Tổng thống Nga Vladimir Putin xuất hiện trên trang bìa tạp chí Economist tháng 12/2006 với hình ảnh cầm vòi bơm xăng trên tay như thể một khẩu súng, cùng tiêu đề "Đừng gây rối với Nga". Mục tiêu mà thông điệp này nhắm tới có lẽ là châu Âu, nơi phụ thuộc rất nhiều vào dầu mỏ và khí đốt Nga.
Trong phần mở đầu của bài báo, Economist viết rằng "Việc lạm dụng sức mạnh năng lượng của Nga không có lợi cho người dân Nga, cho khu vực lân cận và cả thế giới".
Michael E Webber, giáo sư về năng lượng tại Đại học Texas, Mỹ, cho rằng nhận định này hiện vẫn đúng, khi Nga gần đây quyết định cắt nguồn cung khí đốt cho Ba Lan và Bulgaria, khiến người dân và doanh nghiệp ở Bulgaria như "ngồi trên đống lửa".
Khí đốt là mặt hàng quan trọng với các ngành công nghiệp, sản xuất điện và các tòa nhà có hệ thống sưởi ấm, đặc biệt ở Bắc Âu, nơi mùa đông thường dài và khắc nghiệt. Điều này lý giải tại sao các quốc gia châu Âu phụ thuộc nhiều vào nguồn cung năng lượng Nga để giữ ấm cho ngôi nhà và giúp nền kinh tế hoạt động.
Bởi vậy, năng lượng cũng có thể được biến thành vũ khí dưới nhiều hình thức, theo Webber. Năm 1967 và 1973, các quốc gia Arab đã cắt nguồn cung dầu sang Mỹ và các quốc gia phương Tây, như một công cụ trừng phạt những nước này vì đã hỗ trợ Israel trong cuộc xung đột ở Trung Đông.
"Cắt nguồn cung năng lượng là một cách để gây ra nỗi đau kinh tế cho đối thủ, khiến họ phải nhượng bộ về chính sách", chuyên gia này cho hay.
Ngày nay, lệnh cấm vận dầu mỏ như vậy có thể không hiệu quả, bởi đây là mặt hàng có thể thay thế trên thị trường toàn cầu. Nếu một nguồn cung theo hợp đồng dài hạn bị cắt giảm, các nước có thể tìm kiếm nhà cung cấp khác, dù có thể phải trả giá cao hơn trên thị trường giao ngay.
Hơn 60% lượng dầu tiêu thụ hàng ngày của thế giới được vận chuyển bằng tàu dầu. Nếu có bất kỳ gián đoạn nào, các đội tàu có thể chuyển hướng và đến đích mới trong vòng vài tuần. Do đó, thật khó để một quốc gia sản xuất dầu ngăn chặn một nước tiêu thụ mua dầu trên thị trường toàn cầu.
Tuy nhiên, khí đốt tự nhiên lại được vận chuyển bằng đường ống. Chỉ 13% nguồn cung khí đốt của thế giới được chuyển bằng các tàu chở khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG). Do đó, khí đốt trở thành mặt hàng mang tính khu vực hoặc lục địa nhiều hơn, với bên bán và bên mua có kết nối vật lý với nhau bằng hệ thống đường ống.
Người mua sẽ khó tìm được nguồn cung khí đốt thay thế, vì việc rải đường ống mới hoặc xây dựng kho lưu trữ xuất nhập khẩu có thể tốn hàng tỷ USD và mất nhiều năm. Vì vậy, bất kỳ gián đoạn nào về khí đốt sẽ gây tác động nhanh chóng và có thể diễn ra trong thời gian dài.
Tình trạng phụ thuộc của châu Âu vào năng lượng Nga, đặc biệt là khí đốt, đã gây phức tạp cho chính sách đối ngoại của họ. Nhiều nhà quan sát đã chỉ ra kể từ khi Nga mở chiến dịch quân sự ở Ukraine, sự phụ thuộc nặng nề của châu Âu với dầu mỏ và khí đốt Nga trong nhiều thập kỷ đã trở thành đòn bẩy cho ông Putin và khiến các chính phủ châu Âu do dự can thiệp vào xung đột.
"Không phải ngẫu nhiên mà Nga mở chiến dịch vào tháng 2, khi trời lạnh nhất và nhu cầu sưởi ấm của châu Âu lên mức cao nhất", Webber nhận xét.
