Độc bài viết "Khốn khổ vì 28 Tết vẫn chưa đòi được nợ" tôi rất đồng cảm với tác giả PVV. Bản thân tôi cũng từng rơi vào tình huống cho vay mượn, để rồi mất cả tiền lẫn bạn. Nếu tổng kết tất cả số tiền tôi cho bạn bè mượn loanh quanh, tới nay gộp lại cũng ngót nghét một tỷ đồng. Ấy vậy mà, hết năm này qua năm khác, những người mượn tiền của tôi không thấy ai chủ động liên lạc để trả lại.
Khi mượn tiền, họ có vô vàn lý do, nào là thất nghiệp, vợ dại, con thơ, nào là đang gấp công việc mà tiền về chưa kịp... Ai cũng hứa "chắc như đinh đóng cột" rằng sẽ trả lại ngay trong tuần hoặc trong tháng. Nhưng hết tháng này đến tháng khác, tôi vẫn không thấy tăm hơi họ ở đâu.
Có một trường hợp mà đến giờ ngẫm lại tôi vẫn thấy cười ra nước mắt. Đó là một người bạn mà trước đây cũng hay ngồi cà phê, tám chuyện trên trời dưới đất với tôi. Sau đó, bạn nói gặp chuyện khó khăn, cần mượn một số tiền tiền để trang trải. Thương bạn nên tôi hai lần cho mượn tiền, gom lại cũng gần 100 triệu đồng. Thực ra, tôi vốn cũng may mắn trong chuyện làm ăn, nên tiền bạc cũng thoải mái để cho bạn mượn, chẳng viết giấy tờ gì.
Một hôm cuối năm 2020, bạn gọi cho tôi, báo rằng có mối làm ăn đầu tư xưởng gỗ rất hay, ngỏ ý gửi dự án đề cùng hợp tác đầu tư với tôi. Vì giáp Tết khá bận, lại thêm cái khoản tiền cũ chưa thấy bạn nhắc tới (dù bạn cũng mới sắm ôtô mới cáu cạnh, có vẻ làm ăn ổn), nên tôi từ chối. Thấy vậy, bạn trả lời tỉnh bơ: "Tiền mượn của em may mắn, giúp anh ăn nên làm ra, nên anh tạm thời cứ để đó nhé". Đến đây, tối thực sự không hiểu nổi tại sao trên đời lại có những người như vậy. Từ đó, tôi coi như mất luôn số tiền trên, tạm quên đi cho nhẹ đầu.
>> Ba năm không dám đòi nợ vì sợ bị mượn thêm
Rồi nhiều bà con họ hàng khác, lâu lâu cũng hỏi mượn tôi 50 đến 100 triệu đồng. Có lẽ họ biết tôi dư dả, nên nếu tôi nói "không có tiền" để từ chối cho vay thì sẽ không ai tin. Và vì cũng ngại chỗ quên biết nên tôi cũng vài lần cho mượn và tới nay vẫn chưa thấy ai trả. Chỉ có duy nhất một người em họ được tôi cho mượn 50 triệu đồng không tính lãi cách đây hai năm, vừa rồi có trả được 30 triệu đồng, rồi cũng im re, nên tôi coi như cho luôn khoản tiền đó.
Sau mấy vụ như vậy, tôi cũng cẩn trọng hơn trong việc cho mượn tiền và dứt khoát hơn trong việc nói "không" hoặc chỉ chuyển cho họ một số tiền ít hơn số họ muốn mượn, coi như mình làm từ thiện và xác định là mất. Còn một khi ai hỏi mượn tiền để làm ăn, kinh doanh, tôi sẽ thẩm định phương án đầu tư một cách rõ ràng và có luật sư thảo hợp đồng hợp tác kinh doanh, hợp đồng vay vốn, có thể chấp bằng cổ phần của công ty hiện hữu hoặc công ty sẽ hình thành vào thời điểm xác định trong tương lai. Làm vậy, một phần cũng để người mượn có trách nhiệm hơn về khoản tiền họ đã vay, một phần cũng để mình có giấy tờ rõ ràng để đòi lại khi đến hạn.
Tiền bạc không phải thứ dễ dàng gì kiếm được, tất cả đều là mồ hôi, xương máu của mỗi người đổ ra mới có được. Thế nên, một khi ai đó quyết định cho bạn mượn tiền, dù ít hay nhiều, cũng là do họ tin vào nhân cách và sự tử tế của bạn. Còn khi bạn quyết định chây ỳ, không trả nợ, tức là bạn xác định rằng giá trị của bản thân cũng chỉ tương đương với số tiền đã mượn đó. Hãy là một người sống văn minh, dám vay thì dám trả.
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.