"Tôi thấy rất khó chịu khi đi ngoài đường, thấy nhiều người Việt không đeo khẩu trang, hoặc đeo cho có (đeo dưới cằm, che mỗi miệng, còn để hở mũi). Thậm chí, có người mang khẩu trang theo nhưng đút vào túi áo, túi quần, đến khi thấy công an, cảnh sát lập chốt kiểm tra thì vội vàng móc ra đeo chống chế.
Quả thực, sau hai năm Covid-19 hoành hành trong cả nước, nhưng việc chúng ta vẫn đứng vững sau mỗi đợt bùng dịch đã khiến không ít người mang tâm lý chủ quan. Họ cho rằng dịch cũng không quá đáng sợ và mặc nhiên tự cho phép mình đứng ngoài cuộc chiến.
Đây chính là những mối nguy hiểm tiềm tàng, những đốm lửa nhỏ nhen nhóm có thể bùng lên bất cứ lúc nào, đe dọa trực tiếp đến thành quả mà cả nước đã cố gắng tạo nên suốt thời gian qua. Rất đáng lo ngại cho một bộ phận không nhỏ người Việt thờ ơ, bàng quan trước công cuộc chống dịch của cả nước".
Đó là nỗi lo của độc giả LAV trước thực trạng nhiều người không đeo khẩu trang khi ra đường hiện nay ở Việt Nam. Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, trong ngày nghỉ lễ đầu tiên, lực lượng chức năng TP Hà Nội tăng cường công tác kiểm tra việc đeo khẩu trang nơi công cộng. Tuy nhiên, với lý do đi gần, quên, mới ăn phở xong... rất nhiều người vẫn không đeo khẩu trang trong những ngày nghỉ lễ 1/5. Đây không phải chuyện hiếm gặp ở Việt Nam thời gian qua khi không ít người mang trong mình tâm lý chủ quan phòng dịch, xem nhẹ việc đeo khẩu trang khi ra đường.
Nói về thói quen đút khẩu trang vào túi quần khi ra đường, bạn đọc Quyt duong thừa nhận sai lầm: "Tôi cũng thường quên dù biết phải đeo khẩu trang khi ra ngoài. Buổi sáng, tôi lấy khẩu trang đeo đàng hoàng nhưng được hai tiếng sau lại bỏ vào túi vì mồ hôi chảy ướt khẩu trang, làm công việc nặng thở không được. Rồi lúc đi vào thị trấn, tôi lại không có khẩu trang để đeo... Thú thực, quy định có phần hơi bất tiện nhưng ai cũng phải nhớ đeo khẩu trang vì cộng đồng".
Nhấn mạnh sự nguy hiểm khi người dân không mang khẩu trang khi ra đường, độc giả Inf0 khẳng định: "Khẩu trang mà nhồi nhồi nhét nhét vào túi thế kia rồi lấy ra đeo thì càng bệnh thêm. Thiết nghĩ, năm phút đầu của chương trình thời sự mỗi ngày nên chỉ dẫn cách đeo khẩu trang đúng và nêu lý do tại sao không nên nhồi nhét vào túi... làm tăng cao nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh".
>> Tâm lý phòng dịch theo thời vụ
Theo Điểm a, Khoản 1, Điều 12, Nghị định 117/2020, hành vi không thực hiện biện pháp bảo vệ cá nhân đối với người tham gia chống dịch và người có nguy cơ mắc bệnh dịch theo hướng dẫn của cơ quan y tế sẽ bị phạt tiền từ 1-3 triệu đồng. Nghị định 117 có hiệu lực từ ngày 15/11/2020, cơ quan chức năng tại nhiều địa phương cũng đã ra quân xử phạt nhiều trường hợp không thực hiện đúng quy định. Tuy nhiên, thực tế, rất nhiều người dân vẫn không chấp hành theo quy định.
