Nhà thơ người Anh, John Lydgate, từng nói rằng: "Bạn có thể làm hài lòng được một vài người trong suốt cuộc đời, hoặc tất cả mọi người trong một khoảng thời gian, nhưng không thể làm hài lòng tất cả mọi người trong cả cuộc đời". Quả đúng vậy, không ai có thể làm hài lòng tất cả, kể cả một nguyên thủ tài năng đưa ra một quyết định cho đất nước cũng chỉ có thể đạt tỷ lệ đa số.
Nói về chuyện ăn mặc của phụ nữ, trong thời gian vừa qua có nhiều bài viết về vấn đề các cô gái mặc sexy ra đường. Vậy thế nào là ăn mặc sexy? Khi lướt qua ánh nhìn của cộng đồng, khái niệm này sẽ bị chia ra hai trường phái đánh giá: một bên cho rằng như vậy là đẹp, trẻ trung và quyến rũ; số còn lại sẽ nghĩ rằng đó là lố lăng, mất nết, thậm chí có thể nặng hơn như gợi tình, khiêu dâm.
Như vậy, có thể thấy đánh giá một con người sẽ phụ thuộc vào tính cách, gu thời trang riêng của người nhìn, tất nhiên còn phụ thuộc vào không gian, thời gian như khi nào và ở đâu. Bạn không thể đi lễ chùa, nhà thờ hoặc những nơi tôn nghiêm với áo hai dây, váy ngắn chưa đầy gang tay, hay nhởn nhơ giữa phố chỉ với một mảnh vải đủ che những chỗ vùng kín. Tôi xin phép không bàn tới những cô gái ăn mặc kiểu bất chấp không gian, thời gian như trên.
Ngày nay, nhiều cô gái khi ra đường hay đi dự tiệc tùng, du lịch thường mặc đồ bó sát cơ thể, hay đầm ngắn để hở chút phần ngực, eo, đùi. Vậy kiểu ăn mặc như thế nên được xếp vào loại nào? Đâu là giao điểm giữa quyến rũ và hở hang? Rất tiếc nó chỉ được đánh giá trên cảm quan của mỗi người, mỗi thời đại. Khi xưa ông bà ta dạy rằng "nhìn mặt mà bắt hình dong" có phần đúng, cũng có phần sai, vì mỗi thời đại khác nhau sẽ có tư tưởng khác nhau.
Có một số đàn ông đánh giá rằng phụ nữ ăn mặc sexy đa phần là những người hướng ngoại, chỉ biết lo cho bản thân và không biết lo cho gia đình. Phải chăng họ đang có cái nhìn quá khắt khe dành cho phụ nữ? Có câu "Người đẹp vì lụa", là con gái ai chẳng thích mặc đẹp mọi lúc, mọi nơi. Mặc đẹp, đôi khi không phải để người khác ngắm, chỉ trỏ hay ghen tỵ, thèm muốn chiếm hữu, mà là để tăng thêm sự tự tin cho bản thân mình.
Cũng có câu "Chiếc áo không làm nên thầy tu", không thể nhìn qua cách ăn mặc mà có thể đánh giá được toàn bộ nhân cách của một con người. Một cô gái ăn mặc thoải mái, cởi mở không có nghĩa là cô ấy là người lẳng lơ, giả tạo hay gợi tình. Ngược lại, một cô gái ăn mặc kín đáo, đoan trang cũng không có nghĩa cô ấy hoàn toàn là người hiểu chuyện, biết cảm thông, biết lo toan hay chia sẻ.
Hở hang không có nghĩa là gợi cảm, nhiều người không hở vẫn thấy rất gợi cảm, trong khi có người hở nhiều nhưng lại thấy lố. Cái này nằm ở thần thái của mỗi người, nếu mặc vào một bộ đồ khiến họ thấy tự tin trước đám đông thì cứ mặc, đúng nơi đúng chỗ là được, chỉ bản thân mỗi người mới biết được điểm mạnh của chính mình là gì, cần ăn mặc, lựa chọn trang phục như thế nào để phát huy những điểm mạnh ấy mà không khiến mình thấy tự ti và không gây phản cảm cho người khác.
Vì thế, việc bắt một ai đó thay đổi gu thời trang theo ý của người khác, theo chiều hướng mà họ không hề muốn sẽ khiến họ cảm thấy mất tự tin, bị kiểm soát và không thoải mái. Đàn ông luôn có một suy nghĩ nghịch lý: họ thích ngắm các cô gái đẹp mặc hở, kể cả người đó đã có người yêu hay chồng, nhưng lại không thích người yêu hoặc vợ của mình ăn mặc quá sexy. Họ cố chấp không chịu hiểu cho suy nghĩ của phụ nữ, rằng đôi khi người con gái muốn chưng diện cũng vì muốn người yêu mình được hãnh diện với mọi người xung quanh.
Một cô gái khi nhận được sự chia sẻ, tôn trọng và thấu hiểu từ người đàn ông mình yêu thương thì chắc chắn lúc nào cô ấy cũng luôn tươi tắn, trẻ trung và xinh đẹp. Vì thế, đừng vì vài suy nghĩ áp đặt, gia trưởng về vẻ bề ngoài, qua cách ăn mặc của người phụ nữ, mà làm mất đi vẻ đẹp của một nửa thế giới.
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.