Sau bài Bi kịch gia đình vì bố mẹ không chịu ly hôn viết độc giả Nguyễn Cường cho rằng:
Người Việt mình thường lấy cớ "cố sống với nhau vì con cái", "thương con", "muốn con có bố, có mẹ"... để làm bình phong cho sự thiếu quyết tâm của mình. Và cũng để đẹp mặt với hàng xóm nữa. Và thế là có không biết bao nhiêu cảnh địa ngục trần gian. May là nhân vật trong bài viết này khá bản lĩnh và biết bơ đi, nên không bị hư hỏng. Ông bố có vẻ vũ phu nhưng thực ra khá thương con.
Một số độc giả chia sẻ hoàn cảnh tương tự:
Hoàn cảnh giống y chang gia đình tôi. Nhưng gia đình tôi tệ hơn là từ giàu có chuyển sang nợ nần, mỗi ngày bị chủ nợ kéo đến đòi trung bình khoảng 3 lần đủ kiểu hăm dọa, khóc lóc. Nhiều năm như vậy làm tinh thần anh chị em tôi bị hoảng loạn, kiệt quệ.
Nhưng điều làm phiền tôi nhất là ba mẹ dường như bình thản không muốn giải quyết, mặc dù nhà có đất có vườn rộng, mà suốt ngày đêm quanh quẩn chỉ cãi nhau chuyện ba ngoại tình ( trước đó đã có mâu thuẫn nên ba mới có người khác). Mới đầu ba mẹ còn thay nhau tiếp chủ nợ, sau đó đẩy cho mấy anh chị em tôi ra từ chối nói ba mẹ đi vắng, đêm 30 Tết người ta ngồi đợi trước cửa nhà.
Không khí gia đình cực kỳ căng thẳng, nhiều khi tôi chỉ muốn ba mẹ ly dị nhau, rồi tập trung lo bán đất để giải quyết nợ vì đó là vấn đề cần được ưu tiên. Nhưng mỗi lần nói chuyện mẹ lại lái sang chuyện ba rồi than thở, và hoàn toàn không muốn giải quyết.
Điều này làm ảnh hưởng rất nhiều đến tâm lý khi tôi đã trưởng thành, và tôi quan sát anh chị tôi cũng có những dấu hiệu của trầm cảm, dễ cáu gắt. Thực sự chuyện đã qua lâu nhưng tôi không biết phải làm sao để lấy nó ra khỏi tiềm thức.
Là một người đã từng trải qua hoàn cảnh giống nhân vật trong bài viết, tôi thừa nhận việc chứng kiến cha mẹ mình đánh nhau, chửi nhau và đôi khi lôi con cái vào cuộc sẽ để lại nhiều vết thương về mặt cảm xúc mà thời gian hay bất cứ biện pháp nào khác không thể chữa khỏi.
Tuy nhiên cuộc sống luôn không thể vẹn toàn, tôi không khuyến khích việc ly hôn nhưng tôi khuyến khích các cặp vợ chồng khi không chịu đựng được nhau nên đồng ý giải thoát cho đối phương.
Việc này đồng nghĩa hai người cần phải có nhiều trách nhiệm hơn trong việc san sẻ nuôi con (cả tài chính vật chất và tinh thần) chứ không phải vứt bỏ hôn nhân để tự tìm cho mình hạnh phúc mới mà quên đi trách nhiệm của bản thân. Lẽ dĩ nhiên trách nhiệm sẽ đơn giản hơn đối với các cặp vợ chồng chưa có con.
Ngày nay các bạn nữ có sự tự chủ và khuyến khích không cần chịu đựng ràng buộc nên số vụ ly hôn xảy ra nhiều và tôi lấy điều đó làm buồn, vì dù xã hội có hội nhập hay đổi thay như thế nào, thì vai trò của người phụ nữ trong gia đình theo truyền thống Á Đông là nhường nhịn - do đó gia đình có phúc hay không phụ thuộc chủ yếu ở người vợ.
Tôi học được điều này ở gia đình tôi, tuy không hoàn hảo, nhưng đó là giá trị trường tồn của một xã hội trật tự. Như đã nói, tôi không phê phán việc giải thoát cho nhau mà thật sự rất mong muốn điều này xảy ra, nhưng đừng lấy quyền và lợi ích cá nhân làm lu mờ đi trách nhiệm của bản thân (đối với gia đình và xã hội) khi quyết định kết hôn.
Độc giả Thực Tế cho rằng nếu không hạnh phúc, hãy chủ động ly hôn: Ly hôn như giải pháp cuối cùng, liệu có ai xác định được khi nào là cái ngưỡng cuối cùng? Sau khi tất cả đều bị tổn thương, xúc phạm nhau, tàn phá nhau? Nhất là con cái đã bị hằn vết thương lòng lẫn tâm thần?
Tại sao không xem ly hôn như giải pháp đầu tiên hay thứ cấp khi mâu thuẫn bắt đầu xuất hiện? Nếu xem ly hôn là giải pháp cuối cùng thì bản chất của việc kết hôn chỉ là để ràng buộc gượng gạo và sống giả tạo để kéo dài trước khi ly hôn? Tôi cho rằng 100 đứa con thì cả 100 đều muốn ba mẹ chúng ly hôn sớm khi không hạnh phúc. Mâu thuẫn nên kết thúc sớm, chả có gì ngại để chờ đến lúc nó trở thành bi kịch mới kết thúc thì đã quá muộn cho tất cả.
Độc giả Le Hue thì cho rằng:
Kết hôn không chỉ là một trò chơi, mà là việc nghiêm túc của hai người trưởng thành yêu thương và muốn chăm sóc nhau trọn đời, trên đời này không có tính cách nào giống tính cách nào. Hai người đến với nhau thì phải chấp nhận lẫn nhau, kết hôn là một đời. Trên đời này không có gì là không giải quyết được, vấn đề là có muốn giải quyết không thôi.
Trừ khi là một trong hai người phản bội lại sự chung thủy vợ chồng hoặc kết hôn vì lợi ích thì ly hôn là đúng. Và lý do tại sao khi bước thêm một bước nữa với người thứ hai thì lại sống được với nhau vì họ đã nuốc tiếc từ cuộc hôn nhân thứ nhất và nhìn nhận những cái sai của mình và do cái tôi quá lớn trong cuộc hôn nhân trước đó.
Thế nên đừng để hôn nhân là một trò chơi. Hôn nhân là cả đời, bạn có chắc là sẽ sống với người đó cả đời không? Có cùng nhau xây dựng và gìn giữ gia đình nhỏ của mình không? Nếu không đừng kết hôn và lại ly hôn. Tổn thương người đã chung chăn gối với mình cùng mình trải qua mọi vui buồn, những khó khăn trong cuộc sống ngần ấy năm liệu bạn có đau trong tim không?
>>Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.