Tôi đã viết một số bài về đời sống của công nhân, người lao động trong những vuông phòng trọ 15-20m2. Hôm nay, tôi muốn thảo luận về một chủ đề mới là nhà ở giá rẻ cho người lao động sau khi có thông tin TP HCM lên kế hoạch xây một triệu căn nhà giá rẻ.
Việc bí bách do ba, bốn tháng trời ở 24/24h trong những căn nhà trọ này đã ảnh hưởng không tốt đến đời sống tinh thần của người ở trọ, đúng như nhận xét của lãnh đạo thành phố.
Tuy nhiên, tôi cũng muốn góp thêm một ý đó là ở trọ tạo ra tâm lý tạm bợ, không cố định nên đây cũng là lý do khiến nhiều lao động về quê ngay khi thành phố thả lỏng giãn cách. Dù một số doanh nghiệp, công ty trả lương nhỉnh hơn nhưng việc người lao động rời bỏ về quê ngoài chuyện để giải toả tâm lý, nó còn cho thấy chưa có gì xứng đáng để níu kéo họ ở lại với thị thành.
>> Sốt đất gây ra nhà trọ 15 m2
Theo số liệu thống kê, TP HCM hiện có hơn 17 khu công nghiệp, khu chế xuất với khoảng 300.000 công nhân lao động. Một số công ty, xí nghiệp có ký túc xá cho nhân viên, công nhân nhưng số lượng cũng rất ít. Đa số còn lại phải tự túc tìm chỗ ở và hầu như phải gắn bó với những phòng trọ dãy chật chội.
Trên thực tế 5 năm gần đây số nhà ở xã hội ở thành phố chưa đạt được mục tiêu 20.000 căn, vậy để xây một triệu căn nhà giá rẻ là một bài toán khó.
Mà cái khó đầu tiên có thể thấy là tìm quỹ đất. Với tình hình giá đất ở thành phố tăng liên tục trong những năm gần đây thì việc tìm kiếm đất gần các khu công nghiệp, khu chế xuất để xây dựng căn hộ với mức giá công nhân có thể mua được thì phải thành phố phải chấp nhận giá đền bù khá cao. Tuy nhiên lúc đó lại rất khó làm được nhà ở có giá bán thấp để phù hợp túi tiền người lao động.
Theo tôi, việc này có thể giải quyết bằng hướng: lên kế hoạch xây dựng các khu đô thị dành cho người lao động ở ngoại ô, xa trung tâm một chút nhưng phải quy hoạch kỹ lưỡng, bài bản các tuyến đường giao thông kết nối đến nơi làm việc của họ.
Việc này hoàn toàn có thể học theo mô hình ký túc xá khu A mở rộng và khu B của ký túc xá Đại học Quốc gia TP HCM. Cụ thể, với diện tích 38,8 ha nhưng khu B của ký túc xá xây được 19 đơn nguyên nhà từ 12 đến 16 tầng với sức chứa 40.000 chỗ ở. Trung bình mỗi phòng có 8 em sinh viên sinh hoạt.
Theo tôi được biết, một số toà nhà ký túc xá ở khu A đã được hoán cải thành nhà công vụ cho các giảng viên đại học quốc gia ở. Hay như trong suốt thời gian đỉnh dịch vừa qua, các khu ký túc xá này đã làm nhiệm vụ chỗ ở cách ly cho người dân.
Như vậy, nếu ta tạm tính mỗi gia đình người lao động gồm hai vợ chồng, hai con, tổng cộng bốn người thì có thể ở và sinh hoạt trong những căn nhà kiểu ký túc xá sinh viên có diện tích 32-40m2 này. Như vậy có thể giải quyết nhu cầu nhà ở cho hàng nghìn gia đình công nhân, người lao động.
Hay trên thực tế, giải pháp khác được một công ty ở Bình Dương lựa chọn đó là xây dựng các chung cư chỉ cao 5 tầng, không có thang máy, chiều cao thông tầng khoảng 4m, các căn hộ có diện tích 30m2 hoàn thiện cơ bản bên trong căn hộ.
Các căn hộ tầng trệt có diện tích 45m2 có thể vừa ở vừa làm dịch vụ, kinh doanh. Do nền đất ở Bình Dương vững nên việc xây dựng, làm móng dễ dàng và không tốn nhiều chi phí san lấp mặt bằng. Toàn bộ chi phí đất, giải phóng mặt bằng, đầu tư hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội... đều được nhà nước xây dựng, không tính vào giá bán nhà nên chỉ còn chi phí xây dựng căn hộ. Và được bán với giá từ 100-200 triệu đồng mỗi căn.
Một công nhân ở trọ gần nhà đã tâm sự với tôi rằng trong thời gian này và sắp tới, việc ở trọ, tiền nhà trọ là một ám ảnh lớn và đang tính chuyện trả phòng để về quê một thời gian, có lẽ là qua Tết mới lên phố lại để tìm chỗ ở và công việc mới.
>> Những vợ chồng trẻ 'bó mình' trong căn trọ 15m2
Đọc một số tâm sự của người lao động, bao gồm công nhân và nhân viên văn phòng thu nhập thấp, tôi thấy mong ước của họ là mua được một căn hộ giá rẻ trong tầm với để yên ổn an cư lạc nghiệp.
Tôi nhẩm tính, một vợ chồng công nhân với một đứa con, nếu cả hai cùng tăng ca thì có thể kiếm ngoài 20 triệu đồng một tháng. Trừ đi chi phí sinh hoạt, học hành cho con cái thì mỗi tháng trả góp chừng 5-6 triệu đồng là mức tiền vừa phải để mua nhà (tiền phòng trọ bây giờ cũng 2-3 triệu đồng mỗi tháng rồi).
Còn về số tiền góp ban đầu thì tuỳ vào dự án và khả năng tài chính của công nhân, thêm vào đó có thể nhờ đến sự bảo lãnh của công ty, xí nghiệp để giúp người lao động dễ vay vốn ngân hàng mua nhà hơn.
Tôi tin rằng khi người lao động đã an tâm vì có một ngôi nhà riêng thì đời sống thoải mái hơn, con cái học hành thuận lợi hơn. Từ đó họ cũng an tâm lao động, đóng góp cho doanh nghiệp và xã hội hơn. Bởi dù sao ở căn hộ riêng của gia đình mình bao giờ cũng tạo tâm lý và cảm giác thoải mái hơn là cả nhà ở trong căn phòng trọ chật chội.
Lê Bảo
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.