Khả năng thương thuyết, dung hòa giữa các bên được cựu phó tổng thống Mỹ Joe Biden đặt làm trọng tâm trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng, với niềm tin rằng sau gần 4 năm mệt mỏi vì chứng kiến nước Mỹ đầy xáo trộn và chia rẽ, cử tri đang khao khát một lãnh đạo có năng lực đoàn kết và giải quyết hàng loạt khủng hoảng.
"Sự thỏa hiệp không phải điều gì đó tồi tệ, mà là cách chính phủ vận hành. Tôi đã làm việc này cả đời. Tôi từng thống nhất được phe Dân chủ và Cộng hòa tại quốc hội để thông qua các quyết định quan trọng, giải quyết những vấn đề lớn", Biden, với kinh nghiệm 40 năm làm thượng nghị sĩ và phó tổng thống, phát biểu tháng trước.
Tuy nhiên, bình luận viên Janet Hook của LA Times đặt ra câu hỏi rằng liệu kinh nghiệm chính trị mà Biden đã tôi luyện trước khi Donald Trump đắc cử có còn phù hợp với một nước Mỹ đầy tổn thương và chia rẽ sâu sắc như hiện nay hay không?
Biden cũng thừa nhận sự thay đổi của môi trường chính trị Mỹ khi phát biểu trong một cuộc họp báo gần đây. "Mọi thứ sẽ khó khăn hơn rất nhiều. Tình hình đã thay đổi, với nhiều chông gai hơn", ông nói.
Nếu chiến thắng trong cuộc bầu cử tháng 11, hy vọng tái thiết một kỷ nguyên hòa giải hơn của Biden có khả năng ngay lập tức mâu thuẫn với những mục tiêu trong chính đảng Dân chủ, về việc thay đổi triệt để hơn các vấn đề như cải cách cảnh sát hay quyền bỏ phiếu.
Trong trường hợp đảng Dân chủ nắm quyền kiểm soát cả hạ viện lẫn thượng viện, áp lực sẽ tăng lên đối với vấn đề bãi bỏ "filibuster", chiến thuật trì hoãn việc bỏ phiếu thông qua một đạo luật bằng cách cử một nghị sĩ dùng quyền tranh luận để nói không ngừng nhằm "câu giờ", một truyền thống tại thượng viện mà Biden tôn trọng.
Tuy nhiên, bãi bỏ "filibuster" được cho là nhu cầu cần thiết để quốc hội Mỹ vượt qua thế bế tắc về lập pháp trong một số hoàn cảnh nhất định.
Bên cạnh đó, Biden còn đối mặt với thế hệ nghị sĩ Cộng hòa mới, những người tới Washington giữa bối cảnh nước Mỹ ngày càng chia rẽ trong thập kỷ qua và không biết nhiều về nghệ thuật thỏa hiệp, thứ dường như đang dần biến mất ở quốc hội.
"Nhóm thượng nghị sĩ mới không biết đến những lúc đảng Cộng hòa và Dân chủ hòa hợp, thỏa hiệp và cùng cố gắng giải quyết vấn đề", cựu thượng nghị sĩ Chuck Hagel, một đảng viên Cộng hòa ủng hộ Biden, cho hay. "Người duy nhất hiện nay đủ khả năng hồi sinh điều đó là Joe Biden. Tôi không biết bất kỳ ai khác tin tưởng vào việc này từ tận đáy lòng như ông ấy".
Bình luận viên Hook nhận định Biden đã dành cả sự nghiệp chính trị để chuẩn bị cho thử thách lần này. Ông tích lũy kiến thức về quyền lực, chính sách và thương thuyết trong suốt 36 năm tại thượng viện, từng hai lần cố gắng giành đề cử tổng thống của đảng Dân chủ vào năm 1988 và 2008. Dù hai lần đều thất bại, Biden vẫn được Obama chọn làm "phó tướng".
Theo Hook, những điều trên có thể giúp Biden trở thành lãnh đạo thích hợp nhất tại thời điểm này, nếu các cử tri muốn một người giàu kinh nghiệm và có khả năng xử lý các vấn đề nội bộ. "Ai cũng đang khao khát sự đồng thuận lưỡng đảng, nên Joe Biden phù hợp, còn Trump thì không", cựu thượng nghị sĩ Dân chủ Ben Nelson đánh giá.
Năm 1973, khi Biden được bầu vào thượng viện Mỹ ở tuổi 30, ông nhận được sự chào đón nồng hậu từ đồng nghiệp thuộc cả phe Dân chủ và Cộng hòa. Niềm tin vào sự đồng thuận lưỡng đảng của ông hình thành và phát triển từ đó.
