Trong hội nghị toàn quốc được tổ chức trực tuyến tuần này, đảng Dân chủ không chỉ chính thức đề cử Joe Biden làm ứng viên chính thức trong cuộc bầu cử tổng thống sắp tới, mà còn thảo luận một văn kiện rất quan trọng thể hiện quan điểm của đảng cũng như chính sách mà Biden sẽ thực hiện nếu đắc cử.
Văn kiện đó chính là cương lĩnh, tài liệu dài hơn 90 trang đề ra các nguyên tắc định hướng và cam kết về chính sách mà đảng Dân chủ sẽ theo đuổi trong năm 2020. Các đại biểu sẽ bỏ phiếu thông qua dự thảo cương lĩnh và kết quả sẽ được thông báo trong tuần này.
"Dự thảo cương lĩnh của đảng Dân chủ chỉ trích cách tiếp cận của chính quyền Tổng thống Donald Trump với Trung Quốc trong tất cả lĩnh vực: thương mại, nhân quyền, an ninh quốc gia, y tế cộng đồng...", Allen Carlson, giám đốc chương trình nghiên cứu Trung Quốc và châu Á - Thái Bình Dương của Đại học Cornell, cho biết.
"Điều thú vị là đánh giá của đảng Dân chủ về Trung Quốc trong dự thảo cương lĩnh không khác với đánh giá của đảng Cộng hòa. Họ đều cho rằng sự trỗi dậy của Bắc Kinh dưới thời Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đặt ra thách thức rõ rệt đối với Mỹ", Carlson nói.
Trong văn kiện, đảng Dân chủ kêu gọi thiết lập "mặt trận thống nhất" với các đồng minh của Washington như một chiến lược hiệu quả hơn để đối phó với Bắc Kinh, cho thấy họ không đồng ý với phong cách "đối đầu với tất cả", kể cả các đối tác thương mại chính, mà Trump đã áp dụng khi ông leo thang căng thẳng với Trung Quốc.
"Covid-19 cho thấy những rủi ro của việc phụ thuộc quá nhiều vào chuỗi cung ứng toàn cầu, người lao động và người tiêu dùng đã hoang mang vì các nhà máy đóng cửa do phong tỏa và tình trạng thiếu hụt hàng hóa. Nó cũng khiến công tác phản ứng y tế công cộng của chúng ta trở nên khó khăn hơn", dự thảo cương lĩnh có đoạn viết.
Đảng Dân chủ cho rằng "chính quyền Trump đã hết lần này đến lần khác không giải quyết được vấn đề cho lao động Mỹ, đặt lợi ích doanh nghiệp lên trên lao động và phát động chiến tranh thương mại với Trung Quốc mà không có đường đi nước bước rõ ràng để chiến thắng. Thay vào đó, họ gây ra khó khăn nghiêm trọng cho nông dân, các nhà sản xuất, công nhân và người tiêu dùng Mỹ".
Các quan chức hàng đầu trong chính quyền Trump, bao gồm cố vấn thương mại Nhà Trắng Peter Navarro, nhiều năm qua cáo buộc rằng các hoạt động thương mại không công bằng của Trung Quốc khiến ngành sản xuất ở Mỹ suy giảm và Covid-19 cho thấy họ cần gấp rút thúc đẩy sản xuất trong nước, đặc biệt là trong lĩnh vực y tế.
"Lý do New York, Boston, Chicago và Detroit không có đủ thiết bị bảo hộ là Trung Quốc đã tích trữ chúng rồi bán đội giá cho thế giới", Navarro tuyên bố, nhưng không cung cấp bằng chứng.
Tuy nhiên, việc Trump sử dụng thuế quan như công cụ để tái cân bằng quan hệ kinh tế Mỹ - Trung đã khiến ông hứng nhiều chỉ trích, kể cả từ những người trong đảng Cộng hòa.
