Đang có một vấn đề nghiêm trọng của ngành giáo dục là khả năng tự học, tự đào tạo của đội ngũ giáo viên (GV) hiện nay còn rất kém dẫn đến trình độ của rất nhiều GV hiện nay chưa cao.
Mà thật ngạc nhiên là vấn đề nghiêm trọng như vậy đã kéo dài hàng bao nhiêu năm. Lạ thật. Đã là GV thì trước hết cần phải giỏi về chuyên môn của mình.
Khi giỏi chuyên môn thì học sinh tự nhiên sẽ tôn trọng, thậm chí là rất kính trọng người GV; lúc đó GV nói học sinh sẽ nghe. Ngược lại khi kém về chuyên môn, học sinh sẽ rất coi thường người GV đó; thầy/cô lúc này có nói gì thì học sinh cũng không nghe đâu.
Tuy nhiên từ lâu câu "chuột chạy cùng sào mới vào sư phạm" vẫn ám ảnh ngành giáo dục. Nhìn thẳng vào thực tế thì phải thừa nhận: trình độ của nhiều GV hiện nay còn rất nhiều yếu kém.
Để cải thiện tình trạng này thì đã có nhiều kiến nghị và giải pháp được đưa ra như: miễn học phí cho sinh viên sư phạm, đề xuất giảm biên chế, đề xuất tuyển người giỏi không qua sư phạm vào làm GV... nhưng những giải pháp này để thực hiện được thì phải đòi hỏi rất nhiều thời gian, công sức.
Vậy có giải pháp nào dễ triển khai mà lại có nhiều hiệu quả để nâng cao chất lượng đội ngũ GV hiện nay? Ngành giáo dục hiện nay của chúng ta đang có rất nhiều vấn đề như sách giáo khoa; trình độ giáo viên...
Phải chăng vì quá nhiều vấn đề mà ngành đã quên đi việc quan trọng là đưa ra những quy định bắt buộc thày cô tự đào tạo bằng cách tự đọc sách để cải thiện và nâng cao trình độ của mình.
Những vấn đề của giáo dục còn rất nhiều nan giải, không thể giải quyết một sớm một chiều nhưng riêng vấn đề bắt buộc thày cô, học sinh đọc sách thì không thể trì hoãn.
Những quy định quan trọng như vậy nhưng lại có thể thực thi một cách rất đơn giản, không tốn kém nhiều mà hiệu quả cao. Tôi xin trình bày rõ hơn giải pháp này như sau: Cần phải sớm ban hành quy định: mỗi năm học hoặc mỗi kỳ nghỉ hè thì mỗi GV cần phải đọc bao nhiêu cuốn sách chuyên môn, bao nhiêu cuốn sách văn học, đời sống hoặc tự chọn.
Những cuốn sách này có thể được lựa chọn qua sự đóng góp ý kiến của nhiều người hoặc qua những hội đồng chuyên môn uy tín; những cuốn sách tự chọn thì có thể do sự yêu thích hay do cảm thấy cần phải đọc của người GV đó.
Quan trọng là khi đọc xong thì cần phải viết tóm tắt lại hay ghi cảm nhận về cuốn sách đó trước hội đồng; hoặc có thể làm bài kiểm tra theo nội dung cuốn sách người giáo viên đó đã đọc. Việc tổ chức các kỳ thi sát hạch GV hoàn toàn có thể làm theo cách này, thậm chí có thể bỏ các kỳ thi giáo viên giỏi hình thức để thay bằng cách làm thực chất này.
Thực tế hiện nay nhiều GV rất lười đọc, có những GV văn mà cả năm ngoài sách giáo khoa ra thì không đọc một cuốn sách nào khác thì kiến thức đâu để truyền cảm hứng, để khơi dậy niềm yêu thích văn học, yêu cuộc sống cho học sinh đây?
Đã đầu vào sư phạm kém, khả năng tự học bằng cách tự đọc kém nữa thì dẫn đến trình độ chuyên môn và hiểu biết kém là hiển nhiên. Rất nhiều sự việc gây dư luận không tốt của ngành giáo dục vừa qua khả năng lớn là rơi vào những thày cô này.
