Sau hơn một tháng chuyển trọng tâm sang miền đông Ukraine, Nga đã dần đạt được một số bước tiến trước đối thủ đang ngày càng thiếu thốn vũ khí, trang bị. Lực lượng Nga đã kiểm soát được gần như toàn bộ thành phố Mariupol, tăng cường bao vây thành phố Severodonetsk ở đông bắc Ukraine và củng cố khả năng kiểm soát Kherson.
Trong khi đó, Mỹ và đồng minh cũng đang chạy đua với thời gian để cung cấp lượng vũ khí khổng lồ cho Ukraine, thứ mà họ rất cần vào lúc này nếu muốn kìm chân lực lượng Nga.
Cả hai bên đều đang chiến đấu dữ dội, đều hứng chịu thương vong lớn và trận chiến ở miền đông Ukraine đang trở thành cuộc đua quyết liệt, với cột mốc là thời điểm các vũ khí hạng nặng của phương Tây đến được tay lực lượng tiền tuyến của Ukraine.
Theo giới phân tích cũng như các quan chức Mỹ và phương Tây, nếu các đơn vị Ukraine ở miền đông có thể cầm cự đến khi số vũ khí viện trợ này đến tay, họ rất có thể sẽ đảo ngược được cục diện chiến trường.
Trong khi đó, lực lượng Nga đang chịu áp lực phải giành được lợi thế áp đảo trước khi vũ khí từ phương Tây đến tay Ukraine, cũng như chuỗi cung ứng vũ khí, nhu yếu phẩm của họ đối mặt thêm nhiều khó khăn.
Quân đội Nga hiện vẫn trong quá trình tái điều động lực lượng và tiếp tế hậu cần nhằm bổ sung cho các đơn vị đã bị tiêu hao trong những tuần chiến sự đầu tiên, đồng thời chậm rãi tiến vào miền đông Ukraine.
Nga cũng đang đẩy mạnh các cuộc tập kích tên lửa nhằm vào kho dự trữ nhiên liệu, đạn dược và những cơ sở hạ tầng quan trọng khác của Ukraine, trong đó có các tuyến đường sắt được sử dụng để vận chuyển vũ khí. Tình trạng thiếu nhiên liệu ngày càng tăng trên khắp Ukraine làm dấy lên lo ngại về khả năng duy trì nguồn cung cho tiền tuyến.
"Nếu chúng ta không thể cung cấp đủ những thứ mà Ukraine cần để tấn công và phá hủy pháo binh, tên lửa và binh lực Nga trước khi họ hoàn thành quá trình tái bổ sung lực lượng, cuộc chiến này có thể sẽ kéo dài rất lâu", Ben Hodges, cựu tướng chỉ huy quân đội Mỹ ở châu Âu, nói. "Sau đó, họ sẽ củng cố lực lượng và chờ cho đến khi phương Tây không còn quan tâm đến Ukraine nữa".
Mỹ và các đồng minh đang đặt niềm tin vào quân đội Ukraine, lực lượng đã thể hiện hiệu suất chiến đấu vượt xa những đánh giá ban đầu. Đây là một bước thay đổi chiến lược lớn so với những tuần đầu tiên của cuộc chiến, khi chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden từng đề nghị đưa Tổng thống Ukraine Volydymyr Zelensky đi sơ tán và lên kế hoạch thành lập một chính phủ lưu vong tại Ba Lan.
Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin tuyên bố mục tiêu hiện tại của Mỹ là làm "suy yếu" Nga đến mức sẽ "không thể lặp lại những gì đã làm với Ukraine trong tương lai".
Nhưng để làm được điều đó trên thực địa, Ukraine cần nhận được các lô vũ khí hạng nặng, đặc biệt là pháo tầm xa, và binh sĩ Ukraine phải được huấn luyện để sử dụng các hệ thống vũ khí mới của phương Tây. Quá trình này đang diễn ra, nhưng sẽ phải mất nhiều tuần.
Mỹ và các đồng minh đang đẩy nhanh tiến độ chuyển giao vũ khí như đã hứa. Nhưng việc chuyển chúng từ Đông Âu vào Ukraine sẽ đòi hỏi nỗ lực hậu cần chưa từng có, vào thời điểm các tuyến đường vận chuyển chính liên tục bị tên lửa Nga tập kích, Hodges đánh giá.
Những ngày gần đây, đà tiến quân của các lực lượng Nga đã chậm lại. Trong khi đó, Ukraine đang tổ chức một số đợt phản công tái kiểm soát lãnh thổ, đặc biệt là xung quanh thị trấn vùng đông bắc Kharkov.
Giới chuyên gia phương Tây đánh giá Nga vẫn chưa cho thấy họ đã khắc phục được những thiếu sót từng cản trở nỗ lực kiểm soát Kiev, trong đó có vấn đề hậu cần hay hệ thống chỉ huy, kiểm soát chưa hiệu quả. Tuy nhiên, quân đội Nga đã điều chỉnh chiến thuật phù hợp với địa hình trống trải, bằng phẳng của vùng Donbass, giúp mang lại lợi thế cho họ trước quân đội Ukraine vốn linh hoạt hơn nhưng trang bị nghèo nàn hơn.
