"Tủ sách" và "ngôi nhà" cái nào nặng, cái nào nhẹ? Trong câu 'Để lại cho con tủ sách tốt hơn một ngôi nhà', "tủ sách" ở đây còn là trí tuệ, kinh nghiệm sinh tồn, kỹ năng kiếm tiền, hòa nhập cộng đồng, xã hội, kỹ năng để gia nhập thị trường lao động, công việc... "Ngôi nhà" ở đây là chỉ việc cha mẹ để lại cho con cái vật chất hưởng thụ cuộc sống mà không cần phải đụng tay kiếm lấy nó.
"Tủ sách" của con người đã thay đổi thế nào?
1. Thời kỳ xã hội nguyên thủy, hoặc các thời kỳ có sự tự do chiếm hữu tư liệu sản xuất mà không bị tranh chấp: Thời kỳ này thường diễn ra chủ yếu trước công nguyên, và những xã hội chậm phát triển trước thời kỳ khai sáng, hoặc ở những quốc gia đất rộng, người thưa, chậm phát triển. Con người lúc này tự do chiếm hữu, sử dụng tài nguyên thiên nhiên, tư liệu sản xuất mà ít khi tranh chấp với người khác. Thời kỳ này, ngoài các thầy mo, thầy tế, thầy cúng, phong thủy, quý tộc, gần như người dân từ chối giáo dục. Việc chỉ lao động chân tay đơn giản cũng có của ăn, của để, thậm chí chỉ khai thác trong tự nhiên cũng có cái ăn nên việc giáo dục với họ lúc này bằng thừa, chỉ mất thời gian.
2. Thời kỳ xuất hiện xung đột tranh giành tư liệu sản xuất, không gian sinh tồn, chế độ chủ nô và nô lệ: Thời kỳ này con người trở nên đông đúc hơn, các lợi ích xung đột khi mà tự nhiên, nguồn lợi đến từ tư liệu sản xuất không đủ để chia bình đẳng cho mọi người. Việc xung đột sinh kế và không gian sinh tồn đã buộc các bộ tộc xâm chiếm lãnh thổ của nhau, cướp phá và bắt cóc tù nhân làm nô lệ...
Có thể thấy, thời kỳ này vẫn để lại những dấu hiệu rất rõ ràng tới thời hiện đại, dễ thấy nhất là xung đột giữa các bộ tộc sa mạc, du mục với các bộ tộc đồng bằng châu thổ. Lúc này, việc có được "ngôi nhà" và các tư liệu sản xuất cũng quan trọng, cần thiết liên quan đến sinh kế trực tiếp nhưng xuất hiện một yêu cầu mới là phải có lực lượng bảo vệ của cải, tài sản, tính mạng... Do đó, xuất hiện thêm tầng lớp binh lính. Thời kỳ này chủ yếu bảo vệ sinh kế bằng các công cụ đơn giản.
Tủ sách vẫn chưa phải là ưu tiên, chính sức mạnh sẽ quyết định ai thắng, ai bại trong tranh giành tư liệu sản xuất và không gian sinh tồn. Tầng lớp kỵ sĩ, binh gia sẽ trở nên giàu có do nhờ sức mạnh có thể lập công chiếm giữ đất đai, được ban thưởng, được có nô lệ, tài sản thu được từ các cuộc chiến. Chính sức mạnh và lòng gan dạ sẽ quyết định nhiều tới thành bại.
3. Thời kỳ tranh giành tư liệu sản xuất, không gian sinh tồn bằng "binh pháp và binh thư", chế độ phong kiến: Sau thời kỳ tranh giành tư liệu sản xuất bằng sức mạnh đơn giản, đã xuất hiện các "thần binh lợi khí" mang tính sát thương hàng loạt như cũng tên, nỏ liên hoàn, máy bắn đá. Các cuộc chiến tranh lúc này dựa vào sức mạnh của vũ khí đã làm cho yêu cầu tất yếu đặt ra là phải có đường lối chiến tranh linh hoạt, đúng đắn và lợi dụng được các loại "thần binh lợi khí" này.
