Tổng thống Mỹ Joe Biden hôm nay sẽ rời Phnom Penh, Campuchia để tới Indonesia dự hội nghị G20 tại Bali, nơi ông dự kiến gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bên lề sự kiện.
Đây là cuộc gặp trực tiếp đầu tiên giữa hai lãnh đạo kể từ khi ông Biden trở thành tổng thống Mỹ vào tháng 1/2021. Ông Biden và ông Tập từ đó tới nay đã điện đàm với nhau 5 lần, nhưng quan hệ hai nước vẫn lao dốc xuống mức thấp nhất trong nhiều thập kỷ.
Căng thẳng Mỹ - Trung gia tăng sau chuyến thăm Đài Loan của Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi hồi tháng 8. Trung Quốc đã cắt hầu hết kênh liên lạc chính thức với Mỹ sau đó, dù hai bên vẫn có những cuộc trao đổi qua kênh ngoại giao để thu xếp cuộc gặp tại Bali.
Trong cuộc họp báo hôm 9/11, Tổng thống Biden cho hay chương trình nghị sự của ông là "vạch ra lằn ranh đỏ của chúng tôi, hiểu những gì ông Tập xem là lợi ích quốc gia quan trọng của Trung Quốc, cũng như những gì tôi biết là lợi ích quan trọng của Mỹ, để xác định xem chúng có xung đột với nhau hay không".
Ông Biden không giải thích thêm, nhưng một quan chức Nhà Trắng ngày 10/11 cho hay Tổng thống Mỹ tin rằng điều quan trọng là phải xây một "mặt sàn" ngăn mối quan hệ Washington - Bắc Kinh bị xói mòn thêm và đảm bảo có những quy tắc điều chỉnh quá trình cạnh tranh chiến lược giữa hai nước.
Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan hôm 13/11 cho hay ông Biden "nhận định Mỹ - Trung đang ở trong cuộc cạnh tranh gay gắt, nhưng cuộc cạnh tranh đó không nên dẫn tới xung đột hay đối đầu. Điều này cần được xử lý một cách có trách nhiệm và có những lĩnh vực chúng ta có thể làm việc cùng nhau".
Bắc Kinh là đối thủ cạnh tranh chiến lược chính của Washington và là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới sau Mỹ. Dù gia tăng cạnh tranh, ông Biden vẫn nỗ lực tìm kiếm quan hệ ổn định với Trung Quốc, bất chấp những căng thẳng về Đài Loan, Biển Đông, thương mại và loạt vấn đề khác.
Quan chức Nhà Trắng đã vạch ra bốn chủ đề thảo luận hàng đầu trong cuộc gặp giữa ông Biden và ông Tập tuần tới. Chúng bao gồm quan hệ hai nước, vấn đề Đài Loan và nhân quyền, các lĩnh vực mà Nhà Trắng tin hai nước có thể hợp tác, các vấn đề toàn cầu như xung đột Ukraine - Nga và hành động của Triều Tiên.
Trong vấn đề Đài Loan, ông Biden không trả lời câu hỏi liệu Mỹ có cam kết triển khai quân đội để bảo vệ hòn đảo trong trường hợp nổ ra xung đột hay không. "Học thuyết về Đài Loan không thay đổi. Có rất nhiều điều chúng tôi sẽ phải thảo luận", ông nói.
Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan nói rằng Washington sẽ thông tin cho Đài Loan về kết quả cuộc gặp của ông Biden và ông Tập, nhằm khiến chính quyền hòn đảo cảm thấy "an toàn và thoải mái" về sự hỗ trợ của Mỹ.
Đề cập đến căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên, ông Sullivan cho biết Washington vẫn lo ngại về khả năng Bình Nhưỡng nối lại thử hạt nhân lần thứ 7, sau loạt vụ phóng tên lửa đạn đạo tầm ngắn và tầm trung gần đây.
