"Có nên dành dụm tiền bạc cho con sau này?", đó là chủ đề khiến vợ chồng tôi tranh cãi suốt mấy tuần gần đây. Tôi muốn dùng hết khả năng có thể để đầu tư cho con ngay từ bây giờ, trong khi vợ lại muốn tiết kiệm, gom góp thành một khoản cho con trong tương lai. Ai cũng có cái lý của mình, nên đến giờ chúng tôi vẫn chưa thể tìm được tiếng nói chung.
Trong suy nghĩ của vợ, con cái chỉ cần học trường công bình thường, học phí rẻ, học thêm mấy môn cơ bản như chúng bạn, cốt sao để theo kịp chương trình trên lớp, sau này đỗ vào đại học, rồi lấy bằng ra trường như bao đứa trẻ Việt khác. Vợ muốn sau này, khi con chính thức bước vào đời, sẽ có một khoản tiền đủ lớn để trang trải chi phí, tìm kiếm cơ hội và nhờ thế cuộc sống sẽ dễ dàng hơn. Vợ lấy những câu chuyện về các tỷ phú, người nổi tiếng hàng đầu thế giới đã thuận lợi và thành công thế nào khi có bệ phóng gia đình khi bắt đầu lập nghiệp.
Tôi không hề nói tư tưởng ấy là sai lầm. Xét một mặt nào đó, nó đúng với nhiều người. Bản thân tôi cũng từng hiểu rất rõ điều này ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Trong đám bạn mà tôi hay chơi, nhiều người có gia đình giàu có, cha mẹ có điều kiện đã sớm ổn định được cuộc sống sau khi ra trường. Họ nhanh chóng tìm được công việc tốt, không mất nhiều thời gian để mua nhà, mua xe, không bao giờ rơi vào cảnh túng quẫn, chạy ăn từng bữa. Đó là hình mẫu mà chúng tôi hay gọi vui là "sướng từ trong trứng nước".
Vậy chắc sẽ có người hỏi tôi rằng "chẳng lẽ không muốn con sướng như vậy sao?". Thực ra không hẳn vậy. Cha mẹ nào chẳng muốn con mình được hưởng phú quý. Nhưng tôi tin có nhiều cách để dẫn tới thành công, hạnh phúc, giàu sang. Với tôi, khoản đầu tư có giá trị nhất cho con là dành cho hiện tại. Tôi muốn dùng tài chính hiện có, cho con học thêm các lớp kỹ năng, ngoại ngữ, cho con được trải nghiệm nghề nghiệp nhiều hơn, để con tự trang bị cho mình những hành trang cần thiết trước khi bước vào đời.
>> Áp lực thừa kế tài sản cha mẹ
Là một người tự bước trên đôi chân của mình ngay từ nhỏ, đến giờ cũng tạm gọi là thành đạt ở tuổi 40 khi có nhà, xe, đất đai và tiền bạc, tôi lại càng muốn con sớm có được những thứ tôi không có ngày trước. Tôi không được học hành nhiều thuở nhỏ, đa phần chỉ là học trên lớp. Sau này lên đại học, tôi mới đi làm thêm, kiếm tiền trang trải học phí và tham gia các lớp ngoại ngữ, chuyên môn. Vì thế, khi ra trường, tôi xuất phát chậm hơn bạn bè cùng lớp, vừa làm vừa học để bổ sung kiến thức và kỹ năng cho riêng mình.
Không chỉ làm công việc chính ở văn phòng, tôi tiếp tục học hỏi, tìm hiểu thêm về chứng khoán, bất động sản để tham gia đầu tư trên nhiều lĩnh vực. Quãng thời gian ấy, tôi gần như chẳng có thời gian để nghỉ ngơi, ngày đi làm, tối về lại đi học đây đó. Sau nhiều năm tích lũy, cuối cùng tôi cũng đạt được những thành công nhất định, tài chính tốt dần lên để mua nhà, cưới vợ.
