Ủng hộ quy định mới về siết tín dụng bất động sản, độc giả Nguyen Tu cho rằng: "Nên siết tín dụng bất động sản mạnh hơn nữa. Vì có như thế thì những người dân thực sự tạo ra của cải vật chất, có lợi cho nền kinh tế, có tiền, mới dễ mua nhà hơn. Vì nếu không siết nhóm đối tượng cơ hội lợi dụng vay mua bất động sản rồi tạo cơn sốt ảo, tăng giá, dẫn đến lạm phát, thì người dân sẽ khổ. Những người thật sự tạo ra của cải, tri thức lại sống khổ trong nhà thuê. Khi cuộc sống của bị bị ảnh hưởng, họ sẽ không còn thoải mái để tạo ra những thứ thứ có giá trị hơn cho đất nước nữa.
Có thể lúc này doanh nghiệp bất động sản đang khó khăn thật. Nhưng về lâu dài, quy định này sẽ có lợi cho đất nước, vì sẽ có nhiều nhân tài ra đời và thích ứng ngay thôi. Thà chậm đi hai đến ba năm nhưng đổi lại là sự thịnh vượng và phát triển của người trẻ tuổi còn hơn là nghĩ ngắn cho hiện tại nhất thời".
Thông tư 06 sẽ có hiệu lực ngày 1/9 tới, trong đó có quy định mới về hạn chế cho vay bất động sản. Cụ thể, Khoản 2 Điều 1 Thông tư 06 nêu 4 trường hợp các tổ chức tín dụng không được cho vay. Trong đó, có ba trường hợp, sẽ có thể tác động mạnh đến doanh nghiệp bất động sản: vay thanh toán tiền góp vốn, nhận chuyển nhượng vốn của công ty TNHH, hợp danh, doanh nghiệp chưa niêm yết hoặc chưa đăng ký giao dịch UPCoM; vay để bù đắp tài chính, trừ khi đáp ứng đủ 2 điều kiện là bên vay đã ứng vốn thanh toán và trả các chi phí thực hiện dự án; vay để thanh toán theo hợp đồng góp vốn, hợp tác hoặc kinh doanh thực hiện dự án đầu tư nhưng ở thời điểm cho vay chưa đủ điều kiện bán hàng.
Đồng quan điểm, bạn đọc XG Dung chỉ ra hiệu quả của việc siết tín dụng bất động sản: "Đa số các bất động ở các dự án được bên đầu cơ vay tiền để mua, sau đó đẩy giá lên cao để kiếm lời, hoặc cho thuê nếu chưa được giá, tỷ lệ này chiếm gần 50%. Thế nên, siết tín dụng là hoàn toàn đúng đắn. Doanh nghiệp không đủ khỏe không tiếp cận được vốn nước ngoài, chứng tỏ dự án có vấn đề.
Rất nhiều cá nhân đã bị lừa tiền khi góp vốn mua bất động sản khi chưa hình thành. Nào là tranh chấp chỗ để xe, rồi không hoàn thành dự án, sở hữu chung bị chủ đầu tư chiếm đoạt... vì thế hãy cho cơ chế chỉ người có nhu cầu tiếp cận vốn với nhà ở xã hội giá thấp mới được vay ưu đãi một lần duy nhất trong đời. Cho vay quá dễ sẽ khiến các đối tượng đầu cơ nhanh chóng tiếp cận, dễ khiến giá bất động sản bị đẩy lên cao, còn người có nhu cầu nhà ở thực sự lại không mua được do giá nhà quá cao.
Việc huy động vốn bằng cách bán nhà trên giấy khi dự án chưa hoàn thành khiến hệ lụy người mua nhà không được đảm bảo về cam kết, và thậm chí dự án có thể dừng không triển khai trong nhiều năm khi chủ đầu tư yếu kém. Vì thế, việc chủ đầu tư chỉ được phép bán nhà khi đã hoàn thành căn hộ hoàn chỉnh là bắt buộc chứ không chỉ là xây móng và được huy động vốn nữa. Ngân hàng không nên cấp tín dụng cho các căn hộ hoặc đất trên 1,6 tỷ đồng. Mỗi mảnh đất và mỗi người chỉ được cấp một lần tín dụng.
Tốt nhất chỉ cấp tín dụng vừa phải cho nhà đã hình thành. Đối với đối tượng đầu cơ, buôn bán đất, cần phải bị siết chặt tín dụng, ai có vốn hoặc huy động ở đâu thì mua. Có như vậy, thị trường bất động sản mới trong sạch, về đúng nhu cầu, không bị tăng nóng và thất thu. Hiện nay, bất động sản tiền tỷ đều đổ về túi cò đất và giới đầu cơ, còn người muốn mua ở thật sự lại phải còng lưng trả nợ ngân hàng".
>> Bất động sản cần giảm giá cho tới khi có khách mua
Trong khi đó, nhiều chuyên gia lo ngại đổ vỡ nếu siết tín dụng bất động sản. HoREA đề xuất Ngân hàng Nhà nước xem xét lại các quy định mới ban hành. Độc giả Mục Đồng nhận định: "Ai cũng thấy kinh tế đang rất khó khăn, chẳng kém gì giai đoạn Covid. Một nguyên nhân chính theo tôi là do tắc nghẽn của thị trường bất động sản. Hàng chục năm qua, mỗi lần bất động sản gặp khó thì sẽ kéo theo nhiều ngành nghề bị ảnh hưởng. Cách nhanh nhất để vực dậy nền kinh tế là tháo gỡ các rào cản về pháp lý, về nguồn vốn cho lĩnh vực nhà đất. Có như vật thì doanh nghiệp bất động sản mới phục hồi, nền kinh tế mới đi lên được".
Cùng chung suy nghĩ, bạn đọc Văn Nhân phân tích: "Ai cũng nhận ra một điều là bất động sản đóng góp rất lớn cho sự phát triển của nền kinh tế. Tăng trưởng của ngành này dù nhỏ nhưng có thể kéo theo tăng trưởng chung cho cả một nền kinh tế. Thay vì siết chặt tín dụng bất động sản, tôi nghĩ nên loại bỏ các dự án yếu kém. Tạo điều kiện hợp lý cho bất động sản là tạo cơ hội cho nền kinh tế tăng trưởng".
"Trong cơn sốt nhà đất rất nhiều nhà đầu tư đã lao vào bất động sản, vay ngân hàng rất nhiều. Giờ lãi suất lên cao, giá nhà đất cũng cao theo, người có nhu cầu ở thực mãi không thể với tới. Vậy siết tín dụng bất động sản là giải cứu cho ai? Hãy nhìn thực tế hiện trạng của thị trường để có giải pháp tốt nhất. Theo tôi, đó là giảm giá nhà đất thật mạnh để phù hợp với túi tiền người dân. Tôi đi làm công ty, tiết kiệm một tháng được bao nhiêu để đủ tiền đi mua nhà trong hoàn cảnh này? Nhà đi xem toàn bị hô giá tiền tỷ, vậy bao nhiêu người đủ tiền mua?", độc giả Datnario nói thêm.
Thành Lê tổng hợp
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.