Chia sẻ quanh câu chuyện "Quấy rối tình dục", độc giả Tuân Hầm bày tỏ quan điểm phản đối tư tưởng "lỗi tại người bị hại":
"Hồi còn đi theo một nhà báo để học việc, tôi có gặp một bé gái tầm 13-14 tuổi. Em có một người chị gái, học Đại học rồi làm việc ở TP HCM - nơi cô đã chết vì trầm cảm sau khi bị nhiều đồng nghiệp nam quấy rối tình dục. Người chị đó rất xinh, có nụ cười má lúm đồng tiền và ánh mắt trong trẻo của núi rừng. Cô bé khóc khi nhớ chị, rất sợ người thành phố.
Đi nhiều nơi, tôi gặp khá nhiều trường hợp đau buồn. Những người tâm lý vững vàng thìxn nghỉ việc vì bị xâm hại tâm lý, thân thể, vì những kẻ nghĩ mình có quyền phê phán giới tính, cách ăn mặc của người khác. Những người này cho mình quyền kiểm soát, đánh giá những người không có ý định liên quan tới họ.
Mọi người có thể nhìn, hay làm bất kể điều gì mình muốn làm, miễn là đừng 'có ý định tác động đến người khác và thực hiện hành vi đó'. Một cô gái ăn mặc gợi cảm không có nghĩa là gợi dục - hai điều này hoàn toàn khác nhau. Đừng nghĩ mình có quyền tấn công tình dục người khác vì "bản năng" rồi viện lý do đối tượng ăn mặc gợi cảm hay 'tôi thấy cô ta quá sexy'. Bất kể là nam hay nữ, hãy chiêm ngưỡng cái đẹp một cách lịch sự.
Tôi nhìn thấy một vài bình luận ví điều này cũng giống như việc người đeo vàng khiến kẻ cướp chú ý. Trộm cắp mới là việc cần lên án, lỗi không phải tại người đeo vàng. Hãy dừng việc cổ súy cho quan điểm 'người bị hại có tội'".
Đồng quan điểm, bạn đọc khẳng định Yuriko Manami cũng khẳng định:
"Thật đáng buồn khi một vụ quấy rối (hay các tội ác tình dục nói chung) xảy ra, thay vì lên án, chỉ trích thủ phạm - kẻ làm sai, thì một bộ phận không ít người lại làm ngược lại, cố gắng móc nối (một cách mặc nhiên và vô cảm) trang phục nạn nhân đã mặc với sự việc mà họ gặp phải. Thay vì nói về đạo đức, nhân cách của thủ phạm thì người ta nói về quần áo và hành động của nạn nhân.
Vẫn còn không ít người tư duy kiểu 'ai bảo cô ta ăn mặc hở hang như vậy làm gì', 'không phải đang mời gọi sao', 'cô ta bị vậy phải rồi', 'sao không mặc kín đáo hơn'... Đáng buồn khi đổ lỗi cho nạn nhân như vậy, đầy tàn nhẫn và bất công.
1. Tôi không cổ xuý cho việc ăn mặc lố lăng, phản cảm, không phù hợp nơi làm việc. Tôi vẫn cho rằng trang phục phải phù hợp hoàn cảnh.
2. Theo luật, mỗi người có quyền bất khả xâm phạm về thân thể và nhân phẩm. Nên, mặc kệ bạn có suy nghĩ xấu xa hay không, bạn cũng không có quyền tuỳ tiện động chạm đến cơ thể của bất kỳ ai. Bạn có thể nói xấu ai đó trước mặt họ, tuỳ bạn, điều đó nói lên con người bạn chứ không nói lên bản chất của người mà bạn nói xấu.
3. Bạn đừng lôi những bậc cổ nhân ra để làm cái cớ, Nho giáo của cổ nhân cũng đã kìm kẹp, bủa vây phụ nữ, gây bất công cho phụ nữ trong hàng nghìn năm tới tận ngày nay, trên cả vùng văn hoá Đông Á đó thôi.
4. Đừng cổ xuý việc đổ lỗi cho nạn nhân. Nếu bạn nói một phụ nữ ăn mặc vô duyên, không phù hợp thật chướng mắt, cô ấy cần bị chê trách và cần được nhắc nhở, để ăn mặc phù hợp hơn, thì tôi hoàn toàn đồng ý. Nhưng nếu bạn tư duy rằng trang phục ngắn hay hở của phụ nữ là nguồn gốc của tội lỗi, của những tội ác tình dục, thì tôi kịch liệt phản đối và lên án. Vì pháp luật không nói như vậy.
Trang phục của phụ nữ là vật vô tri, không có lỗi, và phụ nữ lại càng không có lỗi khi mặc chúng. Đàn ông có thể có suy nghĩ đen tối nhưng từ suy nghĩ dẫn đến lời nói và hành động lạm dụng, gây khó chịu hay tổn thương cho người khác, thì đó là lại là chuyện khác.
Xin nhắc lại, phụ nữ mặc hở hang hay kín đáo, chưa bao giờ có nghĩa là mời gọi hay gợi dục. Chỉ có tự những người thiển cận suy nghĩ lệch lạc, méo mó. Không ai có quyền nói rằng, cô kia mặc hở như vậy thì cô ấy đáng bị quấy rối hay cưỡng hiếp. Năm 2020 rồi, hãy văn minh lên.
>> Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.