Giả sử bạn làm chủ một công ty và có một căn nhà dư, bạn muốn tạo điều kiện hỗ trợ nhà ở cho 50 lao động trong công ty của bạn. Thế nhưng có năm người lương cao (có thể trả góp xong trong 5 năm), 45 người lương thấp (tốn 10-20 năm mới trả xong hết cho bạn) thì bạn sẽ bán mảnh đất cho ai?
Tôi tin là về mặt tâm lý, ai cũng sẽ chọn bán đất cho một trong năm người lương cao. Điều này cũng giải thích luôn tại sao những người than thở không mua được nhà sẽ tiếp tục không mua được nếu còn ngồi than thở. Kinh tế thị trường là vậy, 50 người giành nhau một căn nhà thì đương nhiên căn nhà thuộc về ai xứng đáng nhất.
Tương tự, cùng mua những căn nhà có giá tiền giống nhau, giả sử người thứ nhất để dành được 6 triệu đồng một tháng thì tốn 30 năm mới mua được. Người thứ hai để dành được 12 triệu đồng một tháng và họ tốn 15 năm. Người thứ ba để dành được 24 triệu một tháng và họ tốn 7,5 năm. Hãy cho tôi một lý do chính đáng để người thứ nhất phàn nàn?
TP HCM có hơn hai triệu căn nhà và khoảng 14 triệu dân. Với trung bình 3,6 người trong một căn nhà, thì hai triệu căn nhà kia chỉ dành cho 7,2 triệu người. Bảy triệu người còn lại thì giành nhau từng căn nhà đang mở bán. Nếu ai đó thu nhập chỉ vừa chạm ngưỡng bằng GDP bình quân đầu người (3000 USD một năm) thì họ làm sao cạnh tranh nổi với 6,999,999 người kia?
Trong khi đó, TP HCM chiếm 13% dân số cả nước, tức là cứ 8 người thì có 1 người sống ở thành phố này. Chính vì vậy, bạn phải xuất chúng và rất nỗ lực mới mua được nhà ở bán kính 10 km đổ lại trung tâm, và tiết kiệm lắm mới mua được ở bán kính 10-20 km. Còn lương ở mức trung bình của xã hội thì nên chờ thêm vậy.
Trong khi đó, đa phần người dân còn sống ở nông thôn (60%), chục năm nữa, người trẻ bỏ rời quê lên phố học tập, làm việc thì dân số lại tăng thêm, cơ hội mua nhà càng khó vì cạnh tranh quá nhiều.
Huỳnh Hoàng Lâm
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.