Do mạng lưới khí đốt châu Âu trải rộng trên nhiều quốc gia, việc Nga khóa vòi tới Ba Lan và Bulgaria không chỉ ảnh hưởng tới riêng hai nước này. Giá sẽ tăng khi áp lực dòng chảy khí đốt trong các đường ống chạy qua hai nước đến các quốc gia khác của châu Âu giảm. Tình trạng thiếu hụt sẽ xuất hiện ở các quốc gia cuối đường ống, như Pháp và Đức.
Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng trước nguy cơ Nga biến khí đốt thành vũ khí gây sức ép ngày càng hiển hiện, châu Âu sẽ đẩy nhanh quá trình thoát phụ thuộc năng lượng Nga, từ đó gây tổn hại cho chính Moskva.
Webber cho rằng nếu người châu Âu có thể giảm tiêu thụ khí đốt nhanh chóng khi mùa đông kết thúc và các nhà máy điện khí được thay thế bằng các nguồn khác, họ có thể giảm bớt tác động từ "đòn đánh khí đốt" của Nga. Việc sử dụng nguồn LNG nhập khẩu từ các kho dự trữ ven biển cũng có thể giúp khắc phục tình hình.
Liên minh châu Âu (EU) đang nỗ lực để tăng hiệu suất sử dụng năng lượng trong các tòa nhà. Khối cũng đặt mục tiêu lấp đầy 90% các kho lưu trữ khí đốt trong mùa thấp điểm và tăng cường sản xuất biomethane, loại khí có nguồn gốc từ chất thải nông nghiệp hoặc các nguồn hữu cơ khác, cũng như các nguồn năng lượng tái tạo.
Xây thêm kho lưu trữ nhập khẩu để nhận LNG từ Mỹ, Canada và nhiều nước khác cũng là một lựa chọn. Tuy nhiên, việc phê duyệt thêm dự án xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ nhiên liệu hóa thạch sẽ mâu thuẫn với nỗ lực giảm khí phát thải khí nhà kính gây biến đổi khí hậu của EU.
Tăng cường các nhà máy điện gió, mặt trời, địa nhiệt và hạt nhân càng nhanh càng tốt để thay thế các nhà máy điện khí cũng là ưu tiên chính của EU. Từ bỏ các hệ thống sưởi ấm khí đốt truyền thống, thay thế bằng máy bơm nhiệt chạy bằng điện, vốn có thể biến thành điều hòa trong các đợt nắng nóng mùa hè ngày càng thường xuyên ở châu Âu, cũng là giải pháp phù hợp với các mục tiêu khí hậu của khối.
Việc cắt giảm khí đốt của Nga cuối cùng có thể đẩy nhanh nỗ lực của các quốc gia châu Âu trong việc chuyển sang năng lượng tái tạo và sử dụng điện hiệu quả hơn, theo Webber.
Không chỉ gây đau đớn cho người châu Âu, động thái ngắt nguồn cung khí đốt cũng có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới nguồn doanh thu của Nga. Tổng thống Putin đang yêu cầu các nước "không thân thiện" thanh toán khí đốt bằng đồng ruble để tăng giá trị tiền Nga, vốn bị mất giá trước sức ép của các lệnh trừng phạt kinh tế. Ba Lan và Bulgaria đã từ chối đề nghị này.
Nikos Tsafos, chuyên gia về năng lượng và địa chính trị tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế ở Washington, cho rằng Nga có thể cắt nguồn cung khí đốt tới châu Âu vào bất cứ lúc nào. "Tuy nhiên, quyết định đó sẽ bị châu Âu coi là hành động gây chiến. Nó sẽ khiến người châu Âu đoàn kết hơn và khiến họ xích lại gần Ukraine hơn", Tsafos nói.
Webber cũng cho rằng cắt nguồn cung khí đốt vào tháng 2 sẽ rất tốn kém với Nga và chắc chắn sẽ gây phản ứng dữ dội ở châu Âu. Bằng cách sử dụng khí đốt như một công cụ gây sức ép khi thời tiết ấm hơn, Nga vẫn có thể phô trương sức mạnh năng lượng của họ mà không bị coi là quá quyết liệt, cũng như không bị tổn thất nguồn thu quá nhiều.
"Câu hỏi quan trọng hiện tại là liệu châu Âu có cần khí đốt của Nga nhiều hơn Moskva cần doanh thu từ việc bán hàng cho châu Âu hay không", Webber chia sẻ.
Thanh Tâm (Theo Conversation, Bloomberg)