Gia đình bạn tôi mới có một chuyến đi du lịch Sa Pa trong ba ngày cuối tuần cuối tháng sáu. Chuyến đi lẽ ra đã rất vui nếu họ không phải chứng kiến hình ảnh trẻ em bị lợi dụng để chèo kéo, đeo bám du khách nhằm bán hàng rong. Đây là lần thứ hai bạn quay trở lại Sa Pa sau 5 năm, nhưng tình trạng đó vẫn diễn ra với nhiều hình thức và cách làm tinh vi hơn, gây bức xúc cho du khách, làm ảnh hưởng xấu đến hình ảnh thị xã du lịch nổi tiếng này.
Khi đến khu vực nhà thờ đá, hay các khu du lịch Cát Cát, Tả Van, không khó để bắt gặp hình ảnh em nhỏ cầm trên tay vài món quà lưu niệm, chỉ cần thấy có khách, các em lập tức năn nỉ, chèo kéo mời mua hàng. Hoặc những người phụ nữ trẻ trên lưng địu con vài tháng tuổi cũng chạy theo sau du khách để mời mua hàng hoặc xin tiền. Nhìn các em nhỏ trông rất đáng thương, chúng tôi không đành lòng.
Những đứa trẻ lẽ ra phải được người lớn chăm sóc ở nhà, nay lại sớm phải dãi nắng dầm mưa theo chân bố mẹ đi bán hàng, lợi dụng lòng thương của du khách để dễ bán hàng, bất chấp thời tiết giá lạnh, nắng nóng, ngày hay đêm. Nếu không mua hàng thì các em cứ lẽo đẽo bám theo, làm ảnh hưởng đến chuyến đi, nên chúng tôi thấy rất khó chịu. Thực ra, mục đích của các "bà mẹ" ở đây không phải là bán hàng, mà chỉ là để các du khách thương hại và cho tiền. Nhiều người muốn sinh con chỉ để có đứa trẻ làm công cụ đi lang thang bán hàng, xin tiền của khách.
Bản thân tôi cũng từng đến Sa Pa hai lần vào năm 2013 và năm 2019, cũng chứng kiến sự việc tương tự. Những em bé gái lon ton, nhem nhuốc, ôm đồ thổ cẩm, vòng, đồ lưu niệm... chạy theo các đoàn khách du lịch. Nhiều đứa cả buổi chỉ bám theo một đoàn khách và lúc nào cũng giơ những món đồ của mình lên để mong được du khách chú ý và mua cho.
>> Từ háo hức thành khó chịu sau hơn 20 năm quay lại Sa Pa
Tôi cứ nghĩ rằng sau 5 năm không trở lại, có lẽ Sa Pa bây giờ đã thay đổi nhiều rồi. Không ngờ bạn tôi vẫn phải phiền lòng về sự việc từ nhiều năm trước. Thậm chí, những đứa trẻ ở đây lại ham kiếm tiền thêm một chút, đeo bám du khách nhiều thêm một chút, với mức độ "trơ lì" ngày càng tăng.
Trẻ em vốn dĩ là lứa tuổi hồn nhiên, không biết đến giá trị của đồng tiền, càng không biết cách kiếm tiền. Nhưng trẻ em ở Sa Pa biết kiếm tiền bằng nhiều cách và mỗi đứa đều có mánh khóe riêng. Nếu muốn được nghe chúng múa, thổi khèn hay đứng để chụp ảnh thì bạn phải trả tiền. Chúng đã sớm mất đi sự trong sáng, hồn nhiên, ngây thơ so với các bạn cùng trang lứa.
Tình trạng đeo bám du khách để bán hàng rong tại Sa Pa cũng kéo theo nhiều hệ lụy xấu, nhất là nguy cơ mất an toàn đối với những đứa trẻ. Nhiều biện pháp đã được áp dụng nhưng vẫn chưa thể giải quyết thực sự triệt để. Do đó, rất cần sự quan tâm, vào cuộc quyết liệt hơn của địa phương, cơ quan quản lý du lịch để giải quyết dứt điểm tình trạng trên.
Tôi nghĩ rằng, bất kể ai từng đến với Sa Pa, chứng kiến những cuộc mưu sinh của trẻ em trên đường phố đều không thể làm ngơ. Hy vọng trong tương lai không xa, người dân Sa Pa và du khách sẽ tiếp tục đồng thuận, chung tay nhằm xây dựng thương hiệu của Khu du lịch quốc gia không chỉ sạch, đẹp mà còn văn minh, thân thiện và mến khách.
Chắc chắn tôi vẫn sẽ quay lại Sa Pa lần thứ ba, nhưng hy vọng bản thân sẽ không phải chứng kiến những hình ảnh không đẹp mắt như vậy nữa. Tôi mong mỏi Sa Pa sẽ thay đổi tốt hơn, du khách sẽ muốn quay lại đây nhiều lần hơn. Không biết đến bao giờ trẻ em Sa Pa mới thực sự trở thành thế giới của ngày mai?
- Ai quay lại nếu Sa Pa, Đà Lạt mãi cũ kỹ?
- 'Không chụp nổi tấm ảnh Sa Pa, Đà Lạt thơ mộng'
- Sai lầm đi Sapa nghỉ dưỡng
- Sa Pa, Đà Lạt sẽ 'mất chất' nếu chỉ chạy theo thị hiếu du khách
- Đà Lạt, Sa Pa nhạt dần vì 'nửa mùa'
- Mười năm nữa ai còn muốn đến Sa Pa, Đà Lạt?