Hiện nay, một số bậc cha mẹ vẫn đang có suy nghĩ cấm các con tiếp cận với công nghệ, đặc biệt là Facebook, YouTube, TikTok. Trong bài viết này, tôi sẽ phân tích để mọi người có thể thấy được những việc mà công nghệ có thể làm được ở xã hội ngày nay:
Ngày xưa, khi chưa có Facebook, mỗi chúng ta là một thế giới cô lập. Họ hàng, bạn bè, đồng nghiệp đang làm gì, cuộc sống ra sao, chúng ta đều không biết. Có bạn đi làm xa không biết anh chị em họ hàng ở nhà thế nào? Có bạn ở nhà không biết các bạn đang sống ở nước ngoài ra sao? Facebook giúp chúng ta theo dõi được tình hình của những người quen biết.
Một cửa hàng truyền thống, nếu ở nơi vắng vẻ, ngày không có khách ghé qua, không ai biết cửa hàng này bán gì.? Nếu ở chỗ đông đúc, mỗi ngày có một số người ghé qua, những người đi ngang qua nhưng không vào cũng không biết cửa hàng này bán gì, giá cả ra sao? Khi có Facebook, các mặt hàng được đưa lên các trang bán hàng (page), niêm yết giá cả rõ ràng, trả lời, giải thích về chất lượng, giá cả các mặt hàng cửa hàng đang bán.
Khi đó, một cửa hàng không cần phải ở mặt phố vẫn có thể bán được hàng, đỡ chi phí thuê mặt bằng và giảm giá thành sản phẩm. Facebook cho chủ cửa hàng các công cụ quảng cáo để tiếp cận được với nhiều khách hàng hơn. Khách hàng không chỉ gói gọn ở khu vực cửa hàng mà trên phạm vi cả thế giới. Điều mà cửa hàng truyền thống không làm được.
Một số người có tài năng ca hát, hài kịch, đánh đàn, khiêu vũ, đào tạo... có thể thể hiện tài năng của mình trên Facebook. Nhiều tài năng được phát hiện và trở thành những người nổi tiếng. Facebook có thể xem là một trang thông tin, trong đó, mỗi người dùng là một người viết bài, đóng góp nội dung. Sẽ có người giỏi, viết hay, chia sẻ kinh nghiệm hữu ích; nhưng cũng có những người kém, viết nhảm nhí, những kiến thức sai lệch, méo mó... Thế nên, mỗi người đọc phải học cách lựa chọn các kiến thức đúng, hữu ích và tránh các thông tin, kiến thức sai lệch.
>> Phụ huynh loay hoay hạn chế con xem TikTok
YouTube
YouTube trả tiền cho người sáng tạo nội dung (làm video) thông qua lượng người xem, các quảng cáo trong các video. Nếu ví Facebook như một trang tin thì YouTube giống như một đài truyền hình. Mỗi người dùng sẽ giống như một nhà làm phim. Có phim hay phim dở; có nội dung đúng, nội dung sai. Nên người xem cũng phải phân biệt cái gì là hữu ích, cái gì là "rác" để tránh. Nếu không có YouTube, khi chúng ta muốn học nấu ăn sẽ phải đăng ký một khóa học nấu ăn, phải bố trí thời gian để đi học và phải nộp học phí.
Khi có YouTube, tất cả các video dạy nấu ăn đều miễn phí. Từ làm dưa chua, làm gỏi, kho thịt, canh cá, làm bánh, làm món ăn Âu, Á, pha cà phê, pha nước uống, cách bảo quản thực phẩm... đều có đầy đủ, người chia sẻ kiến thức là các đầu bếp có kinh nghiệm và đặc biệt là tất cả đều miễn phí và nhanh chóng (trước khi định nấu món gì thì lên xem hướng dẫn tầm 10-20 phút là biết cách làm).
Nếu không có YouTube, khi các con bạn nghỉ học do ốm, nhà có việc, sẽ phải mượn bài của bạn về chép. Khi có YouTube, các con có thể học tất cả các bài học trong sách giáo khoa qua loạt bài giảng của các thầy cô giáo đã đăng trên mạng. Thậm chí, một trẻ học lớp 6, nếu tự học trên YouTube có thể chỉ mất hai tháng để học xong toàn bộ kiến thức Toán của cả năm. Đây là điều mà các thầy cô trên lớp không thể làm được. Trên YouTube có rất nhiều thầy cô dạy, mỗi người một phong cách khác nhau, các con có thể lựa chọn thầy cô nào phù hợp để các con theo hoặc xem nhiều thầy cô giảng cùng một bài để có nhiều góc nhìn hơn về một vấn đề.
Trên YouTube còn có rất nhiều video khám phá du lịch, khoa học, vũ trụ, lịch sử, kỹ năng học tập, làm việc, giao tiếp, phật giáo, văn hóa, kinh doanh, binh pháp, cờ, cầu lông, bóng đá, khiêu vũ, yoga, võ thuật, tự vệ, thanh nhạc... để mọi người lựa chọn học tập. Ở đó không có cửa hàng buôn bán, nhưng có thể đưa các liên kết (link) các website bán hàng vào để quảng bá, affilate (giới thiệu hưởng hoa hồng). Điều mà một chiếc TV bình thường không làm được.
