Sau khi đề cập đến những mặt tích cực của những nền tảng mạng xã hội trên và chia sẻ lý do vì sao cha mẹ nên đồng hành cùng con trong quá trình tiếp cận công nghệ thay vì cấm cản một cách cực đoan trong bài viết "Cấm dùng Facebook, YouTube, TikTok khiến con lạc hậu", tác giả Hoàng Minh tiếp tục giải đáp những thắc mắc và phản biện của độc giả VnExpress:
Độc giả Le Mai hỏi rằng: "Facebook, YouTube, TikTok chẳng bổ béo gì, lại còn dễ gây nghiện, vậy tại sao phải cho con dùng và cha mẹ phải mất thời gian quản lý?".
"Vì người lớn không tìm hiểu, không giúp các con định hướng. Nó cũng giống chúng ta chỉ mua xe máy cho các con mà không dạy chúng là không được đua xe, vượt đèn đỏ, lạng lách, đánh võng... Nếu cứ để mặc các con tự phải bươn chải ở ngoài xã hội (xã hội thực hay xã hội công nghệ) thì trong 100 đứa chắc chỉ có 10-20 đứa trẻ có thể tự trưởng thành và 1-2 đứa có thể thành công.
Thế nên, bản thân các bậc cha mẹ cũng cần phải tiếp cận với công nghệ. Nếu không học thì khi thấy các con xem TikTok, YouTube, Facebook, chúng ta cũng phải hỏi các con xem chúng thấy hay ở điểm gì? Từ đó, mỗi người cần tìm hiểu xem các con có đang nhận thức sai, hiểu sai ở đâu không? Tránh việc cứ tùy tiện cấm cản vô lý, vô tình làm phản tác dụng.
Các bố mẹ, người lớn phải đồng hành cùng các con trong xã hội công nghệ; tìm cách chỉ bảo, định hướng khuyến khích các con tìm hiểu những cái hay, cái bổ ích ở đó; nhận diện những trò lừa đảo, các thông tin sai lệch, từ đó giúp các con trưởng thành hơn. Muốn dạy được một đứa trẻ, bản thân cha mẹ cần phải giỏi hơn con. Muốn con cái chia sẻ suy nghĩ với mình thì ta phải trở thành bạn của chúng".
>> Phụ huynh loay hoay hạn chế con xem TikTok
Bạn đọc Hatuan lại lập luận: "Đến các tỷ phú công nghệ hàng đầu thế giới như Steve Jobs, Bill Gates cũng giới hạn con cái họ tiếp xúc với công nghệ từ quá sớm. Ngày càng có nhiều nhân vật nổi tiếng tại Silicon Valley, thiên đường công nghệ thế giới, muốn gửi con cái vào các trường "phi công nghệ" - nơi máy tính không hề được sử dụng. Vậy tại sao chúng ta không bảo vệ con mình khỏi sự ảnh hưởng của công nghệ?".
"Tôi cho rằng, đó là sự chi phối của tư duy "thần tượng" (người nổi tiếng). Nếu chúng ta giữ tư duy này trong thế giới công nghệ, bạn sẽ rất dễ bị lừa. Rất nhiều người nổi tiếng quảng cáo các sản phẩm chất lượng kém được phát hiện thời gian qua. Rất nhiều người nổi tiếng không biết cách dạy con bị cộng đồng phản đối. Điều đó cho thấy, họ chỉ giỏi ở một lĩnh vực nhất định. Ví dụ, nghệ sĩ hài sẽ giỏi diễn hài chứ không thể thẩm định sản phẩm tốt; MC giỏi dẫn chương trình; ca sĩ giỏi hát... Cũng như vậy, Steve Job có thể giỏi quản lý công ty, chứ chưa chắc đã giỏi dạy con. Thầy dạy Toán có thể giỏi Toán học chứ không chắc đã giỏi Văn và ngược lại.
Do đó, chỉ có các bậc cha mẹ chúng ta mới hiểu các con mình muốn gì, hơn tất cả những người khác. Nên chúng ta phải tùy vào từng năng khiếu, trình độ, tính cách của mỗi đứa con để định hướng đúng đắn cho chúng. Dạy con không bao giờ là công việc dễ thực hiện, dù với người bình thường hay những người nổi tiếng. Nên cũng đừng thần thánh hóa những lời nói, quan điểm của các thần tượng.
Nếu các bố mẹ không tiếp cận một cách nghiêm túc thì cũng sẽ đưa ra các ý kiến sai lầm, cấm cản các con một cách phiến diện và vô lý. Từ đó, chúng ta sẽ vô tình gây ức chế cho các con. Trẻ không có người hướng dẫn thì sẽ dần mất phương hướng. Nên thay vì cấm cản trẻ dùng mạng xã hội, tôi cho rằng, các bậc phụ huynh nên nghiên cứu một cách nghiêm túc để từng bước hướng dẫn và đồng hành cùng các con trên con đường tiếp cận công nghệ".
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.