Lúc này, tầng lớp giàu có và được trọng dụng trong xã hội không chỉ là các chiến binh mà còn là các tu sĩ, tăng lữ nghiên cứu vũ khí, chiến thuật chiến tranh. Một cuốn binh thư, một cuốn sách chế tác vũ khí lúc này có giá trị "muôn vạn lạng vàng". Các bạn thường thấy những tu sĩ, tăng lữ, người luyện binh pháp lúc này được quốc gia trọng dụng, lương thưởng được trả bằng hàng nghìn lượng vàng mỗi năm, được phong đất, phong ấp ăn lộc nhiều đời không hết.
Đối với binh gia mà không có "tủ sách" thì chỉ là hàng xoàng, khó có công lao, sống trong nghèo khổ, thậm chí thương tật còn không có tiền. Tủ sách với giới nhà binh là "thần đẳng thượng khí". Với dân thường thì lúc này họ chỉ sống nhờ vào sự bảo vệ của các binh gia nên cũng không thực sự quan tâm tới chuyện "tủ sách", họ chỉ quan tâm tới mảnh ruộng và các khoản thuế phải nộp.
4. Thời kỳ tranh giành tư liệu sản xuất, không gian sinh tồn bằng "vũ khí hiện đại", chủ nghĩa thực dân, chủ nghĩa đế quốc: Thời kỳ này thì ngoài sự thống trị của giới binh gia, còn nổi lên sự thống trị của giới thương nhân tư bản. Do thời kỳ này dân số loài người đã tăng lên nhiều lần, nhu cầu về tài nguyên thiên nhiên ngày càng lớn, đặc biệt trong khai thác tài nguyên phục vụ cho nền công nghiệp. Các cuộc tranh chấp tư liệu sản xuất trong nước không còn đủ hấp dẫn vì đã có hệ thống pháp luật hoàn chỉnh, quyền sở hữu của con người được đảm bảo ở mức độ nhất định.
Việc khai thác tư liệu sản xuất trong nước ở châu Âu cũng không mang lại nhiều giá trị đủ hấp dẫn do đã tới giới hạn của năng suất sản xuất. Việc đi khai phá và mở rộng các phát kiến địa lý đã tạo ra các thuộc địa phục vụ cho việc buôn bán, giao thương toàn cầu, cũng như mở rộng hệ thống tư liệu sản xuất. Các quốc gia nhanh chóng thành lập các đoàn thương gia bằng qua sa mạc hoặc các vùng biển tìm đến các vùng đất mới để tìm hương liệu và tài nguyên cho nền công nghiệp. Các khu đồn điền, thuộc địa ở nước ngoài nhanh chóng được lập nên.
Đây cũng là thời kỳ xuất hiện hình thức đầu tư cổ phiếu, khi mà các thương gia cần tổ chức các đoàn thuyền buôn với chi phí lớn, được góp tiền từ các nhà đầu tư khác. Thời kỳ này, ngoài việc trở thành binh gia, các sách về hàng hải, về buôn bán mậu dịch sẽ lên ngôi. Đặc biệt là các chuyên gia chế tạo vũ khí được trả lương hàng nghìn lượng vàng mỗi năm.
>> Tủ sách 'cần câu' - ngôi nhà 'con cá'
5. Thời kỳ tranh giành tư liệu sản xuất, không gian sinh tồn trên biển, phi thực dân hóa: Sự vùng dậy mạnh mẽ của các hệ thống thuộc địa đã chấm dứt thời kỳ thực dân, nhưng việc tranh giành tư liệu sản xuất và không gian sinh tồn không chấm dứt mà tiếp tục chuyển hóa. Dưới thời kỳ này, hầu hết các vũng lãnh thổ đã được khai sáng, có quốc gia, có quân đội, có chủ quyền nên việc xâm lược thuộc địa kiểu thực dân không thể tiếp tục vì chi phí chiến tranh là rất lớn. Các vùng biển trở thành khu vực tranh chấp lớn.
Các nghiên cứu về các đế quốc đầu tiên của thế giới đều chỉ ra rằng những quốc gia ven biển như Anh, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha đều trở nên nhanh chóng hùng mạnh nhờ tập trung thương mại quốc tế đường biển và phát triển lực lượng hải quân hùng hậu để bảo vệ các đội thương thuyền. Từ đó, mở ra một loạt các nước học theo phòng trào này. Đầu tiên phải kể tới Mỹ. Học thuyết sức mạnh biển mở ra đã khiến người Mỹ nhanh chóng phát triển hải quân nhờ đó buôn bán, và giao thương khắp thế giới. Có thời kỳ cao điểm, người Mỹ chiếm tới 50% các tàu thuyền trên biển.