>> TikToker xúi trẻ chui vào cọc bêtông để thử nghiệm
TikTok
Trước đây, Tiktok chỉ là ứng dụng chứa các đoạn video ngắn mang tính giải trí, chia sẻ, quảng cáo. Gần đây, TikTok đã đưa vào các cửa hàng, giống như một sàn thương mại điện tử. Bạn có thể đăng bán các sản phẩm lên cửa hàng của mình. Các cửa hàng có thể live trên nền tảng TikTok giống như chúng ta đang có một cửa hàng đang hoạt động ngoài đời, những người xem là các khách hàng đang ghé qua trực tiếp cửa hàng của mình. Nên bạn ngồi nhà có thể mua được hàng, ngồi nhà có thể bán được hàng, kiếm được tiền nhờ giới thiệu sản phẩm cho cửa hàng khác.
Có thể nói, công nghệ thực chất phản ánh cuộc sống thực. Mọi thứ trong cuộc sống thực được công nghệ mô tả lại, cải tiến, làm cho nó thuận tiện hơn. Giúp cho cuộc sống của chúng ta tốt đẹp hơn. Ở xã hội thực, cũng có người tốt, kẻ xấu, lừa lọc. Trong xã hội công nghệ cũng có lừa đảo, xuyên tạc, giả mạo. Nếu chúng ta không ra xã hội để va chạm, trải nghiệm thì không học được các kỹ năng phòng tránh những điều xấu.
Facebook, YouTube, TikTok cũng giống như con dao. Biết dùng thì con dao sẽ giúp cho chúng ta cắt thịt, cắt rau, chặt cây, đốn củi; không biết dùng thì con dao khiến chúng ta đứt tay, chảy máu. Nó cũng giống chiếc xe đạp, xe máy, ôtô. Nếu biết điều khiển thì chúng sẽ giúp chúng ta di chuyển, chở hàng; không biết điều khiển thì chúng ta sẽ gây tai nạn cho mình và cho mọi người.
Nhưng, không thể vì con dao có thể gây đứt tay mà chúng ta không dạy con trẻ cách sử dụng dao để nấu ăn. Không vì đi xe máy, ôtô có thể gây tai nạn mà không dạy trẻ tự lái xe. Không vì Facebook, YouTube, TikTok có những nội dung xấu mà chúng ta không cho trẻ không tiếp cận. Trong xã hội thực, để có thể trở nên thành công, mỗi người đều phải phấn đấu, tìm tòi, cố gắng, va vấp. Ai thành công cũng phải trải qua muôn vàn khó khăn. Hành trình tới thành công là một hành trình dài.
Trong xã hội công nghệ cũng vậy, để thành công, chúng ta cũng phải trải qua một hành trình dài. Đầu tiên là học cách dùng, sau đó là học các quy tắc hành xử, tìm tòi các giải pháp để làm chủ được nền tảng công nghệ, từ đó giỏi hơn những người khác trong xã hội công nghệ. Nếu để các con lên đại học mới tiếp cận Facebook, YouTube, TikTok thì khi đó công nghệ thế giới đã vượt lên quá xa. Các con sẽ không có đủ thời gian để tiếp cận, học hỏi và nghiên cứu.
Trong xã hội đó, cần chúng ta có rất nhiều kỹ năng mà không thể một sớm một chiều chúng ta có thể học được khối lượng kiến thức lớn và phức tạp. Cũng giống như xã hội thực, nếu ngay từ trên ghế nhà trường mà không dạy các con các kỹ năng mềm thì khi ra đời các con sẽ không đáp ứng được nhu cầu của xã hội.
Gần đây, ChatGPT đang cho thấy trí tuệ nhân tạo (AI) đã phát triển lên một tầm cao mới. Công nghệ có thể học được những điều rất phức tạp của con người. Nó có thể nói chuyện, trả lời, đối đáp với con người hơn một con người thực. 10 năm, 20 năm sau, công nghệ sẽ còn phát triển hơn hiện nay nhiều lần. Nên việc cho các con trẻ tiếp cận với các tiến bộ công nghệ là điều cần thiết.
Các bố mẹ cũng phải học công nghệ để có thể hướng dẫn các con ứng xử phù hợp trong xã hội công nghệ. Chọn lọc các nội dung hữu ích và tránh các nội dung độc hại, khuyến khích các con tìm hiểu những cái mới, phức tạp và sáng tạo nên những thứ tốt hơn cho thế giới. Chúng ta cần học cách thích ứng với thế giới hiện đại, chấp nhận nó như một xu hướng không thể tránh khỏi. Thay vì cấm cản mà hãy hướng dẫn các con cách thức vận hành của các nền tảng công nghệ hiện đại.
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.