(Bài viết Ý Kiến không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.)
Luật sư Khanh, đang sống ở Mỹ, chia sẻ bài viết về việc cha mẹ lấy con làm "vũ khí" để giải quyết mâu thuẫn khi ly hôn:
Ở California, một tiểu bang có biên giới với Mexico, có một thứ gọi là Amber Alert. Đây là hệ thống báo động để dùng truy nã những chiếc xe bị cho là đang chạy trốn với trẻ em bị bắt cóc bên trong. Nó thường được gởi tới điện thoại di động của người dân và hiện lên trên bảng điện tử trên đường cao tốc.
Đa phần những vụ bắt cóc này diễn ra với nghi phạm bắt cóc là thân nhân của đứa trẻ. Kịch bản phổ biến nhất của những vụ này là một trong hai vợ chồng trong khi mâu thuẫn đã bắt đứa trẻ chạy đi, người còn lại gọi mấy cũng không đem về, và thường nhất là đem qua biên giới.
Năm 2010, một diễn viên gốc Việt khi trở lại Mỹ đã bị quản thúc vì cáo buộc bắt cóc con ruột. Chị ta kết hôn với một người gốc Á tại Mỹ. Sau quãng thời gian hôn nhân không mấy hạnh phúc, chị li dị rồi về Việt Nam với đứa con mấy tuổi và ở lại một thời gian dài. Khi trở lại vừa đặt chân qua hải quan thì chị ấy bị bắt, đứa con được đưa về nhà cha nó.
>> Vợ chồng chênh lệch trình độ dễ cãi vã, ly hôn
Báo chí Việt Nam bàn tán nhiều về lý do của cuộc hôn nhân không hạnh phúc. Còn luật sư bào chữa ở Mỹ thì nhức đầu với lý do mà chị ta đưa ra là "không hiểu biết pháp luật Mỹ". Sau nhiều năm quản thúc tại Mỹ, chị đã không gặp con từ lâu.
Điểm chung của các vụ bắt cóc này là cha hay mẹ cho mình cái quyền tách con ra khỏi người còn lại. Có một người chỉ ra một điều rất hay, là không ai nên tự dưng tước quyền làm con của đứa trẻ. Cho dù là còn ở bên nhau hay li dị, người nào cũng có quyền làm cha mẹ và đứa trẻ có quyền được gặp cha mẹ của mình, trừ khi quyền đó đã bị tòa án tước mất. Cô diễn viên kia chẳng hạn, cô ấy tự tước quyền làm con của cha của đứa bé, và kết cục là bị tòa án Mỹ tước luôn quyền làm mẹ của mình.
Việc sử dụng đứa trẻ làm vũ khí trong mâu thuẫn hôn nhân và sau khi ly dị gây ra những tổn thương nghiêm trọng cho đứa trẻ. Một người trưởng thành bị bắt cóc đưa đi, tách ra khỏi người thân để kẻ bắt cóc đưa yêu sách cho gia đình sẽ phải gánh chịu nhiều tổn thương về tinh thần. Một người chồng bắt người vợ đi chỗ khác, không cho chị vợ qua lại thăm hỏi nhà đẻ thì đó cũng là một tội lỗi, người vợ chắc chắn sẽ tổn thương. Vậy thì vì sao người ta đang tâm làm điều đó với những đứa trẻ?
>>Cưới vợ hơn một tháng đã hối hận vì không 'môn đăng hộ đối'
Thái độ này phổ biến tới mức trong những cuộc cãi vã mâu thuẫn hôn nhân, khi một người tách con ra đem về nhà đẻ dù đứa trẻ không bị hành hạ bỏ rơi, thì mọi người xung quanh chỉ phân tích xem chị vợ hay anh chồng là có lỗi. Ít ai quan tâm tới những đứa trẻ đáng thương không có chút tiếng nói lại bị đem ra làm con tin cho một cuộc chiến tình cảm không khoan nhượng.
Ngày quốc tế thiếu nhi đã trôi qua, tôi chỉ nhớ ngày này vì lúc còn nhỏ cơ quan của ba mẹ hay tổ chức tết thiếu nhi, phát cho con em cán bộ vài cái bánh, ít trái cây. Ngày đấy đối với những đứa trẻ lớn lên trong khó khăn quả thật rất vui vẻ.
Một ngày vui vẻ đó chẳng có ý nghĩa gì nếu người lớn, mà chính xác là cha mẹ của những đứa trẻ, lại sẵn sàng đem chúng ra làm vũ khí để thỏa mãn sự ghét bỏ lẫn nhau. Một cuộc hôn nhân tan vỡ hay đang sóng gió cũng vậy, sao chúng ta chỉ quan tâm tới hai "nhân vật chính" mà bỏ mặc thành quả của một công cuộc "xây dựng hạnh phúc" như chúng không quan trọng gì?
>>Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.
Khanh