Người Nhật cũng nhanh chóng giác ngộ vấn đề này, ra sức phát triển hải quân. Đỉnh cao là vụ Trân Châu Cảng đã phô diễn được sức mạnh hải quân của Nhật. Nhưng ở thời kỳ này, những ngành liên quan đến hàng hải sẽ lên ngôi, có cuộc sống rất tốt, các sách về hàng hải được xem là báu vật, đặc biệt là quyển sách "sức mạnh biển" của Alfred Mahan. Alfred Mahan cũng là một trong những nhà tư tưởng, chiến lược gia ảnh hưởng nhất mọi thời đại của Mỹ. Thời kỳ này sẽ còn tiếp tục diễn ra song song với các giai đoạn sau này.
6. Thời kỳ tranh giành tư liệu sản xuất, không gian sinh tồn trên không gian số: Thời kỳ này xảy ra bùng nổ dân số. Để có thể duy trì một quốc gia đông dân, các cuộc cách mạng trong nông nghiệp đã diễn ra nhằm nâng cao năng suất sản xuất của nền công nghiệp nhằm đảm bảo an ninh lương thực. Nhưng hệ thống tư liệu sản xuất ngày càng bị thu hẹp. Khi hệ thống sản xuất nông nghiệp trong nước không đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng trong nước thì các nước có nền nông nghiệp phát triển, còn nhiều dư địa nông nghiệp sẽ là tâm điểm của tranh chấp.
Đương nhiên việc tranh chấp lúc này không chỉ phải đơn thuần là chiếm đóng và cướp bóc mà là trao đổi buôn bán mậu dịch. Các quốc gia sẽ nhanh chóng phát triển công nghiệp và nền kinh tế tri thức để có thể xuất khẩu kiếm tiền rồi dùng tiền đó để mua hàng hóa tiêu dùng, nông nghiệp ở các quốc gia nông nghiệp. Một mặt, họ cũng nâng cao năng lực sản xuất nông nghiệp trong nước. Việc tham gia hệ thống kinh doanh, buôn bán toàn cầu gần như là tất yếu, và bất kỳ quốc gia nào cũng muốn sở hữu được sản phẩm có thể đổi lại được nhiều giá trị nhất trong việc buôn bán này.
Ngoài dầu lửa (vàng đen), các sản phẩm công nghệ cao như vi mạch, vi chíp... là một lợi thế rất lớn. Thời kỳ này, quốc gia nào, người lao động nào sở hữu được các "tủ sách" về công nghệ sẽ chiếm lợi thế rất lớn. Các chuyên gia công nghệ có thu nhập ít nhất là 500 triệu mỗi năm, nhiều năm kinh nghiệm có thể có mức thu nhập hàng tỷ đồng. Thời kỳ này vẫn đang diễn ra. Ở Việt Nam, các bạn không lạ những Youtuber, hay nhà làm game, phần mềm có thu nhập hàng chục tỷ mỗi năm.
"Ngôi nhà" của con người đã thay đổi thế nào?
Đất là một trong những tài nguyên quan trọng mà ở trên đó các hoạt động sản xuất kinh tế của con người được diễn ra. Nhưng giá trị đất đai đã tăng chóng mặt đặc biệt trong những năm gần đây.
1. Thời kỳ không tranh chấp: Thời trước, khi mà nhà cách nhà cả cây số, hai nhà hàng xóm không nhìn thấy mặt nhau, đi ra đường sợ đụng phải sói, hổ báo hơn đụng xe, gần như không có tranh chấp nguồn tài nguyên này.
2. Thời kỳ tranh chấp để kiểm soát sản xuất nông nghiệp: Thời kỳ này con người sống phụ thuộc vào năng suất sản xuất nông nghiệp là chính. Ai sở hữu được nhiều đất ruộng, đất sản xuất nông nghiệp sẽ có cuộc sống xung túc, ai không sẽ vô cùng khổ sở. Con người thời kỳ này thu nhập chỉ có đến từ nông nghiệp nên cách duy nhất để tồn tại là phải chiếm dụng được số đất sản xuất mình cần. Các cuộc tranh chấp thời kỳ này chủ yếu diễn ra ở các khu đất có thể sản xuất nông nghiệp, còn các khu đất khó khăn, không có khả năng sản xuất nông nghiệp thì ít tranh chấp.
