"Để lại gì cho con?", nhiều độc giả VnExpress lựa chọn cách để con tự kiếm sống thay vì cố dành dụm tài sản cho con thừa kế:
Đầu tiên, tôi dạy cho hai con nhỏ của mình biết sống tử tế với bản thân, với gia đình và xã hội. Thứ hai, tôi giúp con khám phá bản thân, biết nuôi dưỡng ước mơ. Hướng phấn đấu là con sẽ tự lực đi du học ở một đất nước hiện đại (Singapore, Australia...) để học hỏi điều mới lạ và văn minh, biết vẽ con đường mình đi khi trưởng thành.
Thứ ba, tôi cũng con rèn luyện thể chất, ý chí bên cạnh việc học hành. Thứ tư, tôi giúp con biết quản lý tài chính cá nhân (thông qua tiết kiệm tiền mừng tuổi, tiền thưởng khi làm việc nhà, giúp đỡ mẹ) và truyền đạt việc quản lý tài chính gia đình khi con đến tuổi lập gia đình.
Cuối cùng, hai vợ chồng tôi đã nói rõ với con rằng "tiền, nhà, tài sản của ba mẹ là của ba mẹ, các con phải tự kiếm và tự lo cho bản thân mình". "Chim lớn phải rời tổ", chúng phải tự lực đi làm, tự mua căn nhà đầu tiên từ tiền kiếm được và tiết kiệm cho bản thân. Nếu may mắn có dư thì các con có thể học thêm cách đầu tư. Tài sản của hai vợ chồng tôi sẽ chỉ được chuyển giao lại cho con sau khi chúng tôi không còn nữa.
Để lại cho con tốt nhất là dạy trẻ tự lập, biết yêu điều tốt, biết ghét cái xấu, chịu khó học tập, biết giúp đỡ việc nhà, không dựa dẫm vào người khác. Tới tuổi trưởng thành phải biết tự chịu trách nhiệm với những việc mình làm. Đó là những thứ để lại cho con thiết thực nhất.
Chúng ta có sống với con cả đời được đâu, tài sản để lại có cao hàng núi nhưng con chỉ biết ăn chơi thì cũng hết, rồi trở thành kẻ bất lương, vậy có ích gì?
Tôi rút ra kinh nghiệm là không nên cho con cái tài sản lớn, mà chỉ giúp chúng một ít/ hoặc cho mượn lúc con khởi nghiệp, hay mua căn nhà đầu tiên. Thực sự, nếu không được sự trợ giúp ban đầu của ba mẹ, để mua căn nhà hoàn toàn bằng tiền kiếm được sẽ rất vất vả.
Tôi thấy, nhiều cha mẹ cho con nguyên căn nhà nhưng chúng đâu có biết ơn và cũng không hiểu được rằng cha mẹ mình đã phải lao động vất vả, tiết kiệm như thế nào mới mua được. Rồi khi bạn về già, chưa chắc chúng đã chăm sóc mình chu đáo, nên tốt nhất tiền đó cứ để lo cho tuổi già và hạn chế làm phiền con cái.
>> Anh em trở mặt khi bán đất thừa kế
Ngày mấy anh em tôi ra trường là ngày cha đổ bệnh và mất sau vài tháng. Trước đó, mẹ có hỏi cha rằng "nhà không có tiền, ông có muốn bán đất không?". Cha trả lời rằng "nếu hết được bệnh thì cứ bán hết vì các con đã đủ hành trang để vào đời".
Đến nay, mấy anh em tôi đã mua lại gần như là gấp nhiều lần số đất đã bán đi. Tôi cũng như cha, cứ nuôi con cho thật tốt, cho con ăn học tới nơi tới chốn, còn của cải có thì tốt, không thì thôi. Tôi mong con được đi trên đường đời bằng chính đôi chân của mình.
Tôi thường nhìn thấy lối chiều con vô lối của các ông chủ lớn. Kết cục là khi họ mệt mỏi cũng không dám nghỉ vì con giỏi nhất là trò ăn chơi, không hề học việc lẫn học tri thức dù được đầu tư cho đi du học khắp nơi.
Con tôi có tư tưởng không hưởng thụ tài sản của bố mẹ. Khi nhỏ, con được đầu tư học hành, được lựa chọn ngành để du học theo sở thích, ngoài ra là kỹ năng sống và các môn ngoại khóa. Con biết bố mẹ chỉ nuôi đến khi 18 tuổi, sau đó có thể được đầu tư học tiếp nếu có khả năng hoặc đi làm. Tôi không ép con học, tự suy nghĩ mình thích gì mà phấn đấu, tự mình chịu trách nhiệm. Tôi chỉ giáo dục để con biết suy nghĩ cho tương lai xa chứ không sáo rỗng kiểu "học đi con".
Học chỉ là một khía cạnh, còn lại các thứ khác cũng cần cho tương lai, đó là sự khéo léo trong giao tiếp, biết làm tốt việc nhà, hiểu biết về nghệ thuật, biết đàn vài loại nhạc cụ, khiêu vũ, bơi lội, diễn thuyết, cách giảm stress... Những điều đó được đầu tư bằng tâm huyết và tiền bạc. Tôi cho con trí tuệ chứ không hứa hẹn cho nhà cho đất. Con biết bố mẹ và ông bà nội ngoại đều có tài sản, nhưng không phải để cho con, con phải tự đứng trên đôi chân của mình, không ai chấp nhận con là kẻ lười biếng, ăn bám.
Việt Thành tổng hợp
>> Bạn sẽ để lại gì cho con? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.