Nhiều vụ mẹ kế và cha dượng hành hạ trẻ gần đây, nhất là cái tin mẹ lẫn bố dượng bạo hành khiến bé gái 3 tuổi qua đời mà tôi không cầm được nước mắt. Tôi chẳng dám nghĩ trong đầu cái cảnh một đứa trẻ lên 3, đi còn chưa vững, nói thì chưa thạo - có nghĩa là chẳng có một phần trăm khả năng tự vệ nào mà bị cha dượng lẫn mẹ đẻ hành hạ trong cơn phê ma tuý.
Toà án đã tuyên án tử và chung thân, âu cũng là sự trừng phạt. Nhưng nhìn chung quanh, có còn bao nhiêu mầm non bị những trận đòn roi của cha mẹ kế khuất lấp?
Tôi lại nhớ đến bé My - đứa cháu gái là con của anh trai tôi. Cháu xinh xắn và có đôi mắt to tròn. Ngày bé My lên năm tuổi thì anh trai và chị dâu của tôi không ở với nhau được nữa.
>> Khi nào một đứa trẻ bị tổn thương tâm lý?
Một đám cưới diễn ra vội vàng như chạy đua với cái bụng to lên hàng ngày của chị dâu tôi. Một đám cưới chạy, để hợp thức hoá cái bụng bầu - như minh chứng cho sự bồng bột của tuổi trẻ thì đời sống hôn nhân của cặp vợ chồng đó có hạnh phúc bền lâu? Sự ly dị của anh chị tôi là câu trả lời.
Ly hôn thì nhà chia dọc, thóc chia đôi - anh chị tôi ngày đó còn quá trẻ chẳng có của nả gì thì đứa con gái duy nhất được toà chia cho mẹ của nó. Ngày xếp đồ cho cháu về nhà ngoại, tôi bế con bé và hôn thật nhiều. Đứa trẻ có lẽ cũng hiểu được sự tình nên thúc giục: "My về nhà ngoại ở vài tháng, cô ba nhớ xuống đón con lên chơi nghen".
Rồi như những chương trình máy tính được viết sẵn, anh trai tôi có vợ khác và mẹ của cháu tôi cũng có chồng mới. Họ mải mê chăm lo cho tổ ấm mới, với những đứa con mới ra đời mà lạnh nhạt với cháu tôi. Cô bé có cặp mắt đen tròn, hay nói ríu rít ngày nào bây giờ ít nói hẳn. Những lần tôi gặp đều có nét rụt rè và nét buồn trên mặt cháu: "Mẹ có em mới, em mới là con của ba dượng - Con họ Trần nhưng em con họ Lê".
"Ra rìa" là những lời chọc ghẹo, hù doạ một đứa trẻ sẽ không còn được yêu thương khi có em. Vậy một đứa trẻ khi có em cũng cha khác mẹ, hoặc cùng mẹ khác cha sẽ như thế nào? Sự phân bổ tình yêu thương, món đồ chơi hay sự nuông chiều có đồng đều hay không?
Không phải ngẫu nhiên mà những câu chuyện nhân gian hay cổ tích đều khắc hoạ những gam màu xấu về mẹ kế, cha dượng. Tôi không có ý đánh đồng, nhưng xem ra dân gian cũng có lý về việc tô vẽ đó. Bởi tình cảm chia đều cho những anh em một mẹ, một cha còn không đồng đều với nhau nữa, huống chi bây giờ cha mẹ phải bận tâm với mối lo con của anh, con của em và con chung của chúng ta.
>> Tôi chưa bao giờ cấm cản chồng đưa con riêng đi chơi với vợ cũ
Những đứa trẻ khi cha mẹ đi bước nữa có thể là thiệt thòi, là sự thiếu vắng tình thương. Hoặc cũng có thể là một tai kiếp như bị đánh đập, bạo hành và tệ hơn là xâm hại. Không ít trường hợp những bé gái là nạn nhân, bị bố dượng xâm hại đến mức phải mang thai.
Bi kịch của một vài cá nhân không hẳn là một mẫu số chung cho xã hội. Nhưng để tiến tới một xã hội văn minh, tốt đẹp thì phải giảm thiểu những tổn thương của cá nhân. Mỗi người, mỗi đứa trẻ đều có quyền được yêu thương như nhau. Và trên hết, để làm được điều đó, phải bắt đầu từ một gia đình đủ đầy và hạnh phúc.
Vậy nên tôi rất mong mỏi luôn có nhiều cuộc hôn nhân bền vững. Đừng vì một phút bốc đồng, một cơn nóng giận, dẫn đến chia tay nhau rồi làm khổ con của mình. Hãy yêu lấy sinh mệnh mà mình đã dựng nên.
Trần Huệ Chi
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.