Đạo luật Chính sách Nhân quyền người Duy Ngô Nhĩ, được Tổng thống Trump ký ban hành thành luật hôm 17/6, trong đó kêu gọi trừng phạt những người chịu trách nhiệm giam hàng loạt người Duy Ngô Nhĩ và các nhóm Hồi giáo khác ở Tân Cương, gồm Bí thư Đảng ủy Tân Cương Trần Toàn Quốc.
Luật cũng kêu gọi các công ty Mỹ hoạt động tại Tân Cương đảm bảo không sử dụng nhân sự là "các lao động cưỡng bức". Quốc hội Mỹ tháng trước đã thông qua dự luật này chỉ với một phiếu chống, dọn đường cho các biện pháp trừng phạt quan chức Trung Quốc.
Tổng thống Mỹ không tổ chức lễ ký luật trong bối cảnh nhiều tờ báo Mỹ đăng tải trích đoạn hồi ký của cựu cố vấn an ninh quốc gia John Bolton, trong đó nói ông Trump tìm kiếm sự giúp đỡ của Chủ tịch Trung Quốc để tái đắc cử tại một cuộc họp kín năm 2019. Trump cũng ủng hộ ông Tập xây dựng các trại tập trung ở Tân Cương, theo Bolton. Nhà Trắng chưa bình luận thông tin.
Đạo luật yêu cầu Nhà Trắng đệ trình báo cáo lên quốc hội trong vòng 180 ngày, xác định những người được coi là chịu trách nhiệm ngược đãi người Duy Ngô Nhĩ. Những cá nhân này sẽ bị trừng phạt bằng những hình thức như đóng băng tài sản ở Mỹ và bị từ chối nhập cảnh.
Từ đầu năm 2017, chính phủ Trung Quốc bị cáo buộc đưa khoảng một triệu người Duy Ngô Nhĩ và người dân tộc thiểu số Hồi giáo vào các trại tập trung. Bắc Kinh khẳng định các cơ sở là "trung tâm đào tạo nghề" và họ đang phản ứng hợp pháp với mối đe dọa từ chủ nghĩa cực đoan tôn giáo. Tuyên bố trên không thuyết phục các nước phương Tây, đặc biệt là Mỹ.
Trung Quốc từng cảnh báo sẽ hành động trả đũa nếu ông Trần bị nhắm mục tiêu trừng phạt, gọi các động thái của Mỹ về Tân Cương là "can thiệp thô bạo" vào vấn đề nội bộ của nước này.
Việc Trump ký luật gây sức ép với Trung Quốc về người Duy Ngô Nhĩ diễn ra trong bối cảnh quan hệ Mỹ - Trung ngày càng xấu đi do Covid-19. Mỹ cáo buộc Trung Quốc thiếu minh bạch, che giấu dịch bệnh và chậm cảnh báo, trong khi Bắc Kinh bác bỏ toàn bộ cáo buộc này.
Mai Lâm (Theo Reuters)