Theo báo cáo Tương lai Việc làm năm 2023 của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), chỉ trong vòng năm năm tới, dự báo có 83 triệu việc làm mất đi, chiều ngược lại - 69 triệu công việc mới được tạo ra. Làm nghề như thế nào và làm nghề nào để tồn tại, khi nghề hot "hết thời" thì "một nghề cho chín còn hơn chín nghề" có còn đúng? Đó là những câu hỏi khiến nhiều người trẻ ngày nay trăn trở, loay hoay với bài toán định hướng cho tương lai.
Cá nhân tôi cho rằng, chọn nghề kiếm sống là một chuyện, còn muốn thành công thì quan trọng nhất là dù ở bất xứ ngành nghề nào, bạn cũng phải trở nên thật sự chuyên nghiệp và phải liên tục nghiên cứu, cập nhật những kiến thức mới để không bị tụt hậu. Có một sự thật rằng, nếu muốn thành công trong một lĩnh vực nào đó, bạn phải phụ thuộc rất nhiều vào tài năng và đạo đức của bản thân.
Tôi từng nghe câu chuyện về một đầu bếp tài năng người Việt Nam thế này: Có một hôm, ông chủ nhà hàng muốn người đầu bếp của mình chế biến một con cá có chất lượng kém cho khách ăn để giảm thiểu thiệt hại cho nhà hàng. Thấy vậy, anh chàng đầu bếp nhất quyết không làm theo kiểu đó. Thậm chí, anh ta sẵn sàng nghỉ việc ngay lúc đó để không đánh mất đạo đức nghề nghiệp của mình.
Nghe xong câu chuyện, chúng tôi đều quả quyết rằng đó là một đầu bếp rất tài năng và hoàn toàn là một con người tận tâm với nghề. Đó chính là định nghĩa của sự chuyên nghiệp. Và một người chuyên nghiệp như thế thì làm bất cứ công việc gì, dù đang "hot" hay đã hết thời cũng đều sẽ có chỗ đứng của riêng mình.
>> Tỉnh mộng sau 10 năm nghỉ việc ngân hàng để mở quán cà phê
Sự biến động của xã hội tạo ra nhiều công việc mới, mang hơi thở của thời đại như sale bất động sản, bán hàng qua livestream, bán hàng online... Tuy nhiên, điểm chung của những công việc được xem là rất "hot" này là chúng đều mang tính thời vụ và phụ thuộc nhiều vào thị trường. Thế nên, chuyện hôm nay thịnh, ngày mai suy là rất bình thường. Và tương lai của nghề nghiệp đó sẽ ra sao khó mà trong tay mình quyết định được.
Vậy nên, thay vì chạy theo các nghề mới, nghề "hot", tôi cho rằng các bạn trẻ nên tự xác định đâu là nghề phù hợp với mình và đâu là định hướng mà mình muốn hướng tới trong nghề nghiệp đó. Các bạn chỉ đơn giản là muốn kiếm tiền để lo toan cuộc sống, hay muốn làm giàu nhanh, hay muốn phát triển bản thân, rèn luyện đạo đức nghề nghiệp để trở nên chuyên nghiệp và thành công hơn trong cuộc sống?
Khi trở thành bậc thầy của một nghề nào đó, bạn sẽ hiểu tiền bạc không phải thứ quan trọng nhất, mà là uy tín và chất lượng của sản phẩm mà mình tạo ra để khách hàng, để người đời nhìn nhận và đánh bản thân ta qua đó. Nếu bạn kỹ lưỡng, tỉ mỉ đến từng chi tiết để tạo ra kiệt tác của cuộc đời mình, khi đó bạn mới thực sự là chuyên nghiệp.
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.