Hơn hai năm qua, Trung Quốc áp dụng chiến lược "Không Covid" nghiêm ngặt để kiểm soát đại dịch, với những biện pháp như đóng cửa biên giới, cách ly bắt buộc, phong tỏa và xét nghiệm quy mô lớn.
Trong thời gian đó, Chủ tịch Tập Cận Bình và nhiều lãnh đạo cấp cao không rời Trung Quốc. Các sự kiện ngoại giao của ông Tập chủ yếu được thực hiện theo hình thức trực tuyến.
Chuyến thăm Trung Á hồi giữa tháng 9 để dự hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) tại Uzbekistan là chuyến công du nước ngoài đầu tiên của ông Tập kể từ tháng 1/2020.
Tại đại hội đảng Cộng sản Trung Quốc tháng trước, ông Tập đưa ra đánh giá về các thách thức từ bên ngoài mà Trung Quốc phải đối mặt. Ông cho rằng những thách thức đó ngày càng tăng, bắt nguồn từ "tình hình quốc tế khắc nghiệt và phức tạp", với những "nỗ lực bên ngoài nhằm kiềm chế Trung Quốc".
"Ông Tập đã nói rất rõ ràng rằng Trung Quốc đang đối mặt với môi trường quốc tế ngày càng ít thuận lợi hơn và đó là nơi mà Trung Quốc phải cạnh tranh", Steve Tsang, giám đốc Viện Trung Quốc SOAS của Đại học London, Anh, cho hay.
Nỗ lực đối ngoại của ông Tập dường như đang thay đổi mạnh mẽ, với các cuộc tiếp xúc cấp cao với nhiều lãnh đạo nước ngoài trong tuần qua. Ông Tập cũng dự kiến tham dự hội nghị thượng đỉnh G20 tại Indonesia và Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương tại Thái Lan tháng này.
Chuyên gia Tsang nhận định lịch trình ngoại giao bận rộn gần đây và trong tương lai gần của Chủ tịch Tập cho thấy ông đang nỗ lực theo đuổi mục tiêu nâng vị thế toàn cầu của Trung Quốc, nhằm đối phó với những thách thức từ bên ngoài mà ông đã nêu ra.
Yun Sun, giám đốc Chương trình Trung Quốc tại Trung tâm Stimson ở Mỹ, nhận định một trong những thách thức mà Trung Quốc phải đối mặt là quan hệ lao dốc với Mỹ.
"Khi căng thẳng với Mỹ, Trung Quốc phải đối mặt với nhiều sóng gió trong quan hệ với phương Tây, đặc biệt là nguy cơ tách rời về kinh tế", Yun Sun nói.
Giới quan sát cho rằng các ưu tiên đối ngoại của ông Tập trong thời gian tới có thể là tiếp tục tập trung thúc đẩy quan hệ với các đối tác kinh tế, trong đó có Đức.
Cuộc gặp của ông Tập với Thủ tướng Đức Olaf Scholz hôm 4/11, lần tiếp xúc trực tiếp đầu tiên giữa lãnh đạo Trung Quốc và một lãnh đạo G7 trong khoảng ba năm, có thể là một phần trong chiến lược đó. Một nước Đức thân thiện hơn với Trung Quốc sẽ mang lại lợi ích cho Bắc Kinh trong quan hệ với Liên minh châu Âu (EU), theo Simone McCarthy, nhà phân tích của CNN.
Trong chuyến thăm, ông Scholz đã lên tiếng ủng hộ quan hệ đối tác kinh tế với Trung Quốc trên "cơ sở bình đẳng", đồng thời nhấn mạnh mối quan hệ của Trung Quốc với một thành viên EU sẽ ảnh hưởng tới cả khối.
Thủ tướng Đức nêu vấn đề trách nhiệm thúc đẩy hòa bình ở Ukraine và ông Tập đã sử dụng cuộc đối thoại để đưa ra những bình luận mạnh mẽ nhất về cuộc xung đột. Ông kêu gọi cộng đồng quốc tế "phản đối việc đe dọa hoặc sử dụng vũ khí hạt nhân", và ngăn chặn "cuộc khủng hoảng hạt nhân Á - Âu", dù Trung Quốc chưa từng lên án chiến dịch quân sự của Nga và ông Tập vẫn duy trì quan hệ gần gũi với Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Thủ tướng Scholz sau đó nói rằng những bình luận của ông Tập về vũ khí hạt nhân đủ khiến chuyến công du của ông "có giá trị".
Ông Tập có thể tiếp tục chiến lược tương tự trong các hội nghị thượng đỉnh quốc tế sắp tới, theo giới chuyên gia. "Ông Tập sẽ tìm cách chứng minh rằng Trung Quốc vẫn duy trì cam kết với thế giới, sẵn sàng đảm nhận vai trò lãnh đạo phù hợp của mình", Sun nói.
Tuy nhiên, giới quan sát nhận định lãnh đạo Trung Quốc sẽ đối mặt một số thách thức khi chỉ mới bắt đầu tham gia trực tiếp trở lại với các hoạt động đối ngoại quốc tế, khi môi trường thế giới hiện nay rất khác so với gần ba năm trước. "Sẽ có rất nhiều điều phải làm để bắt kịp với tình hình mới", bà Sun nói.
Thanh Tâm (Theo CNN)