Tôi là một người đã có cơ hội trải nghiệm giáo dục đại học ở cả trong nước và nước ngoài. Vì thế, tôi hiểu rằng, là sinh viên vừa ra trường thì ở đâu cũng lơ ngơ như nhau cả thôi. Kết quả tốt trong trường đại học không nói lên rằng sinh viên đó 'đã được đào tạo để làm tốt công việc thực tế', mà đơn giản rằng nó cho thấy người đó 'có tiềm năng để tiếp nhận đào tạo từ các doanh nghiệp'.
Ở bậc đại học, kiến thức rất chung và khái quát, còn khi đi làm thì mỗi công ty lại có chiến lược kinh doanh khác nhau, văn hóa khác nhau, nên các thao tác nghiệp vụ cũng khác nhau. Vậy nên, nếu đòi hỏi sinh viên mới ra trường phải nắm bắt được công việc ngay là chưa công bằng với họ.
Tiếp đến, các doanh nghiệp Việt luôn than phiền về chất lượng sinh viên sau tốt nghiệp, nhưng bản thân nhiều công ty lại không muốn nhận sinh viên thực tập, hoặc có cho thực tập cũng chỉ hời hợt, qua loa. Rồi sau đó, cũng chính họ lại không muốn nhận sinh viên vừa ra trường vì phải mất công đào tạo. Khi chẳng ai muốn đóng góp trách nhiệm xã hội, nhưng lại đòi sinh viên phải vững vàng kiến thức và thành thạo nghiệp vụ ngay, đó chẳng phải là một điều rất vô lý hay sao?
Tôi khá chắc rằng, không chỉ có các doanh nghiệp không hài lòng về kỳ thực tập của sinh viên, mà ngay cả chính các thực tập sinh cũng chẳng thấy thoải mái với những gì mình nhận được. Khi bạn không có thời gian dành cho họ, không chỉ dẫn được nhiều, thì sao đòi hỏi người ta phải nhiệt tình được? Bạn hướng dẫn thực tập với tâm thế cho xong chuyện, thì trách sao khi sinh viên rời đi, họ cũng chẳng hào hứng liên lạc lại với doanh nghiệp của bạn.
>> 'Tôi thất vọng chất lượng sinh viên Việt sau 20 năm đi tuyển dụng'
Tôi từng làm việc trong một tập đoàn ở Nhật Bản. Tại đó, họ dạy dỗ người mới rất tận tình, không bao giờ có chuyện giữ mánh, giấu nghề. Mà để đào tạo một nhân viên mới lên cứng nghề cũng cần tối thiểu ba năm chứ không ít. Có lần, tôi hỏi họ: Dốc tiền của ra đào tạo nhân lực mới như vậy, nhỡ sau này nhân viên 'đủ lông đủ cánh', ra đi tìm chỗ mới tốt hơn, không sợ thiệt hay sao?
Họ giải thích cho tôi thế này: 'Nếu nhân viên rời đi để tìm mức đãi ngộ tốt hơn thì lỗi là do doanh nghiệp không cập nhật lương thưởng thỏa đáng với trình độ của người lao động. Người lao động có toàn quyền tìm kiếm công việc có mức thù lao thỏa đáng với trình độ của mình. Nói dễ hiểu thì anh không có nghĩa vụ phải ở lại cống hiến cho công ty đã đào tạo anh nếu cảm thấy thù lao không thỏa đáng.
Thêm nữa, nếu là về vấn đề chuyên môn, ví dụ như nhân viên cảm thấy chỗ làm hiện tại không giúp họ phát huy tối đa năng lực, hay họ muốn theo đuổi một ngành nghề khác, thì ở chỗ mới họ có thể sẽ cống hiến được nhiều giá trị cho xã hội hơn. Nói dễ hiểu thì họ nhìn rộng ra là lợi ích của toàn xã hội chứ không phải mỗi lợi ích của công ty. Còn nữa, khi nhân sự họ đào tạo ra đi, thì ngược lại cũng có những người được doanh nghiệp khác đào tạo đến với họ, nhìn chung chẳng đi đâu mà thiệt'.
Tôi nghĩ các doanh nghiệp Việt cũng nên thay đổi suy nghĩ của mình về việc đạo tạo nguồn nhân lực trẻ (các sinh viên thực tập và người mới ra trường). Có như vậy thì chúng ta mới không luẩn quẩn trong vòng lặp không lối thoát khi doanh nghiệp chẳng mặn mà với việc hướng dẫn thực tập cho sinh viên rồi lại chê cử nhân ra trường không làm được việc, phải mất công đào tạo lại từ đầu".
Đó là quan điểm của độc giả Tentruycap xung quanh câu chuyện "Nhận 10 sinh viên thực tập không ưng nổi một người nào". Thực tế, phần lớn các doanh nghiệp trong nước không hào hứng với việc nhận sinh viên đến thực tập, trong khi bản thân sinh viên lại mong muốn có trải nghiệm tại doanh nghiệp sớm nhất có thể, để tích lũy kinh nghiệm trước khi ra trường.
Có tới 80% doanh nghiệp ở Việt Nam phải tuyển dụng người lao động không có kinh nghiệm, theo một khảo sát mới đây. Nhưng làm gì để sinh viên thực tập không trở thành gánh nặng với doanh nghiệp cũng như thay đổi suy nghĩ của nhà tuyển dụng vào việc tích cực tạo môi trường cho sinh viên tiếp cận công việc và tích lũy kinh nghiệp ngay từ khi còn trên ghế nhà trường?
Lê Phạm tổng hợp
- 'Không trường đại học nào dạy sinh viên biết làm việc khi mới ra trường'
- Sinh viên ra trường với kinh nghiệm 4 năm chạy xe ôm công nghệ
- Rủi ro khi tuyển sinh viên mới ra trường không có kinh nghiệm
- 'Ra trường không có kinh nghiệm là lỗi của sinh viên'
- Đòi hỏi kinh nghiệm với sinh viên mới ra trường không hề vô lý
- Kỹ sư IT mới ra trường phải có kinh nghiệm - 'đòi hỏi tuyển dụng vô lý'