Một nguyên tắc mà tôi cứ phải lải nhải bên tai nhiều người là "con người quan trọng hơn của cải". Thật ra đây là nguyên tắc ngàn đời của tổ tiên người Việt với câu "còn người thì còn của".
Nhưng không hiểu vì lý do gì mà nguyên tắc đó lại biến mất trong tư duy của nhiều người Việt ở thời hiện tại. Sau một chuyến về thăm Việt Nam gần đây, tôi than rằng sao không hiểu về Việt Nam nhìn thấy có rất nhiều thứ cứ sai sai làm sao ấy. Ở đô thị, những thứ sai sai này càng nhiều, càng nhìn càng cảm thấy bất an.
Những thứ khiến tôi cảm thấy bất an liên quan hầu hết tới các vấn đề trong xây dựng và giao thông. Ngoài việc các nguyên tắc cơ bản trong xây dựng bị bỏ quên, hầu hết các công trình xây dựng ở đô thị Việt Nam, nhất là các công trình mới, phản ánh lòng tham của con người.
Lòng tham vốn vô đáy. Nhưng ở đô thị Việt Nam nó còn phản ánh một điều xấu xí hơn nhiều: Đó là lòng tham mù quáng, sẵn sàng vứt bỏ cả bản thân mình. Các ví dụ ai cũng thấy rồi. Nhà ống là một vấn đề. Cơi nới nhà để lấn chiếm cả không gian phía trên của một con hẻm là một vấn đề. Xây dựng lấn chiếm tới mức hai căn nhà đấu đuôi nhau thì không có con hẻm phía sau, cửa hậu không có. Rồi lại thêm một lớp người "văn minh", làm vườn trên sân thượng để "tạo không gian xanh".
Tất cả những "ý tưởng" đó đã dẫn đến một không gian tù túng và cực kỳ nguy hiểm. Ngoài chuyện không có lối thoát hiểm khi cháy nổ, nó còn có nghĩa là không có lối thoát hiểm khi có kẻ gian đột nhập vào nhà. Khi nhà nối liền nhà như vậy, mấy cái "chuồng cọp" nghe thì tăng độ an toàn nhưng trộm cướp càng dễ đu bám để vào nhà. Mà đã vào thì không còn lối thoát nào cho chủ nhà cả. Những chuyện như không có ánh nắng mặt trời, nước rỉ từ sân thượng gây hỏng kết cấu nhà và khả năng chập điện tăng cao thì chẳng ai nhớ tới.
Tới lúc này thì người ta sẽ chỉ tay vào nhau và nói rằng, đô thị toàn nhà ống, ai mua thì cũng phải chịu như vậy thôi. Nhưng không ai nghĩ tới chuyện sửa lại nhà để trả lại khoảng không đã bị lấn chiếm. Không ai nghĩ tới chuyện dời tường để có một lối thoát nhỏ bên hông nhà. Tất cả những chuyện này tốn kém quá, thôi kệ.
Đáng tiếc là các quy luật vật lý tự nhiên chả quan tâm gì tới chuyện lỗi tại ai. Khi cháy nổ xảy ra, hay khi các khoảng không nhỏ xíu để lưu thông không khí bị chiếm mất, bất kì ai có mặt ở đó cũng sẽ lãnh hậu quả. Chỉ có điều là các hậu quả đó không phải lúc nào cũng kéo tới, như hỏa hoạn hay cướp bóc, hay là có nhưng chậm và ít thấy, như là việc sống trong không gian tù túng. Vậy là lòng tham làm mờ mắt con người, chút không gian lấn chiếm được bỗng có giá trị hơn hẳn sức khỏe và tính mạng. Lời dạy của ông bà ngày xưa cũng mất tiêu.
Và sau rốt người ta lại thay nhau đổ lỗi cho cái nghèo và cho cả "nhà quản lý". Trộm cướp nhiều quá nên mới phải xây "chuồng cọp", nghèo quá nên mới phải dùng nhà ống. Mấy cái "chuồng cọp" đó chỉ tăng thêm khả năng bị trộm, nó là dấu hiệu của việc gia chủ có của trong nhà. Mấy cái nhà ống ở thành phố lớn ở Việt Nam còn đắt hơn mấy căn nhà rộng rãi ở ngoại thành nước Mỹ. Còn chuyện lấn chiếm không gian chung, lấn chiếm lòng lề đường thì sao nhỉ? Lại cái nghèo, cái nghèo...
Ở thời điểm hiện tại, người Việt và cả nước chắc chắn giàu hơn so với 30 năm trước. Chỉ có thứ vô hình khác nghèo đi khi người ta sẵn sàng xẻ dọc căn nhà để chia, để bán, sẵn sàng lấn chiếm ra phía trên vỉa hè, căn hẻm, sẵn sàng xây nhà lấn sang bất cứ chút không gian nào giữa mình với nhà bên cạnh.
Rồi khi tai họa ập tới, người ta lại chỉ tay vào nhau. Những lời bình luận của kiến trúc sư, cố gắng của nhà nước, và vào bài báo "cực lực lên án" lòng tham của con người sẽ chìm nghỉm. Chỉ có thiên nhiên là công bằng, và cứ lâu lâu sẽ có người gặp họa vì lòng tham. Vấn đề nằm ở chỗ, người ta cho rằng đó là lòng tham của người khác chứ không phải của mình.
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.