Luật sư Khanh Huỳnh, hiện làm việc tại Mỹ, chia sẻ với độc giả VnExpress bài viết phân tích về 'vũng bùn' mạng xã hội sau 'cuộc chiến' giữa chính phủ Australia và Facebook:
Chuyện Facebook chặn các trang tin ở Australia khiến cho nhiều người "dậy sóng". Facebook cũng như các mạng xã hội khác gần đây đã dính tới nhiều vụ scandal và lần này thì Facebook đấu luôn với cả một quốc gia chứ không phải chỉ là một cá nhân quyền lực nào đó.
Nguyên nhân là do Australia đang xem xét đưa ra luật mới nhằm bắt Facebook trả tiền khi người dùng chia sẻ bài tin tức do các hãng truyền thông khác đưa ra. Với chính phủ Australia, đây là cách để các hãng truyền thông kiếm được chút tiền, còn với Facebook thì tất nhiên là họ không muốn tốn tiền.
Vấn đề nằm ở chỗ người quyết định cái sự Facebook phải trả tiền hay không lại là người dùng Facebook.
>> Nhiều người Việt coi thường quyền riêng tư vì làm gì cũng khoe Facebook
Sau khi Facebook chặn các tài khoản ở Australia, không cho chia sẻ tin tức, người dân phản ứng bằng cách tải các ứng dụng của các hãng tin Australia về điện thoại để dùng. Ngoài mặt thì đây là một cách ứng phó để chống lại quyền lực của Facebook. Về lâu dài thì không đơn giản chút nào.
Giải pháp này không tiện lợi lắm cho người dùng. Tôi có sở thích xem bóng đá mà điện thoại của tôi đã đầy những ứng dụng để phục vụ cho một sở thích. Ngoài các mạng xã hội ra thì tôi phải có ESPN, Fox Sports, CBS Sports, The Athletic, The Washington Post, Sport Illustrated. Thật không thể tưởng tựơng nổi người dân Australia phải tải bao nhiêu ứng dụng để theo dõi hết các tin mà họ cần.
Không có gì đáng ngạc nhiên khi Facebook lại nặng tay "chơi" Australia như vậy. Luật này mà có tác dụng thì chỉ cần vài người "chơi đểu", chia sẻ cả đống tin tức, thậm chí là dùng bot tự động thì Facebook cứ tha hồ mà trả tiền, không làm gì được và khéo thì "sập tiệm".
Thủ tướng Morrison và các nhà lập pháp Australia cũng không thể hiện được điều gì ngoài sự tuyệt vọng trước quyền lực quá lớn của các mạng xã hội. Có vẻ như họ nghĩ hoài không ra là làm sao để các hàng truyền thông truyền thống có thể kiếm được chút tiền.
Vấn đề người dùng mạng xã hội chia sẻ tin tức do các phóng viên dày công săn đón và viết lách rất phổ biến. Ngày xưa tin ở trên báo, cứ bán báo là ổn. Ngày nay tin ở trên trang mạng.Tin bị chia sẻ trên Facebook thì tiền quảng cáo là của Facebook, các phóng viên và các báo coi như "bơ mỏ".
>> Vì sao Donald Trump trút giận, đổ lỗi cho Facebook
Ở Mỹ, các báo có một cách đối phó khác. Họ dựng "pay wall", khi người dùng click vào các liên kết được chia sẻ thì họ sẽ được đưa tới pay wall và phải trả tiền mới đọc được. Đa phần các báo đều có một số bài miễn phí và một số bài phải trả tiền cho cần bằng tài chính. Dù vậy, không phải báo nào cũng có thể có đủ bài để vừa miễn phí, vừa thu tiền như vậy.
Mâu thuẫn lần này chỉ là một ví dụ cho những khó khăn mà mọi phía lâm phải trong thời đại mạng xã hội. Mạng xã hội không thể thu tiền của người dùng nên chỉ trông chờ vào quảng cáo. Báo chí không thể bán báo và cũng chỉ có thể bán quảng cáo. Người dùng không muốn trả tiền nên phải trả bằng thông tin từ bản thân mình.
Sau cùng thì Facebook và chính phủ Australia cũng đi đến một thỏa thuận, trong đó Facebook sẽ thương lượng với từng hãng tin ở Australia để chia sẻ lợi nhuận. Cũng chưa biết là các thỏa thuận này sẽ như thế nào nhưng chắc nó không thể phụ thuộc vào mức độ được chia sẻ của các báo. Thay vào đó có lẽ là một khoản cố định được trả hàng tháng chẳng hạn.
Vụ việc này chỉ là một triệu chứng cho căn bệnh mạng xã hội trầm kha mà cả thế giới đã dính vào. Những ai càng có ảnh hưởng trên mạng xã hội thì lại càng phụ thuộc vào mạng xã hội.
>> 'Nhiều người thích chửi bậy trên Facebook để trở thành tâm điểm chú ý'
Nạn nhân tiêu biểu nhất là ông Trump, người rất thu hút người theo dõi trên Twitter. Khi Twitter và các mạng xã hội cùng nhau xóa tài khoản của ông, Trump giống như bị mất cái micro, giờ có gào cũng chả ai nghe được.
Mặt khác các mạng xã hội cũng khốn khổ trước các tin giả tràn ngập khắp nơi mà họ không kiểm soát nổi. Ông Trump cũng lại là một ví dụ cho cái nạn này. Khi những tài khoản không biết là ai tung tin giả thì còn hiểu được, khi ông Trump liên tiếp đưa ra những cáo buộc vô căn cứ thì Twitter cũng chả biết làm sao, họ chỉ đành dán nhãn cảnh báo và bị Trump và fan Trump chỉ trích tơi tả.
Facebook lúc đó chẳng làm gì theo đúng quan điểm của họ và bị người chống Trump chỉ trích tơi bời. Mạng xã hội vì vậy trở thành một cuộc chiến ném bùn, trong đó ai cũng có thể ném.
Nhiều người Việt Nam chọn không dùng Facebook nhưng họ cũng đành thú nhận là họ phải dùng các ứng dụng khác. Có lẽ mạng xã hội cũng giống như miền viễn Tây của Mỹ, ai muốn tham gia cũng được nhưng phải có súng và cách tự vệ tốt nhất là làm sao cho bản thân không phải rút súng ra bắn.
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.