3. Thời kỳ tranh chấp để kiểm soát sản xuất công nghiệp và dịch vụ: Thời kỳ bùng nổ phát triển công nghiệp đã làm cho các hoạt động tranh chấp đất đai xung quanh các khu công nghiệp tăng lên vì giá trị sản xuất công nghiệp mang lại lợi nhuận lớn. Việc ở gần các khu công nghiệp là lợi thế cho cả về việc làm và các dịch vụ đi kèm cung cấp cho công nhân trong các khu công nghiệp. Ngoài các khu công nghiệp, các khu gần trường học, chợ búa cũng lên giá nhanh chóng do mức độ chi tiêu của con người xung quanh các khu vực này tăng cao.
Lợi thế về đất đai trong khu vực này là điều kiện đảm bảo có cuộc sống tốt hơn nhiều. Thấy rõ nhất là người nội tỉnh, nội thành thường sống rất tốt, có thu nhập cao hơn so với người nhập cư tại các khu công nghiệp, thành phố dù họ chẳng lao động gì nhiều ngoài các dịch vụ cho người nhập cư. Nguyên nhân giá đất thời kỳ này bùng nổ là do lợi thế về công nghiệp và dịch vụ đến từ việc "có học" của tầng lớp lao động nhập cư, công nhân công nghiệp, và các nhà đầu tư, chủ doanh nghiệp.
Giá trị bất động sản lúc này phụ thuộc túi tiền của các nhà đầu tư và tầng lớp lao động nhập cư. Giá bất động sản lúc này giống khoản nợ, người sở hữu đua nhau hét giá cao, miễn là còn có người trả được thì họ sẽ còn có giá. Nhưng sau thời kỳ giá bất động sản và nhân công cao hơn làm chi phí sản xuất tăng nhà đầu tư và doanh nghiệp bỏ đi, người ôm bất động sản sẽ chẳng thể hét giá nổi, giá nào cũng sẽ thành đồ bỏ. Những nơi mà các doanh nhân, nhà đầu tư nước ngoài rời đi sẽ chỉ còn khủng hoảng địa ốc và bất động sản ở lại vì lúc này không còn giá trị sử dụng trong công nghiệp và dịch vụ.
Dấu hiệu nhận thấy đầu tiên chính là các người lao động nhập cư và chủ đầu tư, doanh nghiệp không còn có thể mua bất động sản mà chuyển sang hình thức thuê. Đây là thời kỳ đệm trước khi thị trường bất động sản sụp đổ. Nếu trong thời kỳ này có biến động về lạm phát, giá tiền sụt giảm hoặc năng suất lao động tăng cao thì sẽ còn tiếp tục duy trì. Nhưng nếu không có gì mới xảy ra, các nhà đầu tư và doanh nghiệp sẽ đua nhau rút đi, khủng hoảng bất động sản sẽ leo thang. Ví dụ dễ thấy nhất là khi Covid-19 xảy ra, nhiều doanh nghiệp rút đi, thị trường bất động sản đã khủng hoảng một phần.
>> 'Cho con ngôi nhà trước khi nghĩ đến tủ sách'
Những người thành công "không đọc sách"
Các cá nhân thành công vì đọc sách không có gì lạ, có thể kể ra rất nhiều, song cũng có nhiều người thành công không đọc sách. Vậy cụ thể họ thành công theo cách nào?
Sự thành công của con người đến khi họ có những lợi thế, giành vị trí quan trọng trong hệ thống sản xuất hàng hóa hoặc có thể chiếm dụng được lợi thế trong cung cấp dịch vụ cho những người trong hệ thống sản xuất hàng hóa. Thành công trong việc giành lợi thế hoặc vị trí quan trọng trong sản xuất hàng hóa hiện nay với nền công nghiệp tri thức gần như phụ thuộc vào trình độ giáo dục. Trình độ này có thể đến từ giáo dục cá nhân, cũng có thể đến từ giáo dục của người khác.
