Một năm sau khi ra trường, anh gần như thất nghiệp. Tấm bằng Kỹ sư cầu đường nằm kẹt cứng dưới đống tài liệu cũ trong góc tủ. Công trình ít, lượng kỹ sư đông lại cần kinh nghiệm, sinh viên mới ra trường như anh chỉ chạy vặt cả ngày, dang nắng ngoài công trường, lương chẳng bù đủ học phí ngày trước.
Chán nản, sau mấy năm, Quang rẽ nhánh sang làm sale bất động sản. Trúng sóng khi người người đổ xô đi mua đất mua nhà, lại có hiểu biết về kỹ thuật hạ tầng giao thông đường sá, anh trở thành sale cứng. Tranh thủ nghề sale, anh kiêm luôn bán bảo hiểm.
Cuối năm 2022, gặp thời, có tiền, lại sẵn quan hệ với các chủ đầu tư, Quang đổ tiền mua nguyên cả một tầng của khu chung cư đang hot mạn Tây Hà Nội.
Giữa 2023, bất động sản đóng băng.
Chung cư anh đầu tư vướng pháp lý, dừng xây. Anh đã đóng được một nửa tiền theo tiến độ. Đọng vốn, đọng cả bao nhiêu của nả tích cóp, thêm mảnh đất ở quê và một ít vay họ hàng. Thằng cu nhà anh vừa lên cấp hai, học quốc tế từ bé, nay lại về trường công.
Mới đây gặp tôi, anh lại khoe mới nhập lô hàng, bán qua livestream Tiktok. "Nghe bảo đang hot lắm", anh vẫn cười, nhưng không còn vẻ tếu táo như trước.
Lại nghề mới, tôi tin vào bản lĩnh của anh. Chỉ e ngại, nghề đó sẽ hot được đến bao giờ?
Gắn với nghề là chuyện tốt, nhưng lệ thuộc vào cái nghề lại là câu chuyện khác. Trong thế giới VUCA đầy biến động ngày nay, xã hội thay đổi, nghề có thể mất và mình sẽ đói.
Câu chuyện về sự biến động vài năm một nghề của anh Quang làm tôi nghĩ tới thời hoàng kim của một số ngành nghề. Thế hệ bố mẹ tôi, làm giáo viên hay công chức nhà nước là một niềm mơ ước. Lứa chúng tôi, hơn 12 năm về trước thường ưu tiên chọn ngành kế toán hoặc quản trị kinh doanh. Thế hệ em tôi ngày nay đang ngơ ngác giữa vô vàn ngành nghề mới, liên quan tới trí tuệ nhân tạo, khoa học y sinh, phân tích tài chính hay an toàn không gian số.
Theo báo cáo Tương lai Việc làm năm 2023 của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), chỉ trong vòng năm năm tới, dự báo có 83 triệu việc làm mất đi, chiều ngược lại - 69 triệu công việc mới được tạo ra.
Một thực tế đáng lo ngại về "cần câu cơm" không chỉ tại Việt Nam.
Người ta loay hoay với bài toán làm nghề như thế nào và làm nghề nào để tồn tại. Và liệu, khi nghề hot "hết thời" thì "một nghề cho chín còn hơn chín nghề" có còn đúng?
Tôi cho rằng đúng một phần: nghề cho chín.
Trong năm năm tới, kỹ năng sống còn được WEF khuyến nghị người lao động cần liên tục thực hiện là Reskilling (Trang bị lại kỹ năng) và Upskilling (Nâng cấp kỹ năng).
Reskilling là khái niệm không mới. Nhưng cần dám, dám vứt bỏ cái tôi, cái nếp suy nghĩ đã cũ để học và cập nhật cho mình kỹ năng mới thay thế lối mòn công việc, để tối ưu công việc hiện tại, phù hợp với thời đại mới. Khái niệm Upskilling yêu cầu có thêm tinh thần cởi mở, thấu hiểu sự biến động của thị trường, của nghề, từ đó nâng cấp kỹ năng để chuyên sâu và cao cấp hơn.
Nhưng, Reskilling và Upskilling của một nghề vẫn chưa đủ. Trong xã hội hiện tại, việc giữ khư khư một nghề, trong thời đại liên tục có thêm nghề mới, công nghệ thay thế con người mới, thì người lao động sẽ tự thu hẹp cơ hội cải thiện thu nhập.
Có một nghề là xương sống chính và sẽ tốt hơn nữa nếu bạn có thêm một nghề dự phòng: một nghề phụ, hoặc phái sinh từ nghề cũ, hoặc khác biệt, nhưng mang tính ổn định để bạn sẵn sàng, lúc nào cũng có thể xoay chuyển. Tôi tin đúc kết của cha ông vẫn có giá trị trong thời hiện đại, nhưng nâng cấp, mở rộng kỹ năng sẽ giúp bạn đứng vững và tận dụng tốt hơn các cơ hội nghề nghiệp.
Lúc này, người lao động sẽ chín và cứng đến không thể bị thay thế trong bất kỳ môi trường nào, dù cái vỏ của nghề có biến mất, để không còn những người như anh Quang, loay hoay với sự nghiệp điện tâm đồ trồi - sụt.
Mai Loan