Chiều 17/2, nhiều nhóm công nhân rời dây chuyền sản xuất, tập trung đi lại bên trong khuôn viên nhà máy. Một số người phát trực tiếp sự việc lên mạng xã hội. Tại một số phân xưởng khác vẫn có số ít công nhân tiếp tục sản xuất.
Các công nhân ngừng việc đưa ra một số kiến nghị như: Tăng lương, có chế độ nghỉ phép và điều chỉnh giờ làm hợp lý, tăng tiền thâm niên, chế độ ăn hàng ngày cần được đảm bảo... "Chúng tôi đang nhận lương cơ bản từ 3,4 đến 4 triệu đồng, mức này là thấp so với nhiều nơi, không đủ chi tiêu", một nữ công nhân nói.
Lãnh đạo huyện Đức Thọ đến nhà máy phối hợp với Ban giám đốc Công ty Appareltech, yêu cầu công nhân vào phía trong các phân xưởng trao đổi.
Phó chủ tịch UBND huyện Đức Thọ, ông Hoàng Xuân Hùng nói các đề xuất của công nhân là hợp lý, tuy nhiên trong điều kiện khó khăn hiện nay thì "điều chỉnh như thế nào còn căn cứ vào sự cân đối của doanh nghiệp".
"Phía Công ty Appareltech đã lắng nghe kiến nghị, lập thành thông báo gửi Tổng công ty xin ý kiến, dự kiến đầu tháng 3 thực hiện", ông Hùng cho hay.
Hơn 16h cùng ngày, khoảng 500 công nhân trong ca làm việc được cho về. Công ty thông báo, ngày 18/2, người lao động vẫn đến nhà máy làm việc bình thường theo kế hoạch. Doanh nghiệp "chỉ nhận công nhân đến nhà máy để làm việc, từ chối tiếp nhận những trường hợp vào với mục đích khác".
Công ty may mặc xuất khẩu Appareltech Hà Tĩnh chuyên sản xuất quần áo xuất khẩu, thành lập năm 2020, 100% vốn Hàn Quốc, quy mô hơn 1.000 công nhân.
Theo thống kê của công đoàn, trước và sau Tết Nhâm Dần, cả nước xảy ra 28 cuộc ngừng việc tập thể, tranh chấp lao động tại 11 địa phương. Trong đó tại Hà Tĩnh, chiều 15/2, khoảng 500 công nhân Công ty Haivina, chuyên sản xuất gang tay, đóng ở phường Đậu Liêu, thị xã Hồng Lĩnh cũng ngừng việc, tập trung trong khuôn viên đề nghị tăng lương, trả tiền hỗ trợ Covid-19 và đảm bảo một số chế độ phụ cấp.
Sau khi được ban giám đốc hứa giải quyết một số kiến nghị về tiền lương và phụ cấp, họ đã quay lại nhà máy làm việc vào ngày 16/2.