Các đầu bếp, nhà thiết kế thời trang giỏi... toàn là nam giới thường được xem như là một nghịch lý. Vì phụ nữ dù giỏi nấu ăn đến đâu, đa phần cũng sẽ (bị ép buộc, dù có thể bản thân còn không ý thức được) đi vào hôn nhân và cuộc sống gia đình.
Trong đó, họ không còn có được không gian, thời gian, sức khoẻ (cả thể chất lẫn tinh thần) để đeo đuổi đam mê, phát triển thế mạnh một cách trọn vẹn, xứng đáng với tiềm năng của họ nữa. Đó là góc cạnh cá nhân và gia đình.
Về phía cộng đồng và xã hội, nam giới cũng được thừa hưởng rất nhiều đặc quyền vô hình đơn giản chỉ vì họ là nam (male privilege).
>> Những người phụ nữ độc thân trong biệt thự, penthouse
Ví dụ, ở rất nhiều nơi tại Mỹ, cùng một ngành nghề, cấp bậc, bằng cấp, nữ chỉ được trả từ 70 cents - đến 83 cents cho mỗi một đô la mà nam được trả (30% là một chênh lệch cực kỳ lớn).
Đó là tôi đang nói đến chênh lệch đồng lương (wage gap) chứ chưa nói đến chênh lệch về mức sở hữu (wealth gap), mà theo như thống kê năm nay của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ thì trung bình mỗi phụ nữ chỉ sở hữu 32 cents cho mỗi một đôla mà đàn ông sở hữu.
Việc không có được động lực kinh tế này (economic incentives) làm mất đi thế đứng lẫn động lực để phụ nữ theo đuổi công việc mà lẽ ra họ đã có thể hoàn thành bằng, hoặc xuất sắc hơn cả, nam giới.
Một ví dụ nữa về những sức cản "vô hình" đối với nữ giới là việc phụ nữ phải chịu thêm những thứ thuế như:
1. Thuế sắc đẹp (beauty tax) họ phải trả để mua sắm mỹ phẩm, bảo dưỡng sắc đẹp, do ngoại hình ảnh hưởng đến công việc của họ (rất) nhiều hơn nam giới.
2. Thuế Hồng (pink tax) - tức số tiền chênh lệch giữa giá thành sản phẩm cho nữ so với cho nam (vì thiên kiến - bias - của nhà sản xuất và marketing sản phẩm).
Theo một thống kê của Consumer Reports, thì tại Mỹ, sản phẩm dành cho nữ cao hơn sản phẩm y như thế mà dành cho nam từ 7% đến tận 50%, tuỳ vào mặt hàng. Và ngay hiện nay ở Mỹ, vẫn còn 27 trên 50 bang đánh thuế vào các sản phẩm tampons hay vệ sinh cá nhân khác mà phụ nữ dùng. Chỉ riêng ở khoản này, ước tính các bang này mỗi năm lời được 120 triệu đôla Mỹ từ khách hàng nữ giới của họ.
>> 'Phụ nữ nội trợ tương đương kiếm chục triệu đồng'
Những điều này có nghĩa là gì khi bàn về vị trí của người phụ nữ trong tư cách người tiêu dùng? Nó có nghĩa là phụ nữ không được trả lương và có cơ hội thăng tiến như nam giới. Mãi lực (sức mua, purchasing power) của họ thấp hơn nam giới (rất nhiều).
Nhưng, họ lại phải chịu gánh nặng của các thứ thuế vô hình như đã kể, dẫn đến số tiền họ phải trả - với sức mua thấp đó - lại nhiều hơn số tiền mà những người tiêu dùng là nam giới phải trả cho cùng một sản phẩm.
Tựu chung, điều tôi muốn nói ở đây là phụ nữ gặp rất nhiều chướng ngại vật trên con đường theo đuổi và phát triển sự nghiệp so với nam giới. Ngoài những rào cản truyền thống, văn hoá, xã hội, còn có những rào cản kinh tế được dựng lên từ tình trạng bất bình đẳng giới còn lan tràn ở mọi mặt trong xã hội hiện đại.
Dù hoàn cảnh, lý do dẫn đến sự thành công vượt bậc của đàn ông ở những lĩnh vực bạn kể thì đúng là rất vô lý và cần được thay đổi nhanh.
An Tư
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.