừa bán và không ai "cả nể" ai. Vì vậy chương trình Saturday Night Live có thể dùng phần nhạc của ban Village People trong bài hát YMCA, chế lại lời để cười giễu Donald Trump và con gái Ivanka mà không sao, miễn là họ đã mua bản quyền phần nhạc.
Luật bản quyền của Mỹ là một bộ luật đồ sộ và rắc rối, ngay cả các luật sư không có chuyên môn về luật này cũng không dám sờ tới. Những chia sẻ trên cũng chỉ là khái quát một vài điểm thôi.
>> 'Nếu bạn có tiền, lập di chúc ngay'
Hy vọng là người Việt chúng ta có thể yên tâm mà chỉ trích mấy thứ như tượng Nữ thần tự do hay tháp Eiffel dỏm mà không lo là tác giả của cái sự dỏm này sẽ bị kiện.
Thay vào đó, ngành du lịch Việt Nam nên chú ý khai thác thế mạnh của mình, chứ không nên cố gắng lạm dụng thế mạnh của người khác bằng mấy tác phẩm nhái thế này.
Người nước ngoài chả ai thích check in ở tượng Nữ thần tự do giả, mà khách trong nước cũng sẽ nhanh chóng chán nản với mấy món đồ ai cũng biết là giả hết.
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.