Trong thời đại 4.0 hiện nay khi mà khoa học kỹ thuật phát triển như vũ bão thì việc tự học, tự đào tạo đối với mỗi người là cực kỳ quan trọng, đối với GV khi quy định này được thực thi một cách quyết liệt thì đội ngũ GV sẽ có khả năng tự đào tạo rất tốt.
Việc này sẽ tự nhiên cải thiện và nâng cao trình độ đội ngũ GV – vấn đề quan trọng nhất của ngành giáo dục hiện nay. Những GV có đầu vào kém nghĩa là khả năng kém nhưng do quy định này nên phải bắt buộc tự đào tạo, từ đó sẽ cải thiện và nâng cao trình độ; đối với GV có trình độ thì khi thực thi quy định này sẽ càng nâng cao trình độ của mình hơn (thực tế thì những GV giỏi thường là những GV đọc rất nhều).
Khi thực thi quyết liệt giải pháp này thì chỉ sau vài năm đội ngũ GV sẽ sớm nâng cao trình độ, hiệu quả rõ rệt khi so sánh với việc thực thi những giải pháp dài hơi và khó khăn khác.
>> 'Chí Phèo ăn vạ, chị Dậu vùng lên' có còn phù hợp?
Song song với quy định bắt buộc đọc sách đối với GV thì Bộ Giáo dục cũng nên đưa ra quy định bắt buộc đọc sách đối với học sinh. Đối với học sinh thì có thể học theo Anh hoặc Bỉ: đầu mỗi năm học các thầy cô sẽ chọn những cuốn sách để yêu cầu học sinh phải đọc; học sinh trung học ở Anh mỗi tuần phải đọc một cuốn nghĩa là một năm phải đọc ít nhất 52 cuốn (hè cũng phải đọc), đọc xong phải ghi tóm tắt hoặc cảm nghĩ về cuốn sách mình đã đọc.
Trong đề thi tốt nghiệp môn Triết học của HS trung học Pháp mấy năm trước có câu: "Viết bài nghị luận: "Suis-je ce que mon passé a fait de moi? (Có phải tôi là cái mà quá khứ đã làm ra tôi?)". Nếu không đọc sách nhiều thì học sinh (ngay cả người lớn chúng ta) có thể viết được bài luận này không? Cụ thể với học sinh 12 của chúng ta hiện nay thì có mấy em làm được câu này? Từ sự bắt buộc đọc sách đối với thầy cô và học sinh thì sẽ có lúc tạo ra những thế hệ thầy cô, học sinh ham mê đọc sách, dần dần sẽ tạo ra một xã hội học tập vì có những công dân ham đọc sách. Điều này sẽ góp phần quan trọng để nâng cao dân trí.
Viết đến đây tôi liên tưởng đến tiền nhân kiệt xuất Phan Chu Trinh với tư tưởng đi trước thời đại nhiều nhiều năm: "Khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh".
Qua dòng chảy của lịch sử chúng ta đã nhận ra tầm quan trọng của tư tưởng mà Phan Chu Trinh đưa ra, từ đó cần phải quyết liệt thực thi tư tưởng này. Để nâng cao dân trí thì việc khuyến khích đọc sách cho tất cả mọi người, quyết liệt thực hiện việc nâng cao văn hóa đọc là giải pháp hữu hiệu bậc nhất.
Về giải pháp tổng thể tôi xin đề xuất: Nên bắt đầu từ trường học với sự tiên phong thực thi là đội ngũ giáo viên và học sinh như đã trình bày ở trên. Đó cũng chính là việc quan trọng góp phần "khai dân trí, chấn dân khí"; khi dân trí cao sẽ dễ dàng tiến hành công việc khó khăn "hậu dân sinh".
Khi dân trí cao thì đất nước sẽ phát triển, thế nước sẽ mạnh, ít bị đe dọa hơn; giống như đất nước nhỏ bé Israel ở Trung Đông, hay đất nước Singapore cùng Hiệp hội ASEAN với chúng ta. Điều này đã được đại văn hào Maxim Gorki đúc kết thành chân lý: "Đất nước sẽ mạnh hơn nếu nhiều văn hóa hơn".
>> Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.
Phạm Xuân Anh