Tiêu chuẩn về phụ nữ Việt Nam thường bị đánh giá một cách thiếu cởi mở. Nhìn về lịch sử, người phụ nữ Việt vốn được đánh giá bởi góc nhìn Nho giáo "công, dung, ngôn, hạnh". Từ văn học, thơ ca, âm nhạc cho đến đời sống hình ảnh truyền thống của người phụ nữ Việt là người bà, người mẹ, người chị tần tảo, hy sinh vì gia đình.
Vô hình trung nó gắn phụ nữ với những trách nhiệm như một dạng luật lệ không chính thức đó là phải chăm con con cái, lo nữ công gia chánh, luôn hy sinh và luôn thiệt thòi so với đàn ông.
Để rồi ngày nay, khi xã hội dành nhiều sự quan tâm cho "phái yếu" nhiều hơn trước thể hiện qua việc những dịp Quốc tế Phụ nữ 8/3, Ngày phụ nữ Việt Nam 20/10 được tổ chức rầm rộ với những cơn mưa hoa, quà, lời chúc tràn ngập mạng xã hội, liệu đó có phải là điều phụ nữ Việt nói chung thực sự mong muốn.
Phụ nữ Việt Nam có nhiều đóng góp cho xã hội. Từ xa xưa, phụ nữ Việt đã có những anh hùng như Hai Bà Trưng, Bà Triệu đứng lên đánh đuổi giặc ngoại xâm, nữ anh hùng của quân đội nhân dân Việt Nam Nguyễn Thị Chiên, nữ tướng Nguyễn Thị Định... những nữ nhân tài hoa nức tiếng như: Hồ Xuân Hương, Bà Huyện Thanh Quan, Xuân Quỳnh...
Phụ nữ Việt là người mang lá cờ đầu của Việt Nam đến với bạn bè quốc tế. Trong lĩnh vực thể thao có VĐV Hiếu Ngân là người Việt đầu tiên đạt huy chương bạc Olympic; bóng đá nữ đã có vé dự vòng chung kết World Cup, thứ vẫn là ước mơ của bóng đá nam nước nhà. Trong giới khoa học, phụ nữ Việt cũng thể hiện trí tuệ xuất sắc, lĩnh vực kinh tế cũng vậy.
Bình đẳng giới cần được hiểu đúng là đòi hỏi những quyền lợi chính đáng từ cả hai giới thứ vốn được gắn là trách nhiệm của giới kia dẫn đến những hiệu ứng tiêu cực như nam tính độc hại, nữ tính độc hại.
Dù không phải tất cả, trong những dịp lễ dành riêng cho họ, nhiều phụ nữ Việt muốn nhận được sự quan tâm đặc biệt từ người thân, xã hội thứ mà cả hai giới đều có nhu cầu như nhau. Sẽ là tích cực nếu có nhiều ngày vinh danh đóng góp của phụ nữ cho xã hội nhưng điều này vô hình trung khiến phụ nữ trở nên khác biệt so với nam giới khi từ một đối tượng bình đẳng họ trở thành đối tượng được đối xử như những người yếu thế.
Khi mà bình đẳng giới giờ đây đã trở thành chuẩn mực xã hội, đồng nghĩa với việc đàn ông và phụ nữ đều phải chia sẽ, gánh vác trách nhiệm cho nhau tùy theo thế mạnh của từng cá nhân chứ không gắn với khái niệm giới.
>> Những cách để phụ nữ đẹp hơn mỗi ngày
Những bó hoa, quà, lời chúc đang mất dần giá trị. Phụ nữ hay đàn ông luôn cần được người thân và xã hội quan tâm từ những vấn đề vĩ mô của chính sách hay những nếp sinh hoạt hằng ngày.
Ngược lại với đàn ông, có cần phải cố gắng để tìm mua một thứ gì đó hay đăng lên mạng xã hội những lời chúc mà chính phụ nữ cũng không muốn bấm like. Hoa, quà, lời chúc là biểu hiện của sự tốt đẹp nhưng khi nó được sử dụng quá nhiều, giống nhau, cùng một thời điểm, giá trị của nó dần mất đi.
Có chăng thay vì những món quà lời chúc vào dịp 8/3, 20/10 hãy thể hiện tình yêu thương cho nhau bất cứ khi nào có thể, để mỗi ngày đều là dịp để tôn vinh giá trị của nhau.
Đỗ Bằng Trình
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.