Theo tôi nên đánh thuế vượt hạn mức phổ thông tại mỗi vùng chứ không phải đánh thuế bất động sản (BĐS) thứ hai trở lên. Nguyên nhân như sau:
Thứ nhất: Việc dùng cụm từ đánh thuế sử dụng BĐS thứ hai sẽ dẫn đến việc người có hai BĐS nhưng diện tích nhỏ thì bị đánh thuế còn người có một BĐS nhưng diện tích lớn lại không bị đánh thuế là không phù hợp. Thậm chí sẽ bỏ sót những căn biệt phủ, những mảnh đất rộng cả trăm hecta nhưng chỉ là BĐS thứ nhất. Vì vậy đánh thuế sử dụng vượt hạn mức BĐS mới đúng.
Thứ hai: Việc đánh thuế không gây hệ lụy như nhiều người thường dự đoán là giá đất tăng, giá mặt bằng tăng dẫn đến giá sản phảm sẽ tăng vì phải gánh thêm thuế. nhận định này là chưa đúng. Thực chất bạn hãy nghĩ nếu bạn đang có diện tích đất vượt định mức từ hai đến ba lần trở lên và mỗi năm đều phải chịu thuế thì bạn phải làm gì?
Tất nhiên là phải làm sao cho nó tạo ra tiền ít nhất đủ bù đắp khoản đóng thuế chứ đâu phải như trước đây nếu để hoang đó cũng chẳng sao. Chính vì suy nghĩ phải tìm cách cho thuê hoặc tự mình kinh doanh để bù khoản thuế sẽ giúp người ta tung ra thì trường nhiều mãnh đất trước đó để hoang.
Như vậy người muốn thuê mặt bằng sẽ có nhiều lựa chọn. Tất nhiên anh nào cho thuê giá cao thì tôi không thuê (đặc biệt ai có BĐS vượt hàng chục lần hạn mức thì mức thuế lũy tiến rất cao sẽ làm họ muốn cho thuê giá cao, sẽ không cạnh tranh lại những người có BĐS chỉ vượt gấp hai gấp ba). Từ đó tạo ra sự cạnh tranh về giá nếu không muốn bỏ trống và chịu thuế. Như vậy người thuê sẽ tiếp cận mặt bằng giá rẻ chứ không phải giá cao.
Còn những người không cho thuê mà tự mình kinh doanh thì sẽ chịu thuế kinh doanh (mức thuế kinh doanh sẽ thấp hơn mức thuế cho thuê và mức thuế bỏ hoang là vấn đề tôi sẽ nói ở việc thực hiện như thế nào ở phần dưới).
Lợi ích của việc đánh thuế BĐS vượt định mức:
Thứ nhất: Tạo ra nguồn cung cho thị trường nhà đất khi người sử dụng nhiều BĐS phải tính toán giữa việc nên tích trữ số lượng bao nhiêu BĐS là đủ với mức lợi nhuận có thể thu về từ BĐS chứ không phải như hiện nay cứ găm giữ được càng nhiều BĐS thì không lời cũng chẳng thể lỗ được và hệ quả là BĐS tăng giá khủng khiếp.
Thứ hai: Giúp sử dụng đất hiệu quả, tránh lãng phí, bỏ hoang hoa đất đai như hiện nay ở một số nói thì người dân ở chật chội chen chúc, nơi thì xây xong để trống, đất nông nghiệp thì không có sản xuất mà nơi thì phân lô bán nền rồi cỏ mọc um tùm. Nguyên do vì người tích trữ đất đai sẽ không ai có thể cứ chịu thuế mãi mà không xã hàng ra để cắt khoản thuế phải đóng hàng năm.
Thứ ba: BĐS sẽ hạ đúng giá trị của nó, người chưa có BĐS hoặc có nhưng dưới hạn mức sẽ dễ tìm được những người vượt hạn mức quá nhiều để thương lượng giá bán có lợi cho cả hai.
Thứ tư: Giá mặt hàng dịch vụ sẽ giảm do chi phí đầu vào đã giảm đáng kể nếu tiền thuê đất, thuê văn phòng giảm xuống nhờ tính cạnh tranh. giá nhà ở cũng giảm do chi phí xây nhà + chi phí đất đã giảm sẽ tạo ra nhà đất có gái thấp hơn trước.
Thứ năm: Nhiều người sẽ phải sản xuất, kinh doanh thay vì chỉ chăm chỉ mua thêm nhiều đất rồi cho thuê kiếm lời.
Thứ sáu: Xã hội sẽ công bằng hơn khi người thu nhập thấp dễ tiếp cận chỗ an cư để họ tập trung lập nghiệp hơn.
Thứ bảy: Quan trọng hơn là chúng ta vẫn tuân theo quy luật thị trường khi không cấm đoán ai muốn mua thêm, sử dụng thêm nếu họ có nhu cầu mua BĐS nhưng chúng ta sẽ có nguồn thuế để tái thiết nhiều điều khác trong hệ thống an sinh xã hội.
Cách thức thực hiện: Cơ quan soạn thảo luật đất đai cần ban hành bộ khung sử dụng đất theo vùng cho từng loại đất. Ví dụ, đất nông nghiệp và đất ở tại các vùng được quy định như sau: nông thôn 10 ha + 400 m2 một người, đô thị loại bốn 8 ha + 3250 m2 một người... giảm dần khi ở đô thị loại I.
Phương pháp tính hạn mức có thể dựa trên việc số diện tích đất nông nghiệp hiện có trên số dân tại vùng đó, số diện tích đất ở trên số dân của vùng đó và phải cộng thêm dân số cơ học, dân số tăng theo biên độ dự kiến (đảm bảo quy định về hạn mức sẽ giữ được 5 năm và khi xây dựng lại sẽ dựa trên thực tế của 5 năm sau, đảm bảo sau 5 năm nếu không có gì thay đổi sẽ có hạn mức thấp hơn do dân số tăng, và tăng dần đối tượng chịu thuế theo chu kỳ 5 năm này).
Từ hạn mức như vậy sẽ ban hành hệ số K cho việc sử dụng diện tích vượt định mức để đóng thuế hàng năm và hệ số K cũng phải giữ nguyên 5 năm. Hệ số K phải theo hướng điều chỉnh tăng lên nếu vượt định mức nhiều.
Tiếp theo là bảng giá đất tại địa phương cũng cần quy định 5 năm, giá đất ban đầu có thể chưa sát thì trường nhưng sau một thời gian sẽ có dữ liệu thu thập và chắc chắn 5 năm tiếp theo giá đất sẽ sát thị trường.
Từ đây người sử dụng đất tự biết mình ở vùng này sẽ được hạn mức bao nhiêu, đang vượt hay trong khung hạn mức, giá đát bao nhiêu và khoản thuế cho năm tới là bao nhiêu, rất đơn giản và minh bạch.
Tỷ lệ sở hữu nhà đất ở Việt Nam được thống kê cao nhưng việc sở hữu này thực chất là tài sản thừa kế, chia tách của cha mẹ để lại cho con cái chứ không phải từ việc thế hệ trẻ tự mua cho mình được một BĐS.
Chúng ta không thể để cho một cuộc đua mà có người xuất phát đã ở vạch đích còn có nguời bắt đầu mới chạy, một người sinh ra chỉ lo bảo quản tài sản của cha mẹ để lại còn một người phải nỗ lực tích lũy từ đầu. Vì vậy chính sách thuế sử dụng BĐS sản theo tôi hiện nay là thời điểm cần áp dụng để điều tiết mức độ giàu nghèo trong xã hội.
Tien Nguyen Ha Pham
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.