Ví dụ, khi ông chủ doanh nghiệp có giáo dục mở ra doanh nghiệp lớn, sẽ tạo ra một loạt công việc ăn theo cho các công nhân dù họ có trình độ giáo dục thấp. Thậm chí, việc đi xuất khẩu lao động cũng là một hình thức khai thác giáo dục từ người khác, mà lại là người ở nước ngoài. Đây là hình thức cộng sinh của xã hội loài người. Những người không có giáo dục tốt nhưng vẫn có thể lợi dụng vào giáo dục của người khác để thành công. Nhưng ít nhất họ vấn có mức độ giáo dục nhất định mới có thể thành công.
Xóm tôi có hai người bạn học đến lớp năm ở một vùng quê nghèo, hẻo lánh. Một người xuất thân trong một gia đình mà có bố học ba năm lớp một, và anh trai, cháu trai (con của anh trai) cũng học ba năm lớp một (học lưu ban); một người xuất thân từ một gia đình có truyền thống cờ bạc, cha mẹ đều nghiện đánh bạc. Lớp năm, chúng cùng quyết định bỏ học ra thành phố Hải Dương kiếm sống, làm thuê cho một đại lý phân phối hàng tạp hóa.
Sau nhiều năm làm nghề, một người rời bỏ công việc về quê lấy vợ (chính là người có bố học ba năm lớp một). Còn người kia do tốc độ tính toán rất nhanh, quyết định ở lại làm thuê tiếp. Làm đến năm 25 tuổi, khi ông bà chủ đã già nua, không còn minh mẫn, không thể nhiệt huyết và quản lý được hệ thống, nên giao toàn bộ cho anh ta (con cái của ông bà chủ đã đi học và làm nghề khác, đi xuất khẩu lao động chất lượng cao, không muốn tham gia nghề này). Như vậy, anh ta đã có cơ hội cộng sinh rất tốt với ông bà chủ và có hết toàn bộ mối lái.
Sau đó, anh ta ra làm riêng, vay tiền ngân hàng và người thân, đứng ra mở cơ sở riêng với công nhân là những người anh em, họ hàng từ quê đưa ra. Nhờ sử dụng hợp lý các mối hàng từ ông bà chủ cũ để lại, cùng với lợi thế công nhân giá rẻ (lương công nhân chỉ ba triệu mỗi người) đã khiến anh ta bỏ mối hàng giá thành rẻ hơn nhiều. Năm 31 tuổi, anh ta đã có nhiều cửa hàng tạp hóa và hàng tỷ đồng trong tay, hai ngôi nhà đất ở ngoại thành Hải Dương. Đây là ví dụ cụ thể nhất về việc học ít, không đọc sách vẫn thành công nếu biết nắm bắt cơ hội và cộng sinh tốt với người có học.
Những người đọc sách nhưng thất bại
Không phải chỉ có đọc sách là sẽ thành công. mà còn phụ thuộc vào việc hành động và nắm bắt cơ hội. Thành công là kết quả của việc nắm bắt cơ hội và hành động. Chứ không hành động và không nắm được thời cơ thì sẽ thất bại dù bạn có đọc muôn nghìn quyển sách. Ví dụ bạn học những sách không hợp thời, không còn phù hợp với nền sản xuất hàng hóa. Việc nắm bắt thời cơ và xu hướng rất quan trọng là vậy. Đọc sách nhưng không có khả năng thực hành cũng là một ví dụ cụ thể cho thất bại kiểu này. Ví dụ bạn học về bảo mật, về hệ thống thông tin an toàn nhưng ở một quốc gia nghèo nàn, lạc hậu, không có đủ máy móc, công nghệ đắt tiền cho bạn thực hành thì kết quả vẫn thui chột và viển vông. Trong khi ở những nước cần về thứ đó, người ta đã tìm được người bản địa phù hợp hơn, hoặc bạn không nằm trong danh sách, phạm vi tìm kiếm của họ.
Như vậy, qua những gì phân tích ở trên, tôi chỉ muốn nói một điều rằng "ngôi nhà" hay "tủ sách" nặng hơn là phụ thuộc vào thị trường, môi trường mà bạn trưởng thành, lập nghiệp, nó ở giai đoạn nào, cơ hội nào mở ra cho bạn và bạn có khả năng nắm lấy chúng hay không mà thôi.
>> Theo bạn nên đầu tư tri thức hay vật chất cho con trước? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.
Thánh Tuệ