Nếu nhìn vào những gì đang diễn ra xung quanh, có thể dễ dàng nhận thấy rằng xã hội ngày nay đã có nhiều thay đổi. Thế hệ trước thường nói: "Ngày xưa con người sống với nhau chân thành hơn, biết trước biết sau, biết nghĩa biết tình". Nhưng đến hiện tại, tôi thấy sự chân thành đang nhường chỗ cho sự thực dụng, vô cảm và cả những lỗ hổng về giá trị sống.
Câu hỏi đặt ra là: đạo đức có thực sự xuống cấp hay thế giới hiện đại đã kéo lớp mặt nạ che đậy đi để ta nhìn rõ hơn về bản chất con người?
Trong thời đại mạng xã hội, công nghệ lên ngôi, con người bị đưa vào một vòng xoáy mà ở đó, giá trị đạo đức không còn giữ được chỗ đứng vững vàng như trước. Sự bùng nổ của mạng xã hội là con dao hai lưỡi của. Trước đây, có những hành vi sai trái, nhưng ít ai biết đến. Ngày nay, mọi thứ chỉ cần một chiếc điện thoại và một cú nhấp chuột là có thể phơi bày lên Facebook, TikTok. Nhưng điều đáng sợ hơn, là người ta không còn thấy những hành vi ấy là tệ hại, mà xem đó như một cách để nổi tiếng.
Chúng ta có thể thấy rất nhiều hiện tượng mạng sẵn sàng làm những nội dung bẩn chỉ để kiếm lượt xem. Từ việc thách thức, bôi nhọ, dựng chuyện, cho đến hành hạ động vật, trêu chọc người vô gia cư, dàn dựng các vụ "từ thiện giả". Đáng buồn hơn là không ít người trẻ xem đó là một con đường kiếm tiền và sẵn sàng làm theo.
Nếu như trước đây, một con người được đánh giá qua nhân cách, thì bây giờ, vật chất đôi khi là tiêu chí quan trọng hơn cả. Người ta quan tâm đến việc bạn mặc đồ hiệu gì, đi xe gì, kiếm được bao nhiêu tiền, hơn là bạn sống tử tế ra sao? Không ít mối quan hệ ngày nay được xây dựng trên lợi ích hơn là sự chân thành. Hôn nhân thực dụng, tình bạn "có đi có lại", lòng tốt bị lợi dụng... những điều ấy diễn ra quá phổ biến. Khi đạo đức bị vật chất điều khiển, con người cũng dễ dàng biến chất theo.
>> Ảo tưởng quyền lực của người nổi tiếng quảng cáo sai sự thật
Nếu như trước đây, người ta có thể dừng xe giữa đường để giúp một người gặp nạn, thì giờ đây, người ta sẽ giơ điện thoại lên quay lại trước khi quyết định có giúp hay không? Không khó để tìm thấy những video người bị tai nạn nhưng chẳng ai dừng lại giúp đỡ, những vụ hành hung nhưng xung quanh chỉ có những ánh mắt dửng dưng. Thậm chí, có những câu chuyện đau lòng hơn, khi người làm việc tốt lại bị nghi ngờ, bị chỉ trích, đến mức lòng tốt trở thành một thứ xa xỉ.
Ngày nay, những gì xuất hiện trên phim ảnh, mạng xã hội, truyền thông có tác động lớn đến cách con người suy nghĩ. Những "anh hùng bất hảo", những nhân vật phản diện được lãng mạn hóa, khi những kẻ "không có đạo đức" nhưng kiếm tiền giỏi lại được ngưỡng mộ, điều đó dần dần ăn sâu vào suy nghĩ của giới trẻ. Một bộ phim có thể vẽ nên hình ảnh một kẻ phản diện thông minh, quyến rũ, lôi cuốn hơn cả nhân vật chính diện. Một TikToker có thể trở nên nổi tiếng chỉ bằng cách công kích người khác. Những điều đó khiến người ta dần dần xem nhẹ ranh giới giữa đúng và sai.
Vậy, có phải chúng ta có đang mất đi đạo đức hay không? Câu trả lời là không hẳn. Thực tế, lòng tốt vẫn còn, đạo đức vẫn tồn tại. Có những người vẫn sống tử tế, vẫn sẵn sàng giúp đỡ mà không đòi hỏi gì cả. Nhưng vấn đề là, trong thời đại ồn ào này, những giá trị ấy dường như trở nên mờ nhạt hơn trước những thứ hào nhoáng và đầy cám dỗ khác.
Chúng ta không thể nói rằng tất cả đang xuống cấp. Nhưng chúng ta đang đứng trước một sự thay đổi mạnh mẽ của đạo đức, nơi mà con người ngày càng khó phân biệt được ranh giới giữa điều đúng và sai. Và nếu chúng ta không nhận thức được điều này, không có ý thức bảo vệ những giá trị đạo đức, thì đến một lúc nào đó, thế giới có thể trở thành nơi mà lòng tốt trở thành thiểu số, và đó mới là điều đáng sợ nhất.
Làm sao để giữ vững giá trị đạo đức trong thời đại này? Chúng ta không thể quay lại quá khứ, nhưng chúng ta có thể lựa chọn cách sống trong hiện tại:
Không chạy theo những giá trị ảo: danh tiếng, tiền bạc có thể đến nhanh, nhưng đạo đức mất đi thì khó có thể lấy lại. Hãy chọn cách sống chân thành, thay vì bị cuốn vào vòng xoáy thực dụng.
Giữ vững lòng tốt, ngay cả khi không ai thấy: thế giới có thể lạnh lùng, nhưng điều đó không có nghĩa là ta cũng phải trở nên vô cảm.
Nhận thức đúng về mạng xã hội: hãy là người tiêu dùng thông minh, biết chọn lọc thông tin, đừng để những nội dung xấu ảnh hưởng đến suy nghĩ của mình.
Dám lên tiếng cho điều đúng đắn: sự im lặng đôi khi là đồng lõa. Nếu ta không chấp nhận sự xuống cấp của đạo đức, hãy bắt đầu từ chính mình.
Cuối cùng, đạo đức không phải là thứ có thể đo đếm bằng con số hay đánh giá bằng vài sự kiện. Nó là cách mỗi người lựa chọn sống và đối xử với thế giới xung quanh. Và nếu chúng ta không tự cứu lấy nó, thì đến một ngày, chúng ta sẽ sống trong một thế giới mà lòng tốt chỉ còn là một điều xa xỉ mà ai cũng tiếc nuối khi nhìn lại.
- Những YouTuber, TikToker 'đánh sập' quán ăn, nhà hàng
- Con nghiện 'video bẩn' vì cha mẹ lười
- 'Sai lầm khi cấm con dùng TikTok, Facebook, YouTube'
- 'Cấm dùng Facebook, YouTube, TikTok khiến con lạc hậu'
- Trẻ xem Youtube - từ 'ngồi ngoan' đến video nhảm
- Phạt tiền khó dẹp được video YouTube nhảm