Tốc độ tiến công chậm của Nga dường như là một nỗ lực có chủ ý nhằm giảm thương vong, rút kinh nghiệm từ những tuần đầu tiên của cuộc chiến, khi đoàn xe quân sự Nga kéo dài hàng km trên các con đường hẹp rợp bóng cây, trở thành mục tiêu phục kích dễ dàng cho quân Ukraine.
Giờ đây, lực lượng Nga tập trung bên ngoài phòng tuyến của Ukraine, pháo kích dữ dội vào mục tiêu, phá hủy các trận địa kháng cự, sau đó mới tiến vào khi quân đội Ukraine buộc phải rút lui.
Trong một số trường hợp, quân đội Nga sau khi chiếm được các ngôi làng đã quyết định rời đi, lực lượng Ukraine chỉ đơn giản quay trở lại chỗ cũ. Khi các thị trấn, làng mạc liên tục thay đổi phe kiểm soát mỗi ngày dọc theo chiến tuyến dài hơn 480 km, rất khó để xác định bên nào đang chiếm lợi thế trên chiến trường, giới chức Mỹ đánh giá.
Chiến thuật của Nga đang gây áp lực lớn lên quân đội Ukraine trong bối cảnh họ cũng đã bắt đầu mệt mỏi, kiệt quệ sau hơn hai tháng liên tục chiến đấu trên nhiều mặt trận. Ukraine chưa cập nhật con số thương vong của mình, nhưng đã thừa nhận rằng họ đang chịu tổn thất nặng nề.
"Chúng tôi không phải siêu nhân, chúng tôi cũng chịu thương vong", Oleksandr Danylyuk, cố vấn quốc phòng và tình báo của chính phủ Ukraine, cho biết trong một cuộc phỏng vấn.
Vũ khí Ukraine cần nhất lúc này là pháo hạng nặng tầm xa để họ có thể tấn công sâu vào phòng tuyến của Nga. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Austin cho biết trong một phiên điều trần tại Thượng viện hôm 3/5 rằng những khẩu lựu pháo 155 mm mà Washington hứa viện trợ cho Kiev đã đến tay các lực lượng Ukraine và đang được sử dụng.
Các lô hàng tiếp theo của Mỹ sẽ gồm có xe bọc thép Humvee, thiết giáp chở quân M-113, trực thăng Mi-17 cùng hàng trăm nghìn viên đạn các loại.
Theo cố vấn chính phủ Ukraine Danylyuk, giao tranh diễn ra ác liệt đến mức Ukraine đang "ngốn" rất nhanh chóng mọi khí tài mà họ có, từ đạn dược đến xe bọc thép, máy bay không người lái và nhiên liệu. "Nhu cầu của chúng tôi còn rất lâu nữa mới thực sự được đáp ứng", ông nói.
Các lực lượng Nga đã "chuyển sang một chiến lược tốt hơn trước nhiều", Danylyuk nhấn mạnh. "Họ đã bắt đầu coi các lực lượng Ukraine như đối thủ nặng ký, điều này không tốt cho chúng tôi".
Theo Rob Lee, chuyên gia tại Viện Nghiên cứu Chính sách Đối ngoại ở Pennsylvania, Mỹ, bằng việc thu hẹp mục tiêu, chỉ tập trung vào vùng Donbass và khu vực đông nam Ukraine, Nga có thể dồn lực lượng lớn hơn phục vụ cho các chiến dịch của mình. Quân đội Nga, dù chịu tổn thất trong những tuần đầu tiên của cuộc chiến, vẫn duy trì khả năng tấn công. Nếu Nga tiếp tục củng cố, bổ sung lực lượng, họ sẽ có thể đạt được nhiều ưu thế hơn nữa, ông lưu ý.
Song Phillips O'Brien, giáo sư nghiên cứu chiến lược tại Đại học St Andrews, Scotland, cho rằng khi đẩy mạnh chiến dịch ở miền đông Ukraine, Nga sẽ phải đối mặt với nguy cơ cạn kiệt nguồn lực. Có một số đồn đoán rằng Tổng thống Vladimir Putin sẽ phát lệnh tổng động viên để bổ sung hàng trăm nghìn tân binh. Tuy nhiên, Nga sẽ mất khoảng một năm để huấn luyện và trang bị cho những tân binh này sẵn sàng ra chiến trường, O'Brien nhận xét.
Các quan chức Mỹ và phương Tây nhấn mạnh những tuần sắp tới sẽ có ý nghĩa rất quan trọng đối với cuộc chiến, khi cả hai bên đều chạy đua với thời gian để đạt được lợi thế.
"Nga phải đạt được những gì họ muốn sớm nhất có thể trước khi Ukraine nhận thêm được khí tài quan trọng", O'Brien nói. "Trước mắt, lực lượng Nga đang vượt trội về hỏa lực, nhưng đến một thời điểm nào đó, Ukraine có thể cân bằng cục diện khi nắm trong tay vũ khí phương Tây".
Vũ Hoàng (Theo Washington Post)