Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 28/4 tuyên bố hai tháng xung đột Ukraine đã đẩy thế giới đến một thời khắc quan trọng, khi các bên dấn sâu hơn vào cuộc chiến quyết liệt, hỗn loạn hơn.
"Cái giá phải trả cũng như những mối đe dọa đối với nước Mỹ và thế giới tiếp tục tăng. Chúng ta không thể để điều này xảy ra", ông Biden nói.
Ngoại trưởng Anh Liz Truss trong khi đó tuyên bố "địa chính trị đã trở lại".
Chỉ trong vài ngày, một nhận thức mới đã xuất hiện ở Washington, châu Âu, Kiev và Moskva, làm thay đổi đáng kể xung đột ở Ukraine. Mỹ đã tuyên bố một chiến lược rõ ràng và công khai, đó là "làm suy yếu" Nga đến mức nước này không thể tiến hành một chiến dịch tương tự ở Ukraine.
Chuyến thăm Kiev của Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin hôm 24/4 đã tạo tiền đề cho một tuần mà phương Tây xem xét nghiêm túc hơn về "cuộc chiến tranh ủy nhiệm" với Nga, theo Stephen Collinson, nhà phân tích kỳ cựu của CNN.
Mỹ tăng cường sự rõ ràng cho chiến lược mới bằng cách tập hợp các bộ trưởng quốc phòng của những đồng minh quan trọng trong một hội nghị viện trợ vũ khí tại Đức và cam kết nhóm họp hàng tháng để đánh giá nhu cầu vũ khí của chính phủ Ukraine.
Những động thái này đã thúc đẩy cảm giác ngày càng tăng rằng cuộc chiến ở Ukraine sẽ khó kết thúc sớm. Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg nói xung đột có thể "kéo dài trong nhiều tháng hoặc nhiều năm".
Trong khi đó, Ngoại trưởng Anh kêu gọi Mỹ và phương Tây tăng viện trợ quân sự, thúc đẩy vũ trang cho các nước Tây Balkan và các nước ngoài NATO như Gruzia, Moldova.
Nga cũng có những động thái quyết liệt để phản ứng với chiến lược cứng rắn của phương Tây, như cắt nguồn cung khí đốt cho Ba Lan và Bulgaria. Một cuộc chiến năng lượng tăng nhiệt hơn nữa có thể đẩy châu Âu đến bờ vực suy thoái.
Tổng thống Biden đã kết thúc một tuần định hình xung đột bằng cách tiết lộ gói viện trợ vũ khí, kinh tế và nhân đạo cho Ukraine trị giá 33 tỷ USD mà ông đang đề xuất cho quốc hội Mỹ. "Chi phí của cuộc chiến này không hề rẻ", ông nói.
Tuy nhiên, những thay đổi chiến lược từ Mỹ và phương Tây cũng đi kèm với các cảnh báo mới về hạt nhân của Moskva. Dù những tuyên bố của Nga về loại vũ khí nguy hiểm nhất thế giới có thể chỉ nhằm đe dọa phương Tây, nó vẫn cho thấy nguy cơ đụng độ trực tiếp giữa hai cường quốc hạt nhân Mỹ và Nga vẫn sẽ tồn tại chừng nào xung đột Ukraine còn tiếp diễn.
Một số chuyên gia Mỹ bác bỏ nhận định rằng những cảnh báo cứng rắn của Nga là dấu hiệu cho thấy Tổng thống Vladimir Putin thất vọng về chiến dịch ở Ukraine. Tuy nhiên, nó nhắc nhở các lãnh đạo phương Tây rằng việc bơm vũ khí cấp tập cho Ukraine có thể phạm vào "lằn ranh đỏ" của ông Putin, khiến căng thẳng leo thang.
"Mối nguy hiểm là có thật và chúng ta không được đánh giá thấp nó", Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov cảnh báo về nguy cơ nổ ra chiến tranh hạt nhân.
Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mỹ Mark Milley nói Nga đáng lẽ không nên đưa ra những lời lẽ kích động như vậy. Ông chỉ trích đó là hành động "hoàn toàn vô trách nhiệm" khi lãnh đạo cấp cao của một cường quốc sở hữu vũ khí nguyên tử "vung thanh gươm hạt nhân".
Tuy nhiên, Tổng thống Nga sau đó vẫn tiếp tục cảnh báo về nguy cơ hạt nhân. Ông nói Nga sẽ phản ứng "nhanh như chớp" nếu các nước khác can thiệp vào Ukraine.
"Chúng tôi có tất cả công cụ để làm điều này. Những công cụ mà không ai có thể khoe khoang. Chúng tôi cũng sẽ không khoe khoang, mà sẽ sử dụng nếu cần thiết. Tôi muốn mọi người biết điều này", ông nói.
Mỹ lập tức lên tiếng chỉ trích về mối nguy hiểm của những tuyên bố như vậy. "Không ai nên đưa ra những bình luận về sử dụng vũ khí hạt nhân hoặc khả năng cần sử dụng chúng", ông Biden nói tại Nhà Trắng hôm 28/4.
Những màn ăn miếng trả miếng gay gắt giữa Mỹ và Nga đã khiến mối quan hệ hai nước thêm căng thẳng, theo đại sứ Mỹ tại Nga John Sullivan.
Trong khi đó, tại chiến trường Ukraine, giao tranh vẫn ác liệt. Nga ngày càng tăng cường nỗ lực kiểm soát miền đông và miền nam Ukraine, cũng như tìm cách phong tỏa hướng tiếp cận Biển Đen của Kiev.
Quân đội Ukraine hôm 28/4 cho biết lực lượng Nga đã oanh kích dữ dội trên nhiều mặt trận. Họ tìm kiếm những đột phá ở khu vực Izium, miền đông Ukraine và cố gắng kiểm soát toàn bộ vùng Donetsk và Lugansk.
Tuy nhiên, một quan chức quốc phòng cấp cao của Mỹ nói rằng cuộc chiến có thể kéo dài, khi lực lượng Nga tiến quân rất chậm ở khu vực Donbass, một phần do các vấn đề về hậu cần.
Hy vọng ngoại giao lớn nhất trong tuần qua là chuyến thăm của Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres tới Moskva và Kiev.
Ông Guterres nói Tổng thống Nga đồng ý "về nguyên tắc" cho phép LHQ và Hội Chữ thập đỏ Quốc tế giúp sơ tán dân thường tại nhà máy thép Azovstal ở Mariupol, pháo đài kháng cự cuối cùng của Ukraine tại thành phố biển phía nam. Lãnh đạo Nga cũng nói rằng ông vẫn hy vọng các cuộc đàm phán có thể chấm dứt xung đột.
Nhưng Nga ngày 28/4 không kích tên lửa vào Kiev, khi người đứng đầu LHQ đang thăm thành phố, đánh dấu cuộc tấn công đầu tiên vào thủ đô Ukraine từ giữa tháng 4.
Nhà phân tích Collinson cho rằng cả Ukraine và Nga dường như không có dấu hiệu muốn đàm phán vào thời điểm hiện tại. Những thực tế này cho thỏa thuận hòa bình ở Ukraine có thể ngày càng xa hơn.
Dù phương Tây có thể gửi hàng loạt vũ khí, đạn dược và viện trợ cho Ukraine, họ không thể giúp chấm dứt cuộc chiến này. "Chỉ ông Putin mới có thể làm được điều đó", Collinson nhận định.
"Cuộc chiến sẽ không kết thúc bằng các cuộc đàm phán. Cuộc chiến sẽ kết thúc khi Nga quyết định chấm dứt nó và khi có một thỏa thuận chính trị nghiêm túc. Chúng ta có thể tổ chức tất cả các cuộc gặp, nhưng đó không phải là cách giúp chấm dứt chiến tranh", Tổng thư ký LHQ Guterres nói sau chuyến thăm tới Moskva.
Thanh Tâm (Theo CNN, CNBC, WSJ)