"Thực tế, nhiều người trẻ như tôi cũng muốn bỏ luôn cái tục mừng tiền cưới và hiện vật giá trị lớn cho cô dâu, chú rể đi cho mọi người (cả người tặng lẫn người nhận) đỡ mệt mỏi. Chúng tôi bây giờ không còn mấy thiết tha với việc nhận tiền mừng cưới gì cả vì nó cứ như một khoản nợ phải nhớ để trả chứ chẳng sung sướng gì.
Thay vào đó, tôi thấy rằng, nếu thực sự thân thiết, quý mến thì cứ đến chung vui với nhau đã là vui rồi. Không cầu kỳ tiền mừng cưới thì tiệc cưới cũng chỉ cần tổ chức đơn giản theo kiểu chè, thuốc, kẹo, bánh thôi, chứ cũng chẳng cần cầu kỳ cỗ bàn linh đình làm gì cho vừa tốn kém, vừa mệt mỏi.
Ngày nay, tôi thấy nhiều gia đình chẳng giàu có gì cho cam mà khi con cái làm đám cưới, cha mẹ lại phải chạy đôn chạy đáo đi vay mượn khắp nơi để có tiền tổ chức một đám tiệc hoành tráng, cỗ bàn dềnh dang, kéo dài tới 2-3 ngày. Biết là tốn kém nhưng họ vẫn phải làm vì sợ nếu tổ chức sơ sài quá thì khách khứa sẽ chê trách. "Người ta bỏ phong bì tới vài trăm nghìn tới cả triệu đồng nên mình cũng phải thiết đãi sao cho coi được", họ nghĩ vậy.
Cuối cùng, sau một cái đám cưới, tôi thấy ai cũng khổ sở chứ chẳng sung sướng gì dù mang tiếng là ngày vui. Đến lúc nhận tiền mừng cưới, nếu ở quê, khách khứa cũng không thể mừng quá nhiều được, vì có những ông bà già cả, có việc làm gì đâu mà có tiền mừng lắm. Cùng lắm là họ bán con cá, mớ rau ở đầu đình, đầu chợ, lấy chút tiền ít ỏi đi ăn cưới mà thôi.
>> Lạc quẻ vì mừng cưới kiểu Tây trong đám cưới kiểu ta
Tất nhiên, tôi rất thoải mái nên chẳng trách gì các cụ đó. Thậm chí, tôi còn quý mến các cụ hơn người bình thường vì họ đến với mình bằng tấm lòng là chính. Nhưng khổ nỗi, có những nhà phải đi vay mượn mới có tiền để tổ chức cỗ cưới to, đến khi bóc phong bì mừng cưới chỉ 100-200 ngàn đồng, rồi lại ngồi than ngắn thở dài vì không đủ tiền bù cỗ cưới.
Thế mới thấy, tổ chức được cái đám cưới to, hoành tráng, chính là tự tạo gánh nặng cho bản thân và gia đình. Đó là còn chưa kể rượu chè say sưa, "đám vui" lại hóa thành "đám buồn" thì càng khổ. Thực tế cũng đã có rất nhiều vụ việc như thế xảy ra.
Thế nên, tôi cho rằng, ai ít tiền thì tổ chức đám cưới đơn giản thôi, miễn là ấm cúng mà vẫn đẹp, vẫn ý nghĩa là được. Mời cưới cũng nên giới hạn lại, chỉ mời người thân, bà con hàng xóm, họ hàng gần, những người bạn thân thiết là đủ, còn những người mời kiểu xã giao thì tốt nhất nên tránh.
Nước ta bây giờ đang từng bước đổi mới về kinh tế, xã hội. Đời sống vật chất của con người cũng ngày một khấm khá hơn. Thế nên, bớt đi mấy hủ tục ma chay, cưới hỏi nặng phong bì là tốt nhất. Hãy đến với nhau bằng tình cảm, chứ đừng vì nỗi lo trả nợ".
Đó là quan điểm của độc giả Crazy Hand xung quanh câu chuyện "Tiền đi đám ma, đám cưới quá tiền ăn". Đi đám cưới vốn là tự nguyện nhưng không biết từ khi nào khách tham dự lại là người phải chịu trách nhiệm cho việc lời lỗ của một đám cưới, đám hỏi? Để rồi cứ mỗi khi tấm thiệp hồng được trao đi, cả người tổ chức tiệc cưới cũng đau đầu, mà người được mời cũng mệt mỏi.
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.
- Nhóm bạn thân 10 năm không ai đến dự hay gửi tiền mừng cưới tôi
- Bạn bè gửi tiền mừng cưới dù tôi không mời
- Nhóm bạn thân không mừng cưới tôi đồng nào
- Đồng nghiệp dò hỏi mừng cưới bao nhiêu tiền
- Áp lực 'trả nợ' từ thiệp mời cưới in mã QR
- Tôi mời cưới 100 người vì không muốn khách tới 'trả nợ'