Một xưởng sản xuất mô-tơ điện tử nhận họ vào thử việc. Sau một thời gian thử thách vài tháng với mức lương ít ỏi họ được nhận vào làm việc chính thức. Các cô gái trẻ này nói với tôi rằng công việc cũng không nặng nhọc lắm nên rất mau quen việc, nhắm mắt vẫn làm được việc của mình trong dây chuyền mà mình phụ trách. Vậy là có lương (dù không cao) đủ nuôi thân và gửi về cho gia đình.
Nhưng điều mà tôi nhận thấy cả ba bạn nữ công nhân này và cả xóm trọ đều có một thứ bó buộc đó đính là thời gian. Cả dãy trọ đều có giờ giấc sinh hoạt giống nhau: dậy sớm để kịp 7h15 vào xưởng chấm công, làm việc.
Nghỉ trưa lúc 11h30 và ăn cơm công nghiệp tại xưởng. Nghỉ trưa nửa tiếng và bắt đầu làm công việc đến chiều. Sau đó tan ca và về nấu ăn, xem điện thoại rồi ngủ sớm lấy sức. Nếu ai làm ca tối thì cũng tuân thủ giờ giấc y hệt như vậy. Cứ thế ngày này qua ngày khác, năm này qua năm khác và chẳng có gì thay đổi.
>> Chạy xe ôm công nghệ sướng hơn làm công nhân'
Nếu có thay đổi thì đó là một vài cô tìm được chồng, cũng làm công nhân và rồi họ sinh con. Cuộc sống khi lập gia đình cũng chẳng khác gì lúc chưa chồng. Một số có con nếu nuôi được thì vẫn ở nhà trọ, sáng bố mẹ đi làm thì con đi nhà trẻ. Một số thì gửi con về quê nhờ ông bà chăm giúp rồi gửi tiền về. Mỗi năm gặp con vài lần dịp lễ Tết.
Rồi tuổi trẻ qua đi, họ đến dần tuổi 30, 40 và cuộc sống mỗi ngày cứ lặp đi lặp lại. Tôi tự hỏi có phải những bạn này đã chôn vùi cả tuổi trẻ, vốn tràn đầy sức sống để rồi khi quá tuổi tuyển dụng lao động, lại nơm nớp lo sợ bị sa thải vì "lớn tuổi", hoặc nếu chẳng may mất việc thì sợ không ai nhận.
Mà thực tế là ở các đợt dịch trước, một số công ty cũng đã "ưu tiên" cho nghỉ việc với những công nhân làm lâu năm, tuổi tác cũng cao với số tiền vài chục đến vài trăm triệu đồng. Nhưng cuộc sống đâu phải chỉ đến thế, làm sao họ trụ được đến tuổi già với số tiền đó? Nhiều bạn sẽ cho rằng đó là vấn đề cá nhân, mạnh ai nấy lo. Nhưng riêng tôi lại nghĩ đó cũng là một phần trách nhiệm chung của an sinh xã hội.
Mấy hôm nay tôi thấy nhiều người bàn tán về câu chuyện phim giang hồ và tội phạm. Tôi tìm kiếm thông tin trên Google thì thấy có rất nhiều kết quả trả về khi tìm kiếm thông tin về chủ đề này. Thôi thì đây là trend, hấp dẫn được nhiều người xem nên các nhà sản xuất tha hồ làm phim truyền hình lẫn webdrama chiếu mạng.
Tôi vốn có nhiều quan tâm về cuộc sống của anh chị em công nhân và từng viết một số bài bày tỏ quan điểm về vấn đề này. Vậy nên tôi đã thử tìm kiếm xem các nhà làm phim, các nghệ sĩ đã có ai khai thác về đề tài đời sống công nhân chưa?
Kết quả rất ít, và trong đó có một thông tin gọn lỏn từ năm 2013 khiến tôi chú ý: "Quỹ hỗ trợ công nhân TP HCM phối hợp với Trung tâm hỗ trợ thanh niên và một công ty giải trí hỗ trợ hợp tác sản xuất bộ phim truyền hình dài 35 tập với nội dung nói về đời sống công nhân".
>> Những vợ chồng trẻ 'bó mình' trong căn trọ 15m2
Tôi cũng chẳng rõ phim đó tên gì vì không thấy được đề cập đến, nhưng được chua thêm một dòng: "Bên cạnh đó, từ nay đến cuối năm 2013, các đơn vị trên cũng tổ chức một số sân chơi văn hóa văn nghệ phục vụ miễn phí cho thanh niên công nhân tham gia sau giờ tan ca".
Tôi lại nghĩ đến những gia đình trẻ lẫn già, những thanh niên trong độ tuổi đôi mươi cả trai lẫn gái chen chúc nhau ở trong những dãy trọ gần nhà mình. Tôi thấy lúc bình thường, hình như chúng ta ít quan tâm đến họ.
Chỉ đến khi dịch bệnh Covid-19 hoành hành, công nhân mất việc, khốn khổ vì mất thu nhập thì mới thấy họ được nhắc đến nhiều. Còn ngày thường, tôi chỉ nghe những phàn nàn về công nhân cuối tuần là bày ra ăn nhậu, hát karaoke hoặc tiêu xài phung phí không chịu tích lũy.
Tôi nghĩ, trong chúng ta có rất ít người chịu khó tìm hiểu hoàn cảnh, môi trường sống và những bó buộc trong đời thường của họ nên chỉ thấy bề nổi là như thế. Vậy nên sẽ chẳng có một nhà làm phim nào chịu khó lăn lộn, tìm hiểu đời sống công nhân và khắc họa chân dung và cuộc sống thường ngày của họ lên phim để nhiều người xem và đồng cảm hơn.
Ở gần và chứng kiến nhiều gia đình, thanh niên làm công nhân, tôi thấy họ yêu đời, sống đơn giản và đa số dường như hiếm lắm mới có người thổ lộ những tính toán và lên kế hoạch gì đó thật dài hơi trong tương lai.
>> Bán sổ Bảo hiểm xã hội để mua xe máy
Các bài viết trước, tôi đọc bình luận thì thấy rằng một số bạn nói rằng nếu họ không làm công nhân thì ai làm công nhân? Xin trả lời rằng mỗi năm có hơn một triệu thanh niên trẻ thi đại học, không phải ai cũng may mắn đỗ vào một ngôi trường để theo học nên số đông còn lại sẽ học nghề, và một số làm công nhân nên chuyện lực lượng lao động phổ thông không là vấn đề lớn.
Hơn nữa việc làm công nhân vài năm đầu của tuổi trẻ vừa giúp thêm có kinh nghiệm, một số vốn tích lũy và trước mắt là giải quyết việc làm và có thu nhập. Nhưng nếu họ lại rơi vào cảnh chôn vùi tuổi trẻ như quy trình mà tôi đã trình bày thì lỗi do ai? Do cá nhân họ hay cũng có một phần là do sự thờ ơ, thiếu quan tâm của tất cả chúng ta?
Lê Bảo
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.