Chính phủ đã phải tung ra các gói trợ cấp lớn cho người Mỹ, đặc biệt là nông dân, để giảm bớt thiệt hại kinh tế từ những đòn ăn miếng trả miếng của Trung Quốc. Theo một phân tích của Politico vào tháng trước, trợ cấp liên bang cho nông dân Mỹ tăng lên mỗi năm trong nhiệm kỳ Trump, từ 11,5 tỷ USD năm 2017 lên mức cao kỷ lục 32 tỷ USD năm nay.
Hồi tháng 4, một liên minh gồm gần 100 cựu quan chức cấp cao và học giả Mỹ ra tuyên bố chung kêu gọi Washington và Bắc Kinh đóng băng các hành vi đối đầu trong khi làm việc cùng nhau chống lại đại dịch, bắt đầu bằng việc giảm thuế quan.
"Việc tiếp tục cuộc chiến thương mại sau khi đại dịch kết thúc không có lợi cho nền kinh tế của cả hai nước và kinh tế toàn cầu", Carlos Gutierrez, cựu bộ trưởng thương mại dưới thời George W. Bush, nói.
Tuy nhiên, Christopher Miller, phó giáo sư lịch sử quốc tế tại Trường Luật và Ngoại giao Fletcher thuộc Đại học Tufts, đánh giá rằng nói luôn dễ hơn làm. Biden khó có thể loại bỏ tất cả thuế quan ngay lập tức nếu ông nhậm chức vào tháng một năm sau.
"Biden khẳng định sẽ bảo vệ người lao động Mỹ, nhưng thật khó để biến những lời lẽ đó thành các hiệp định thương mại thật sự", Miller cho biết.
Dự thảo cương lĩnh của đảng Dân chủ nhấn mạnh rằng "chính sách thuế và thương mại" của Trump khiến Mỹ mất đi việc làm và hứa hẹn sẽ cùng các đồng minh khắc phục thiệt hại này. Đây tiếp tục là một lĩnh vực mà chương trình nghị sự của Biden khác với Trump.
"Chúng tôi sẽ loại bỏ các chính sách thuế và thương mại của Tổng thống Trump đã khuyến khích các tập đoàn lớn chuyển việc làm ra nước ngoài và né đóng thuế", dự thảo cương lĩnh viết. "Chúng tôi sẽ hành động ngay lập tức để sửa chữa những thiệt hại mà các chính sách liều lĩnh của Tổng thống Trump đã gây ra cho nông dân Mỹ, bằng cách làm việc với các đồng minh để đứng lên chống lại Trung Quốc và đàm phán với vị thế tốt nhất có thể".
Miller nhận xét rằng "không chắc các mức thuế Mỹ đã áp với Trung Quốc sẽ được cắt giảm, nhưng chắc chắn rằng Biden ít khả năng áp thuế mới với Trung Quốc nếu ông đắc cử".
Dự thảo cương lĩnh cũng cho thấy nếu Biden đắc cử, lập trường của chính quyền ông về vấn đề Hong Kong và Tân Cương sẽ không nhiều thay đổi so với chính quyền Trump.
Họ khẳng định sẽ tiếp tục thực thi Đạo luật Nhân quyền và Dân chủ Hong Kong và Đạo luật Chính sách Nhân quyền Duy Ngô Nhĩ mà chính quyền Trump đã sử dụng để trừng phạt các quan chức Hong Kong, bao gồm trưởng đặc khu Hong Kong Carrie Lam và các quan chức Trung Quốc đại lục, bao gồm bí thư đảng ủy Tân Cương Trần Toàn Quốc.
"Biden sẽ làm dịu đi cách tiếp cận với Trung Quốc nếu ông ấy đắc cử, nhưng ở mức độ không đáng kể", Carlson nói. Ông ấy không thể giảm cứng rắn với Trung Quốc quá nhiều "vì các lý do chính trị và lợi ích của Mỹ".
"Tuy nhiên, trái ngược với Trump, chính sách của ông ấy sẽ thống nhất, toàn diện hơn và là sản phẩm của một quá trình hoạch định chính sách thông thường", Carlson nói. "Điều này thực ra có thể đặt ra nhiều vấn đề cho Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hơn những gì ông ấy đang phải đối mặt".
Phương Vũ (Theo SCMP)