"Việc chất vấn nhận định của người khác là chính đáng, nhưng đừng bao giờ nghi ngờ động cơ của họ", Biden nói về "chìa khóa" hòa hợp hai đảng ông học được từ cố thượng nghị sĩ Mike Mansfield. Những bí quyết này giúp Biden nhiều lần vận động thành công sự ủng hộ của các thượng nghị sĩ.
Kinh nghiệm hàng chục năm làm việc tại quốc hội khiến Biden trở thành "liên lạc viên" giữa Nhà Trắng dưới thời Obama với Đồi Capitol, hỗ trợ đắc lực cho một tổng thống dường như không thích công việc này.
Một trong những thử thách đầu tiên của Biden là tập hợp sự ủng hộ đối với kế hoạch giải cứu kinh tế của Obama, nhiệm vụ đầy trắc trở tại thời điểm phe Cộng hòa tỏ ý rõ ràng rằng họ không hứng thú hợp tác với một tân tổng thống trẻ tuổi. Tất cả thành viên Cộng hòa tại hạ viện đều bỏ phiếu chống kế hoạch kinh tế này. Tuy nhiên, Biden sau đó đã thuyết phục được ba thượng nghị sĩ Cộng hòa ủng hộ Obama, vừa đủ để thông qua kế hoạch tại thượng viện.
Gần cuối năm 2010, Biden đạt một thỏa thuận thuế và ngân sách quan trọng với lãnh đạo phe Cộng hòa tại thượng viện Mitch McConnell. Tới năm 2012, khi một khoản ngân sách quan trọng khác sắp hết hạn giữa lúc các cuộc đàm phán đổ vỡ, McConnell đã gọi cho Biden.
Các nhà phê bình theo chủ nghĩa tự do cho rằng McConnell tìm đến Biden bởi ông là người dễ đàm phán. Tuy nhiên, trong cuốn hồi ký của mình, McConnell giải thích rằng đó là bởi Biden đàm phán hiệu quả hơn Obama. "Joe không cố chứng minh rằng tôi đã sai hoặc phản đối thế giới quan của tôi. Ông ấy chấp nhận góc nhìn chính trị của tôi, và tôi cũng làm như vậy", McConnell cho hay.
Tuy nhiên, so với thời điểm Biden bắt đầu sự nghiệp chính trị, đảng Cộng hòa hiện nay ngày càng thiên hữu, phe Dân chủ ngày càng thiên tả, trong khi các cử tri dần chia rẽ sâu sắc, không chỉ theo đảng phái, mà còn trong một loạt vấn đề như chủng tộc, giáo dục và tôn giáo.
Khoảng cách giữa hai bên thậm chí trở nên xa hơn nữa dưới thời Trump. Trong bối cảnh đó, thỏa hiệp thường bị coi là hành vi phản bội.
Vào giai đoạn đầu chiến dịch tranh cử, Biden dường như muốn cố gắng phớt lờ thực tế đó. Ông từng nói rằng sau khi Trump rời nhiệm sở, các thành viên đảng Cộng hòa sẽ "giác ngộ" và trở nên dễ đối phó hơn. Điều đó khiến phe Dân chủ đánh giá ông ngây thơ và chưa rõ cựu phó tổng thống Mỹ còn giữ suy nghĩ này hay không.
Tổng thống tiếp theo của nước Mỹ khả năng cao sẽ bước vào nhiệm kỳ mới trong bầu không khí u ám, với đại dịch Covid-19 vẫn hoành hành và nền kinh tế suy yếu. Tình hình này được cho là có thể thúc đẩy hành động chung của lưỡng đảng.
Tuy nhiên, nhiều người cho rằng ngay cả với kinh nghiệm của Biden, nước Mỹ trong tương lai vẫn có nguy cơ bế tắc như tình huống tại quốc hội tháng này, khi các chương trình cứu trợ kinh tế cho hàng triệu người Mỹ mất hiệu lực vì không đạt được đồng thuận lưỡng đảng.
"Tôi thấy Biden rất nghiêm túc khi nói rằng ông ấy muốn hợp tác với phe Cộng hòa để hoàn thành các công việc. Tuy nhiên, đảng Cộng hòa không nghiêm túc về việc bắt tay với ông ấy", Eli Zupnick, chiến lược gia đảng Dân chủ từng làm việc nhiều năm tại Thượng viện, nhận định.
Ánh Ngọc (Theo LA Times)