Hiểu rõ hơn ai hết những nỗi vất vả và sự đánh đổi khi không được học hành, trải nghiệm từ sớm, nên tôi không muốn con cũng lại như vậy. Nếu chỉ làm cả đời rồi để cho con một cọc tiền, tôi e rằng con sẽ hiểu được giá trị sức lao động mà cha mẹ đã phải bỏ ra để có được nó. Tôi sợ con sẽ không học được cách làm số tiền ấy sinh sôi, hay chí ít là không thấy được niềm vui khi lao động. Ngược lại, nếu tôi đầu tư cho con ngay từ bây giờ, chúng sẽ lớn lên và ra đời với một số vốn không phải tiền bạc mà là kiến thức, kỹ năng - những thứ sẽ theo con suốt cả cuộc đời này. Đó sẽ là công cụ để con tự kiếm sống và tồn tại trong mọi hoàn cảnh.
Trong một cuộc nói chuyện gần đây, một người bạn của tôi tâm sự rằng, anh đã tích lũy được số tiền khá lớn trong tài khoản ngân hàng để dành cho con. Anh nói vui rằng "số tiền ấy có lẽ đến đời cháu cũng không dùng hết". Tôi hỏi anh "sao phải vất vả như vậy?". Anh nói: "Quá nửa đời người tôi mới thoát được nghèo đói, nên để lại của cải cho con cháu là để chúng không rơi vào hoàn cảnh như tôi". Tôi tin những lời nói ấy là thật lòng.
>> Thế hệ sống tầm gửi vì thừa kế tài sản cha mẹ
Thực ra, với tư tưởng Á Đông, cha mẹ làm được 10 phần thì luôn muốn để dành cho con cái 5-6 phần. Chúng ta vẫn luôn quan niệm rằng phải dành dụm tiền cho con cháu, như thế mới làm cho cuộc sống của chúng sau này tốt hơn. Nhưng tôi thì nghĩ khác, con cái tự có phúc của chúng. Nếu con cái giỏi hơn ta thì chúng cần tiền của cha mẹ để làm gì? Ngược lại, nếu chúng kém cỏi, thì dù cha mẹ có để lại cả núi tiền thì rồi cũng sẽ hết, chẳng để lại giá trị gì.
Thực tế, có nhiều tỷ phú nước ngoài dùng hầu hết gia tài cả đời của mình để đi làm từ thiện. Warrent Buffet là một trong số đó. Ông đã dành 99% tài sản của mình cho các hoạt động xã hội thay vì để lại cho con. Chính con ông cũng đã tới tìm cha để vay tiền và bị từ chối. Cậu đã rất giận dữ, sau đó tìm đến ngân hàng để vay. Nhưng cũng trong chính thời gian trả nợ ngân hàng, cậu đã học được rất nhiều điều trong cuộc sống và công việc, để rồi nhận ra rằng quan điểm của cha là hoàn toàn đúng đắn.
Tôi cũng muốn trở thành một người cha như vậy, yêu thương nhưng luôn chặt chẽ với con về mặt tiền bạc vì chúng luôn là con dao hai lưỡi, có thể khiến chính con bạn bị thương. Với tôi, thứ quan trọng nhất không phải là con mình có nhiều tiền hay không mà là sự trưởng thành, chín chắn và mạnh mẽ của con. Bởi chắc gì con tôi đã hạnh phúc trên một đống tiền, chắc gì nó đã muốn dành cả đời để kiếm nhiều tiền như cha mẹ chúng? Thế nên tôi chọn chuẩn bị cho con tất cả những gì cần thiết nhất ngay từ bây giờ, để con có thể tự tin lựa chọn con đường đi cho riêng mình trong tương lai.
Có lẽ cả hai vợ chồng tôi đều chỉ muốn tốt cho con. Là một người mẹ, vợ tôi muốn chọn cho con một con đường dễ dàng và bằng phẳng nhất. Còn tôi, với tư cách một người cha, lại muốn con trai mình tự đứng được trên đôi chân mình mà không cần cha mẹ phải nâng đỡ, tuy rằng điều đó có phần mạo hiểm và khó đoán định hơn.
Thay vì cho con "ngậm thìa vàng" ngay từ vạch xuất phát, tôi mong con có thể tự tạo ra những chiếc thìa vàng, thìa bạc của riêng mình.
>> Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.