Đề xuất Chính phủ cho TP HCM ngừng cách ly xã hội từ ngày 23/4, Chủ tịch Nguyễn Thành Phong nói rằng, thành phố đang kiểm soát rất tốt tình hình dịch bệnh. Liên tiếp 17 ngày thành phố không ghi nhận ca nhiễm nCoV mới, hiện chỉ còn 2 người phải điều trị; 46 người được theo dõi tại các khu cách ly tập trung; 190 người cách ly tại nhà.
Khi dịch bệnh cơ bản được khống chế, theo Bí thư Thành uỷ Nguyễn Thiện Nhân, thành phố cần có lộ trình và các điều kiện phù hợp để nới lỏng việc hạn chế đi lại, tiếp xúc của người dân; mở lại trường học; dần cho các cửa hàng, dịch vụ thiết yếu hoạt động trở lại. "Chưa có vaccine thì không thể loại trừ lây nhiễm, song Covid-19 có thể kiểm soát được như chúng ta đã và đang kiểm soát các bệnh truyền nhiễm khác", ông Nhân nói.
Từ đó, Bí thư Thành uỷ cho rằng, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp phải đặt ra quy tắc ứng xử và quy chế hoạt động để sản xuất, kinh doanh, học tập, khám chữa bệnh, vui chơi giải trí... mà không làm lây nhiễm nCoV. "Mỗi người, mỗi cơ quan, doanh nghiệp phải chấp nhận một số quy định khác trước. Trong tháng 4 thành phố cần hoàn thành các công việc này để triển khai áp dụng từ tháng 5", ông Nhân nói.
Theo Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong, thành phố sẽ mở dần một số hoạt động thiết yếu, ít nguy cơ lây nhiễm. Trong đó, thí điểm cho các ngành kinh doanh có quy mô nhỏ hoạt động trở lại. Các ngành quy mô lớn hơn sẽ được thí điểm trong 30 ngày. Ngoài ra, tùy tình hình diễn biến của dịch bệnh, thành phố sẽ điều chỉnh thời gian thí điểm và cho phép mở rộng các cơ sở kinh doanh
Để chuẩn bị cho việc học sinh đi học lại, thành phố đang triển khai bộ tiêu chí an toàn trong trường học với yêu cầu "đảm bảo nguyên tắc triển khai từng bước an toàn, an tâm thì học sinh mới đi học trở lại". "Việc này cũng gắn liền với trách nhiệm của phụ huynh, nhà trường và học sinh cũng như chính quyền địa phương trong việc phòng chống Covid-19", ông Phong nói.
Ngoài ra, lực lượng CSGT 24 quận huyện đồng loạt kiểm tra việc chấp hành an toàn; Công an TP HCM kéo dài đợt cao điểm tấn công tội phạm cho tới khi Chính phủ công bố hết dịch. Thông qua hệ thống camera trên toàn địa bàn, qua đường dây nóng, để phát hiện và xử phạt hành vi không đeo khẩu trang...
Theo dự báo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP HCM, sau khi gỡ bỏ quy định giãn cách xã hội, cho phép nhập cảnh trở lại, giao thương đi lại dễ dàng là lúc thành phố bước vào giai đoạn 3 của dịch bệnh - sẽ khó khăn hơn rất nhiều. Các ca nhiễm nCoV có thể xuất hiện bất kỳ lúc nào, thậm chí có những trường hợp không rõ nguồn lây, không rõ yếu tố dịch tễ. Những người nhập cảnh trong thời gian tới cũng ẩn chứa nhiều nguy cơ khi bệnh đã lan tràn ở khắp các châu lục.
Để phòng chống Covid-19 hiệu quả, Bí thư Thành uỷ Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, trong 3 tháng, 6 tháng, một năm hoặc lâu hơn, thành phố phải thực hiện 6 biện pháp bắt buộc như: đeo khẩu trang khi hoạt động cộng đồng (đi học, chợ, du lịch, trên phương tiện giao thông công cộng...).
Người từ các nước đang có dịch, hay lây nhiễm nCoV, khi đến Việt Nam phải được xét nghiệm ngay lúc xuống máy bay, rời xe lửa, ôtô. Họ phải được cách ly 14 ngày nếu có dấu hiệu nghi ngờ lây nhiễm.
Khi phát hiện có người dương tính với nCoV, tất cả những người tiếp xúc (F1, F2, F3) phải được cách ly triệt để, ít nhất 14 ngày.
Khoảng cách giữa người với người trong các hoạt động thường xuyên (sản xuất, nhà hàng, nhà hát, lớp học, tàu xe...) phải được quy định, có mức tối thiểu.
Quy mô một số hoạt động đông người bị giới hạn trong một thời gian nhất định (sự kiện văn hóa, thể thao, du lịch, hội họp...).
Thường xuyên rửa tay, sát khuẩn; xe, phương tiện giao thông được sát khuẩn định kỳ.
TP HCM sẽ tổ chức đội phản ứng nhanh cấp thành phố, 24 đội phản ứng nhanh cấp quận - huyện, 322 đội phản ứng nhanh các xã - phường - thị trấn để kiểm tra việc tuân thủ phòng chống dịch bệnh.
Tại các chợ truyền thống, chợ đầu mối sẽ có lực lượng kiểm tra việc giãn cách xã hội, xử phạt và không cho người không đeo khẩu trang vào chợ.
Cơ quan chức năng phải phát hiện sớm các ca nhiễm mới, nhất là các trường hợp không có yếu tố dịch tễ; sớm triển khai các biện pháp chống dịch, bao vây dập dịch nhằm ngăn chặn chuỗi lây truyền trong cộng đồng.
Đồng thời, thành phố phải thực hiện cách ly điều trị kịp thời các ca nhiễm, hạn chế số ca tử vong, lên phương án tiếp tục sẵn sàng cách ly y tế số lượng lớn người nhập cảnh, người tiếp xúc với ca bệnh, người có nguy cơ...
Dự kiến, ngày mai 22/4, Chính phủ quyết định có hay không đồng ý cho TP HCM ngừng cách ly xã hội.
Trung Sơn