Bên lề hội nghị ASEAN ở Campuchia, Tổng thống Mỹ dự kiến trao đổi với Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida và Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol về cách ngăn chặn chương trình hạt nhân của Triều Tiên.
Các quan chức Mỹ cáo buộc cả Trung Quốc và Nga tạo điều kiện cho chương trình hạt nhân và tên lửa Triều Tiên bằng cách không thực thi đúng lệnh trừng phạt của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.
Dù Trung Quốc và Nga ủng hộ các biện pháp trừng phạt cứng rắn sau vụ thử hạt nhân năm 2017 của Triều Tiên, hai nước hồi tháng 5 phủ quyết nỗ lực do Mỹ dẫn đầu nhằm tăng áp lực cấm vận với Bình Nhưỡng, nhằm phản ứng với các vụ thử tên lửa đạn đạo mới.
Mỹ cho rằng cả Trung Quốc và Nga đều có động lực để thuyết phục Triều Tiên không nối lại hoạt động thử hạt nhân.
"Đây là lĩnh vực mà Trung Quốc và Mỹ từng làm việc cùng nhau. Vì vậy tôi nghĩ Tổng thống Biden sẽ tiến hành cuộc gặp với Chủ tịch Tập theo tinh thần này", quan chức cấp cao Nhà Trắng chia sẻ.
Washington cũng lưu ý những bình luận của ông Tập về phản đối sử dụng vũ khí hạt nhân ở Ukraine khi gặp với Thủ tướng Đức Olaf Scholz tuần trước. Trong cuộc gặp, ông Tập kêu gọi cộng đồng quốc tế "phản đối việc đe dọa hoặc sử dụng vũ khí hạt nhân", và ngăn chặn "cuộc khủng hoảng hạt nhân Á - Âu".
Đối với ông Tập, người được bầu làm Tổng bí thư nhiệm kỳ thứ ba tại đại hội đảng tháng trước, cuộc gặp với Tổng thống Biden diễn ra khi nền kinh tế Trung Quốc gặp khó khăn vì các lệnh phong tỏa ngăn Covid-19. Chủ tịch Trung Quốc gần đây cũng tăng cường các nỗ lực ngoại giao, nhằm thúc đẩy vị thế của Bắc Kinh trên trường quốc tế, sau hơn hai năm ông không rời khỏi đất nước.
Bonnie Glaser, chuyên gia châu Á tại Quỹ German Marshall của Mỹ, cho biết cuộc gặp giữa Tổng thống Biden và Chủ tịch Tập là cơ hội hiếm hoi để hai nước giảm căng thẳng. Trung Quốc đã báo hiệu rằng họ muốn tránh đẩy quan hệ hai nước lao dốc thêm, khi nói rằng Bắc Kinh tìm kiếm "hợp tác đôi bên cùng có lợi với Washington".
"Nhưng không rõ họ sẵn sàng làm gì để đạt được mục tiêu đó. Chính quyền ông Biden đã thúc đẩy nỗ lực thảo luận về các biện pháp giảm thiểu rủi ro trong quan hệ song phương từ giữa năm 2021, nhưng Trung Quốc đã không quan tâm", bà Glaser nói.
Dù không kỳ vọng cao về việc hai lãnh đạo có thể giải quyết tất cả các vấn đề, giới chức Mỹ hy vọng ông Tập và ông Biden có thể tìm tiếng nói chung về mối quan hệ giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới thông qua những "lằn ranh đỏ" mà hai bên vạch ra với nhau.
"Một trong những mục tiêu chính là khiến hai bên hiểu hơn về các ưu tiên và ý định của nhau, với mục tiêu giảm thiểu những hiểu lầm", quan chức cấp cao Nhà Trắng nói, cho rằng cuộc gặp sắp tới không phải mang lại kết quả tức thì, mà là thiết lập nền tảng quan hệ cho tương lai.
Thanh Tâm (Theo Reuters, CNN)