Chứng kiến hình ảnh "Bãi biển Vũng Tàu đông nghịt người", độc giả Ngoclm.262 bày tỏ sự bức xúc trước ý thức phòng dịch yếu kém của bộ phận người Việt:
"Trong trường học, người ta đang tranh cãi làm sao cho các em ngồi cách nhau 1,5 m, làm sao giờ giải lao cấm các em tiếp xúc gần? Hà Nội đang tiếp tục cho học sinh mầm non nghỉ học đến khi dịch bệnh được đẩy lùi. Nhưng tôi đọc báo lại thấy quán cà phê ở Hà Nội, bãi biển ở Nha Trang, Vũng Tàu đông nghịt người.
Ở trường học ít ra còn có danh sách học sinh, cán bộ công nhân viên, nên nếu có xảy ra vấn đề còn có thể khoanh vùng. Còn người đến quán cà phê, bãi biển thì ai để lại tên tuổi, liên lạc bao giờ? Cẩn thận chống dịch nhưng bên trọng bên khinh thế này, tôi thấy buồn. Hay có người bảo trẻ em là tương lai đất nước nên càng cẩn thận bảo vệ, tôi thấy đó chỉ là cái cớ cho việc trẻ em đang phải hy sinh quyền lợi bản thân cho nhu cầu vui chơi giải trí của người lớn mà thôi".
Cùng chung suy nghĩ trên, bạn đọc Kem nhấn mạnh sự mâu thuẫn trong tư tưởng phòng chống dịch của không ít người:
"Tôi thấy lạ khi nhiều người cũng đọc báo, lo lắng vì Covid, bàn luận nhiều về Covid, lên án người ý thức kém cũng nhiều nhưng hôm sau nghe tin giãn cách xã hội được nới lỏng là kéo cả gia đình đi du lịch ngay, còn cho đó là xả stress, tự cho mình quyền được làm như vậy. Đến khi đi về lại ngồi run, lo sợ".
Độc giả Băng Châu cũng chỉ trích gay gắt sự thiếu ý thức cộng đồng của đám đông người Việt:
"Ai cũng ý thức an toàn giao thông và chấp hành nghiêm chỉnh thì sẽ giảm được rất nhiều các vụ tai nạn xảy ra. Ai cũng có nhu cầu đi lại và kiếm sống. Điều đó đúng nhưng khi tuyến đầu đang oằn mình chống dịch thì những thành phần vô ý thức này chỉ vì sự thoả mãn của bản thân mà làm cả xã hội lo lắng. Vui chơi có cả đời để vui chơi, nhịn vài tháng cũng đâu chết được?".
>> 'Nhiều người không đeo khẩu trang khi nới lỏng cách ly xã hội'
Trong khi đó, bạn đọc Nguyễn Văn Lam lại quy trách nhiệm cho những người đứng đầu địa phương khi không quản lý được khu vực của mình:
"Thứ nhất, ý thức phòng chống dịch bệnh của không ít người dân còn chủ quan, coi thường dịch bệnh. Ra đường chỗ nào cũng thấy người không đeo khẩu trang, tụ tập không cần thiết như nhậu nhẹt, tán phét... Việc tắm biển khi còn lệnh cấm là việc đáng lên án và cần xử lý thật nghiêm theo quy định, trước hết là lỗi không đeo khẩu trang tại nơi công cộng. Thứ hai, cần xem xét trách nhiêm của Ban quản lý, của chính quyền địa phương khi không có biện pháp hữu hiệu. Nếu để dịch bệnh bùng phát cần truy cứu trách nhiệm của những cán bộ liên quan".
"Vụ việc này sao cứ tái diễn? Dẫn chứng bao nhiêu nước đang có hàng chục nghìn người chết mà những người này vẫn không lo sợ, họ muốn biến Việt Nam thành đại họa sao? Chính quyền đâu sao không xử lý, cần phải xử lý khi để sự việc tái diễn nhiều lần. Giãn cách ly không phải là tự do kiểu này, luật đưa ra vẫn chưa đủ rõ ràng, chưa đủ kiên quyết, không xử lý rồi sẽ thành đại họa", độc giả Vpstar.tz nhấn mạnh.
Trước kỳ nghỉ lễ 30/4-1/5 kéo dài bốn ngày đang tới gần, bạn đọc L.Hue lo lắng trong tình hình dịch bệnh trong nước khi sự chủ quan của nhiều người Việt sau lệnh nới cách ly xã hội ngày càng tăng cao:
"Tỉnh đã nghiêm cấm tắm biển rồi sao vẫn tắm biển, có phải muốn mỗi người có chục ca nhiễm trong cộng đồng chỉ vì thú vui riêng của cá nhân người nào đó rồi giãn cách xã hội tiếp? Bốn ngày lễ liên tục sắp tới, không biết có chuyện gì sẽ xảy ra nữa nếu bà con ai nấy đều tụ tập vui chơi, không đeo khẩu trang. Tôi chẳng dám nghĩ tới...".
>> Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.