"Việc không đeo khẩu trang khi ra được cần phải phạt thật nghiêm và người thực thi nhiệm vụ cũng cần phải đặt lợi ích đất nước lên trên hết để không có tiêu cực. Đất nước đang đứng trước nguy cơ dịch bệnh lây lan trên diện rộng bởi đang trải qua hai ngày nghỉ lễ lớn. Tổng ngày nghỉ của công nhân, viên chức là bốn ngày, vì do được nghỉ cả thứ bay và chủ nhật nên người dân đi du lịch rất đông. Cũng chính vì vậy nguy cơ lây lan dịch bệnh trên diện rộng là rất cao.
Mong sao mỗi người dân tự nâng cao ý thức trong việc phòng chống dịch bằng cách thực hiện nghiêm túc biện pháp 5K của bộ Y tế. Hãy nhìn sang các nước như Ấn Độ, Campuchia, Brazil... để hiểu rõ hơn về sự nguy hiểm cũng như sự chết chóc tang thương do dịch bệnh gây ra để có ý thức hơn trong việc phòng chống dịch bệnh nguy hiểm này", bạn đọc Nguyễn cường Thịnh nhấn mạnh.
Ủng hộ việc xử phạt nặng các trường hợp không đeo khẩu trang khi ra đường, độc giả Tùng Nguyễn nêu ý kiến: "Tôi ủng hộ việc xử phạt thật nặng, thậm chí nâng cao mức phạt hơn nữa với các hành vi không đeo khẩu trang nơi công cộng hoặc trên đường. Cá nhân tôi nghĩ rằng là đây là sự vô ý thức, thiếu trách nhiệm phòng bệnh với cộng đồng. Dịch Covid-19 đã xâm nhập đất nước ta được hơn một năm nay, việc nhắc nhở người dân đeo khẩu trang cũng quá nhiều rồi".
Đồng quan điểm, bạn đọc Đỗ Vũ Tuấn khẳng định: "Trên đài báo, truyền hình hàng ngày đã nói đến vấn đề này rất nhiều, chúng ta đã tuyên truyền trên mọi mặt trận rồi. Thế nhưng nói nhiều thành nhàm, nên cứ gắn đến tiền phạt mới nghiêm chỉnh được. Tôi hoàn toàn ủng hộ xử phạt nặng hành vi không đeo khẩu trang. Vì một xã hội an toàn, chúng ta hãy cùng chung tay chứ không nên nhân nhượng cho bất kỳ một cá nhân nào cả".
>> Nghỉ lễ ở nhà vì bài học Ấn Độ 'vỡ trận'
Tính từ ngày 29/4 đến nay, cả nước ghi nhận 16 ca lây nhiễm cộng đồng sau hơn một tháng không ca cộng đồng. Dù mức xử phạt những người không đeo khẩu trang lên đến 3 triệu đồng nhưng trên thực tế nhiều người vẫn thờ ơ không chấp hành công tác phòng chống dịch Covid-19, đặc biệt là tại nơi công cộng.
Độc giả Nguyễn cảnh hiệp còn cho rằng cần tăng cường lập chốt xử phạt hành vị không đeo khẩu trang nơi công cộng: "Mong rằng các cơ quan chức năng sẽ làm công việc này thường xuyên, liên tục hơn. Tôi thấy một thời gian dài chúng ta không có ca nhiễm Covid-19 ở cộng đồng nên người dân có phần chủ quan; cơ quan chức năng đôi khi lơ là, thiếu đôn đốc, nhắc nhở ý thức phòng dịch. Thậm chí, chính bản thân một số người trong bộ máy quản lý cũng thiếu ý thức, thiếu gương mẫu".
Nhấn mạnh việc xử phạt nghiêm, không nhân nhượng với bất cứ hành vi vi phạm nào, bạn đọc Trần Vany nói: "Không cố ý không có nghĩa là không vi phạm. Mà đã vi phạm là phải phạt thật nghiêm để mang tính răn đe, đồng thời nâng cao ý thức của người dân khi ra nơi công cộng. Đừng lấy bất kỳ lý do nào để bao biện, nếu đã thất nghiệp không có tiền thì càng phải có ý thức phải đeo khẩu trang để tránh bị phạt. Hai triệu đồng so với chi phí để khoanh vùng dập dịch nếu xảy ra chỉ là muối bỏ biển mà thôi".
>> Các ý kiến không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.